(PLO)- Cà Mau đã và đang quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để ngăn chặn và xử lý việc khai thác hải sản bất hợp pháp (Chống khai thác IUU).
Hoạt động của ngư dân Việt Nam trên biển sẽ chịu sự điều chỉnh của những văn bản pháp luật nào?
Ngư dân khi hoạt động trên biển chịu sự điều chỉnh của luật quốc gia mà ngư dân mang quốc tịch; luật quốc tế nếu hoạt động trên các vùng biển quốc tế và luật quốc gia sở tại nơi tàu thuyền của ngư dân đang hiện diện.
Cụ thể, nếu hoạt động trong các vùng biển thuộc chủ quyền (nội thuỷ và lãnh hải), quyền chủ quyền và quyền tài phán của việt Nam (Vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa), thì ngư dân phải tuân thủ và chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam, đặc biệt là Luật Biên giới Quốc gia năm 2003; Luật Biển Việt Nam năm 2012; Luật Thuỷ sản năm 2017; ...
Nếu tàu thuyền của ngư dân Việt Nam hoạt động trên các vùng biển quốc tế thì phải tuân thủ và chịu sự điều chỉnh của luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển 1982 (sau đây gọi là Công ước 1982) được coi là “Hiến pháp của cộng đồng quốc tế về biển”. Việt Nam đã phê chuẩn và trở thành thành viên của Công ước 1982 từ ngày 23-6-1994.
Bên cạnh đó, khi hoạt động trên biển, ngư dân còn phải tuân thủ và chịu sự điều chỉnh của các điều ước ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết với các quốc gia trong khu vực.
Đáng chú ý, khi hoạt động trên các vùng biển là nội thuỷ, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác thì ngư dân Việt Nam phải tuyệt đối tuân thủ và chịu sự điều chỉnh của pháp luật của quốc gia sở tại. Đặc biệt, ngư dân không được khai thác, đánh bắt thuỷ sản bất hợp pháp trên các vùng biển của quốc gia khác.
Biển và đại dương được phân chia thành những vùng nào?
Theo Công ước 1982, tính từ trong bờ biển ra bên ngoài, biển và đại dương được chia thành ba khu vực có chế độ pháp lý khác nhau.
Thứ nhất, các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia (là lãnh thổ trên biển của quốc gia) gồm nội thuỷ và lãnh hải.
Chủ quyền của quốc gia ven biển đối với nội thuỷ là hoàn toàn và tuyệt đối. Theo đó, ở nội thuỷ, quốc gia ven biển có quyền tối cao trong việc chiếm hữu, sử dụng, quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và định đoạt tất cả các vấn đề pháp lý liên quan đến nội thuỷ của mình mà không có bất kỳ quốc gia nào, chủ thể nào có quyền chi phối hoặc can thiệp. Mọi loại tàu thuyền của nước ngoài vào, ra và hoạt động trong nội thuỷ của quốc gia ven biển phải xin phép trước (tàu thuyền nước ngoài muốn vào nội thuỷ của Việt Nam phải xin phép và khi hoạt động phải tuân thủ tuyệt đối pháp luật của Việt Nam).
Trong khi đó, chủ quyền quốc qua ven biển đối với lãnh hải không tuyệt đối như nội thuỷ. Bởi vì, trong lãnh hải của mình, quốc gia ven biển phải dành “quyền đi qua không gây hại” cho tàu thuyền của tất cả các quốc gia có biển hay không có biển. Hay nói cách khác, tàu thuyền nước ngoài được quyền “đi qua không gây hại” trong lãnh hải của quốc gia ven biển.
Thứ hai là các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia gồm: Vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Ở vùng tiếp giáp lãnh hải, quốc gia ven biển có quyền thi hành sự kiểm soát cần thiết, nhằm ngăn ngừa những vi phạm đối với các luật và quy định hải quan, thuế quan, y tế hay nhập cư trong lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình và trừng trị những vi phạm đối với các luật và quy định nói trên xảy ra trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình.
Ở vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển có các quyền thuộc chủ quyền về mặt kinh tế: Thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển…. Đồng thời, quốc gia ven biển có quyền tài phán về việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình; nghiên cứu khoa học về biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển.
Ở thềm lục địa của mình, quốc gia ven biển có các quyền thuộc chủ quyền về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình. Các quyền này có tính chất đặc quyền, tức là nếu quốc gia ven biển không thăm dò, không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa thì cũng không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy, nếu không có sự thỏa thuận rõ ràng với quốc gia ven biển…
Thứ ba là các vùng biển chung của cộng đồng quốc tế gồm: Biển quốc tế (biển cả) và đáy đại dương.
Tóm lại, tính từ bờ biển, nội thủy là vùng nước nằm trong đường cơ sở, quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối. Lãnh hải là vùng biển nằm ngoài đường cơ sở, có chiều rộng không quá 12 hải lý, quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn, nhưng không tuyệt đối (vì tàu thuyền nước khác có quyền qua lại không gây hại). Hết lãnh hải là hết chủ quyền lãnh thổ của quốc gia trên biển. Bên ngoài lãnh hải, tiếp liền với lãnh hải là vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, đây là những vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia. Bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển quốc tế và đáy đại dương. Ở vùng biển quốc tế và đáy đại dương, các quốc gia có biển hay không có biển đều được hưởng các quyền tự do biển cả với điều kiện thực thi phù hợp với quy định của Công ước 1982.
(*) Nguồn: PGS.TS NGÔ HỮU PHƯỚC, Phó Trưởng khoa Luật Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM
Chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia là gì?
Chủ quyền quốc gia là thuộc tính chính trị - pháp lý vốn có và không thể tách rời của quốc gia thể hiện trên hai phương diện cơ bản về đối nội và đối ngoại.
Về phương diện đối nội (chủ quyền đối nội), quốc gia có toàn quyền quyết định mọi công việc đối nội, là quyền tối cao của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của mình. Trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, quốc gia có toàn quyền quyết định và thực hiện ba chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp mà không chủ thể nào có quyền can thiệp.
Về phương diện đối ngoại, chủ quyền quốc gia được hiểu là quyền độc lập của quốc gia trong quan hệ quốc tế (chủ quyền đối ngoại). Theo đó, quốc gia có toàn quyền quyết định và chủ động tham gia vào các quan hệ quốc tế với các quốc gia và các chủ thể khác của luật quốc tế.
Quyền tối cao của quốc gia trong quan hệ quốc tế cũng được hiểu theo nghĩa tương đối, có nghĩa là, khi tham gia vào quan hệ quốc tế, các quốc gia bình đẳng với nhau về chủ quyền nên chủ quyền của mỗi quốc gia lại bị giới hạn bởi chủ quyền của các quốc gia khác.
Quốc gia có toàn quyền quyết định và lựa chọn chủ thể, thời điểm và các lĩnh vực của quan hệ quốc tế phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa... của quốc gia mình trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi.
Quyền chủ quyền quốc gia được hiểu là các quyền của quốc gia ven biển đối với tài nguyên thiên nhiên trong vùng tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Ở các vùng biển này, quốc gia ven biển có quyền quản lý, thăm dò, khai thác, bảo vệ, bảo tồn các tài nguyên sinh vật (cá, tôm...), tài nguyên phi sinh vật (dầu khí, các loại khoáng sản ở đáy biển).
Quyền tài phán được hiểu là quyền cho phép, kiểm tra, giám sát, xử lý và xét xử các hoạt động và các hành vi vi phạm pháp luật trên các vùng biển tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước và các chủ thể khác trong xã hội.
Về nguyên tắc, quyền tài phán của quốc gia được áp dụng đối với mọi cá nhân, tổ chức trong phạm vi lãnh thổ quốc gia. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt quyền tài phán quốc gia còn được thực hiện cả ở bên ngoài lãnh thổ quốc gia như quyền tài phán của quốc gia đối với những hành vi được thực hiện trên máy bay, tàu biển mang quốc tịch của quốc gia đang hoạt động hoặc nằm ngoài phạm vi lãnh thổ quốc gia hoặc quyền tài phán đối với những hành vi do cán bộ, công chức thực hiện tại các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự hoặc phái đoàn đại diện thường trực của quốc gia ở nước ngoài.
Trong lĩnh vực luật quốc tế về biển, quyền tài phán trên biển được hiểu là thẩm quyền riêng biệt của quốc gia ven biển liên quan đến quyền quy định, quyết định cấp phép, giải quyết, xử lý, xét xử đối với một số loại hoạt động trên biển, đối với việc xây dựng, lắp đặt và sử dụng đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trên biển, nghiên cứu khoa học về biển, truy đuổi trên biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển trong vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của quốc gia.
Như vậy, quyền tài phán theo nghĩa rộng bao gồm thẩm quyền ban hành pháp luật, thẩm quyền giám sát việc thực hiện pháp luật và thẩm quyền giải quyết, xét xử đối với các hành vi vi phạm pháp luật của quốc gia trên biển. Theo nghĩa hẹp, quyền tài phán được hiểu là thẩm quyền xử lý, giải quyết, xét xử một hành vi, vụ việc cụ thể theo quy định của pháp luật.
Đường cơ sở của Việt Nam được xác định như thế nào?
Đường cơ sở là “cột mốc pháp lý” do các quốc gia đơn phương xác định dựa vào ngấn nước thủy triều xuống thấp nhất dọc theo chiều hướng chung của bờ biển hoặc là đường thẳng gãy khúc nối liền các mũi, các đỉnh, các đảo ven bờ để xác định chiều rộng các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia.
Đường cơ sở được xác định bằng hệ thống các mốc tọa độ trên biển. Muốn xác định chiều rộng của các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán thì quốc gia ven biển phải xác định đường cơ sở.
Về vị trí, đường cơ sở chính là ranh giới bên ngoài của nội thủy và ranh giới bên trong của lãnh hải.
Đối với Việt Nam, đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải được tuyên bố vào ngày 12-11-1982. Theo Tuyên bố này, đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam từ điểm tiếp giáp 0 của hai đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Campuchia nằm giữa biển, trên đường thẳng nối liền quần đảo Thổ Chu và đảo Poulo Wai, đến đảo Cồn Cỏ theo các tọa độ:
© Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh
Giấy phép số: 636/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 28-12-2020
Cơ quan chủ quản: Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
Tổng biên tập: Mai Ngọc Phước
Website: https://plo.vn
Pháp Luật TP.HCM giữ bản quyền nội dung trên Website này.
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.