Ngày 16-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà hỏi thăm tình hình đời sống, đánh bắt thủy sản của bà con ngư dân ở thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) về nỗ lực chống khai thác IUU.

Cà Mau: Chống khai thác IUU, bảo vệ quyền lợi cho ngư dân

(PLO)- Cà Mau đã và đang quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để ngăn chặn và xử lý việc khai thác hải sản bất hợp pháp (Chống khai thác IUU).

Thời gian qua, các cấp chính quyền ở Cà Mau đã tích cực tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho ngư dân, giúp họ hiểu rõ lợi ích của việc phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU).

Cà Mau: Chống khai thác IUU, bảo vệ quyền lợi cho ngư dân
Ngày 16-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà hỏi thăm tình hình đời sống, đánh bắt thủy sản của bà con ngư dân ở thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) về nỗ lực chống khai thác IUU. Ảnh: TRẦN VŨ

Giám sát chặt chẽ tàu cá

Theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, do đặc điểm địa hình Cà Mau với hơn 50 cửa sông, rạch lớn, nhỏ thông ra biển. Trong đó có rất nhiều cửa sông, rạch không có bố trí lực lượng chức năng để kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào nên một số tàu cá trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng để đưa tàu cá ra biển hoạt động.

P23_Chinh_h2.jpg
Ngày 17-10, trong lúc tuần tra, kiểm soát trên vùng biển Tây Nam (cách Hòn Khoai khoảng 25 hải lý), lực lượng chức năng thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phát hiện, bắt giữ tàu cá mang số hiệu CM-08710-TS có hành vi chở chín thiết bị giám sát hành trình của các tàu cá khác. Ảnh: ĐỨC THÁI

Song song với việc tuyên truyền, tỉnh Cà Mau cũng đã thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp xử lý vi phạm.

Tính đến nay, tỉnh đã phát hiện và xử lý 199 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt lên đến hơn 7,5 tỉ đồng, trong đó có 108 vụ vi phạm về IUU với số tiền phạt là hơn 6,3 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh đã khởi tố ba vụ án hình sự liên quan đến việc tổ chức, môi giới người xuất cảnh trái phép và khai thác trái phép vùng biển nước ngoài. Đây là những biện pháp mạnh tay nhằm răn đe và nâng cao tính tự giác của ngư dân trong việc tuân thủ quy định pháp luật về khai thác hải sản.

Cà Mau đã xử lý 108 vụ vi phạm về IUU với số tiền phạt là hơn 6,3 tỉ đồng.

“Tỉnh đã chỉ đạo thành lập thêm chín chốt kiểm tra, kiểm soát lưu động tại các cửa biển không có trạm kiểm soát biên phòng. Ngành nông nghiệp cũng ứng dụng số hóa trong quản lý đội tàu cá, thực hiện chuyển đổi nghề cho ngư dân…

Các xã, huyện phân công đảng viên thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở, nhờ đó thời gian gần đây ngư dân chấp hành rất tốt” - ông Vũ nói.

P23_Chinh_h3.jpg
Các tàu cá đang khai thác hải sản. Ảnh: TRẦN VŨ

Ngoài ra, hiện nay lực lượng chức năng đang điều tra, xử lý một vụ che giấu, gửi thiết bị giám sát hành trình; một vụ làm giả hồ sơ tàu cá; một vụ tàu cá nhập cảnh trái phép.

Công tác giám sát sản lượng tại các cảng cá đã được thực hiện chặt chẽ và đúng quy trình. Tỉnh đã đạt được tỉ lệ 100% trong việc đánh dấu và kẻ số đăng ký tàu cá.

Tổng đài tự động chống khai thác IUU

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về việc thiết lập tổng đài tự động tiếp nhận thông tin khi tàu cá mất tín hiệu kết nối ngoài khơi, Sở NN&PTNT giao Chi cục Kiểm ngư chủ trì và đến nay đã thiết lập xong hệ thống phần mềm CallBot (tổng đài tự động) đưa vào vận hành, thực hiện.

Khi thiết bị giám sát hành trình tàu cá mất tín hiệu kết nối ngoài khơi, CallBot sẽ gọi điện thoại, gửi tin nhắn SMS thông báo, cảnh báo cho chủ tàu, thuyền trưởng được biết qua số điện thoại 02903 582 588.

Chủ tàu, thuyền trưởng sẽ báo cáo vị trí tàu cá mất kết nối ngoài khơi với tần suất 6 giờ/lần.

Đấu tranh quyết liệt với các tàu sai phạm

Bên cạnh những kết quả tích cực, tỉnh vẫn đối diện với những thách thức lớn. Hiện có 391 tàu cá “ba không” (không đăng ký, không giấy phép, không giám sát hành trình), trong đó, nhiều tàu đã chuyển đổi hoặc bị hư hỏng.

Tỉnh ghi nhận vẫn còn tình trạng các chủ tàu và thuyền trưởng vì lợi ích kinh tế trước mắt mà cố tình vi phạm hoặc tìm cách che giấu khi bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ và tình trạng một số tàu cá sử dụng số đăng ký giả hoặc nhập cảnh trái phép.

Do đó, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiêm Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh về chống khai thác IUU, nhận định Cà Mau là địa bàn trọng điểm về tình trạng vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài về số lượng tàu và cả số người vi phạm.

“Xác định được tính chất và mức độ vi phạm này, thời gian qua, tỉnh đã tập trung ký kết văn bản liên tịch liên ngành, các kế hoạch phối hợp với các tỉnh lân cận để xây dựng phương án đấu tranh rất quyết liệt” - ông Sử nói.•

Họ đã nói

Ông LÊ VĂN SỬ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau:

Nhiệm vụ có ý nghĩa lâu dài

P23_Chan-trang_h1_LE-VAN-SU.jpg

Từng thành viên ban chỉ đạo tỉnh, huyện phải nỗ lực bám sát địa bàn, công việc được phân công phải rõ ràng, đúng thời điểm với mục đích cuối cùng là ngăn chặn được tàu cá trong tỉnh không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản của tỉnh và cũng là quyết tâm tiếp tục tăng cường chống khai thác IUU, cùng chung tay gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) và chuẩn bị các điều kiện đón đoàn thanh tra EC lần thứ năm vào kiểm tra tại tỉnh Cà Mau.

.......................

Đại tá DƯƠNG XUÂN DŨNG, Chính ủy Hải đoàn 42, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4:

Lực lượng cảnh sát kết nối chặt chẽ với địa phương

P23_Chan-trang_h2_-DUONG-XUAN-DUNG.jpg

Lực lượng cảnh sát luôn duy trì sự kết nối chặt chẽ với các địa phương, Ban Dân vận và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau để hỗ trợ tài liệu phổ biến pháp luật, cũng như các quy định liên quan đến biển, đảo.

Đồng thời, đơn vị cũng triển khai các tổ công tác trực tiếp đến các cảng cá có nhiều tàu thuyền đánh bắt xa bờ, gặp gỡ và tư vấn tận nơi cho ngư dân, giúp họ hiểu rõ hơn về pháp luật và nâng cao ý thức phòng, chống IUU.

............................

Thượng tá PHAN XUÂN HUYỀN, Phó Trưởng phòng Phòng, chống ma túy, Bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau:

Bảo vệ quyền lợi cho ngư dân

P23_Chan-trang_h3_PHAN-XUAN-HUYEN.jpg

Dù lực lượng biên phòng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xử lý nghiêm hành vi vi phạm IUU, ngư dân vẫn tìm cách đối phó. Có những vụ ngư dân lợi dụng đêm tối, chia nhỏ thành từng tốp để trốn sự kiểm soát của biên phòng hoặc tháo thiết bị giám sát hành trình gửi vào bờ, thậm chí có trường hợp nhiều tàu cùng tháo thiết bị và gửi chung cho một tàu.

Việc tháo gỡ thẻ vàng của EC không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà còn là bảo vệ quyền lợi bền vững cho ngành thủy sản và ngư dân.

....................

Ông DƯƠNG VĂN KẾT (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau):

Chấm dứt tình trạng đánh bắt trái phép

P23_Chan-trang_h5_DUONG-VAN-KET.jpg

Bản thân tôi không đi đánh bắt ở nước ngoài nhưng lại phải chịu ảnh hưởng từ những người vi phạm. Tuy thấy thương cho ngư dân phải đối mặt với khó khăn mưu sinh nhưng nhìn xa hơn, việc khai thác trái phép gây hậu quả nghiêm trọng cho cả ngành thủy sản và kinh tế quốc gia.

Do đó, cần phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để chấm dứt tình trạng này.

********************************

Ngày mai, Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến Cà Mau với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực

Ngày mai, 20-10, Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” của báo Pháp Luật TP.HCM sẽ đến Cà Mau, cùng với chính quyền góp phần hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển. Cà Mau là địa phương có biển thứ 18 mà báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức chương trình này.

Đồng hành cùng chương trình lần này, về phía Trung ương, có sự tham dự của ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Chủ tịch danh dự Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”.

Về phía báo Pháp Luật TP.HCM, có sự tham dự của ông Nguyễn Thái Bình, Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM.

Chương trình còn có sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau, lãnh đạo Sở NN&PTNT, lãnh đạo UBND huyện U Minh và đông đảo bà con ngư dân địa phương.

Tại Cà Mau, Ban Tổ chức Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” sẽ thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Cụ thể:

- Khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 500 ngư dân thuộc ba xã của huyện U Minh, Cà Mau.

- Thăm, động viên, tặng quà cho ba gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn thuộc xã Khánh Hội; thăm, tặng quà cho đơn vị Bộ đội biên phòng cảng Khánh Hội.

- Tại Hội trường Nhà văn hóa xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, ban tổ chức Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” sẽ:

• Trực tiếp trao tặng quà cho 100 gia đình ngư dân (mỗi phần quà trị giá hơn

6 triệu đồng) gồm: Cuốn cẩm nang Những điều cần biết về đánh bắt hải sản, bình ắc quy, đèn LED, combo pin Con Ó, túi thuốc, bóng đèn năng lượng mặt trời, cuộn dây thừng chuyên dụng và phiếu mua hàng 1 triệu đồng.

• Trao tặng 200 bình lọc nước sạch uống trực tiếp hiệu ECOZEN (mỗi bình trị giá 1 triệu đồng) cho người dân ở bốn xã: Khánh Hội, Khánh Lâm, Khánh Tiến, Khánh Hòa thuộc huyện U Minh.

• Trao tặng 25 suất học bổng cho các học sinh là con em các gia đình ngư dân vượt khó học giỏi.

Trước đó, sau lễ ra mắt vào tháng 4-2023, Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đã đến với 17 tỉnh, thành gồm: TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Trị, Quảng Bình, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Thuận, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Thái Bình, Khánh Hòa, Hà Tĩnh với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.

Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức từ đầu năm 2023. Chương trình sẽ đến với 28 tỉnh, thành giáp biển trên cả nước với tổng kinh phí thực hiện hơn 30 tỉ đồng, nhằm hỗ trợ, động viên, đồng hành cùng bà con ngư dân; sát cánh cùng Chính phủ và chính quyền địa phương tìm giải pháp tháo gỡ thẻ vàng cho ngành hải sản của Việt Nam.

BAN TỔ CHỨC

Lời cảm ơn

Ban Tổ chức Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” trân trọng cảm ơn các nhà tài trợ đã đồng hành cùng chương trình:

1. Công ty Cổ phần Pin ắc quy Miền Nam (PINACO).

2. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank).

3. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

4. Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).

5. Công ty Cổ phần Siam Brothers Việt Nam.

6. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

7. Tập đoàn Vingroup - Công ty Cổ phần.

8. Công ty Cổ phần Dược phẩm TV.Pharm.

9. Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam.

10. Tập đoàn Sungroup.

11. Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long.

12. Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM.

13. Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn - TNHH một thành viên.

14. Công ty CP Xúc tiến đầu tư và Phát triển bền vững (SIPCO).

15. Công ty Điện năng lượng xanh Nam Cần Thơ.

16. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bạc Liêu.

… và một số đơn vị tài trợ khác.

*************

“Quà tặng từ chương trình rất thiết thực”

Ngư dân ở Quảng Bình, Đà Nẵng đánh giá rất cao tính thiết thực từ những kiến thức pháp lý và những món quà mà Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đem lại cho họ cách đây tròn một năm.

Tháng 10-2023, Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” của báo Pháp Luật TP.HCM đến với tỉnh Quảng Bình.

Tại đây, Ban Tổ chức chương trình đã phối hợp với UBND tỉnh trao tặng cho 200 hộ ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, mỗi hộ một phần quà trị giá hơn 4 triệu đồng, bao gồm: Một bình ắc quy và đèn LED, một cuốn cẩm nang Những điều cần biết về đánh bắt hải sản, một túi thuốc, một hộp combo pin Con Ó, cùng một số vật phẩm khác.

Chương trình cũng dành tặng 25 suất học bổng cho con em các gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi, mỗi suất học bổng gồm 2 triệu đồng tiền mặt, bộ dụng cụ học tập, ba lô học sinh…

Tròn một năm sau khi chương trình diễn ra, nhiều ngư dân tại Quảng Bình vẫn chưa hết xúc động khi nhớ lại những lời hỏi thăm, chia sẻ thân tình cũng như những món quà đầy thiết thực được Ban Tổ chức trao tặng.

P23_cotphai_H1_Ngu-dan-HONG-GIONG.jpg
Ngư dân Hồng Giống cho hay cuốn cẩm nang Những điều cần biết về đánh bắt hải sản mà báo tặng rất thiết thực. Ảnh: BẢO THIÊN

“Đối với tôi, món quà quý giá nhất chính là cuốn cẩm nang Những điều cần biết về đánh bắt hải sản. Cuốn sách giúp tôi có thêm những kiến thức chưa biết để cùng tuyên truyền cho thuyền viên của gia đình và các tàu bạn thực hiện đúng luật khi đi đánh bắt trên biển” - ngư dân Hồng Giống (TP Đồng Hới, Quảng Bình) cho biết.

P23_cotphai_H2_Ngu-dan-PHAM-HAI.jpg
Theo ngư dân Phạm Hải, các phần quà như bình ắc quy, túi thuốc, chai dầu gió… rất có hiệu quả, nhiều lần giúp tàu cá và bạn thuyền của anh. Ảnh: BẢO THIÊN

Là một trong ba gia đình được đoàn đến thăm, ông Phạm Hải (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), chủ tàu cá QB-991254TS, luôn bày tỏ lòng biết ơn, sự quan tâm chia sẻ của Ban Tổ chức.

“Thực sự rất cảm ơn những món quà đầy thiết thực của báo Pháp Luật TP.HCM và những lời động viên của ông Trương Hòa Bình. Cách đây hơn nửa năm, khi đang hoạt động trên biển, bình ắc quy của tàu chúng tôi không may gặp sự cố nhưng rất may có bình ắc quy của chương trình tặng dự phòng nên đã kịp thời khắc phục.

Có lần, một bạn thuyền của tôi không may trúng gió nặng, cũng nhờ chai dầu gió và túi thuốc mà họ đã tai qua nạn khỏi mà không cần phải quay tàu đưa vào bờ để điều trị” - ông Phạm Hải tâm sự.

P23_cotphai_H3_ngudan_-VIET-TRINH.jpg
Dây thừng được tặng từ Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” giúp ngư dân Lê Viết Trình vững tâm níu giữ các cột cờ mốc lưới trên biển. Ảnh: TẤN VIỆT

Tương tự tại Đà Nẵng, ngư dân Lê Viết Trình (quận Sơn Trà) nằm trong danh sách 200 ngư dân tại Đà Nẵng được nhận quà từ Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức hồi tháng 3-2024.

Chia sẻ với PV, ông Trình cho hay ngay sau khi nhận phần quà từ chương trình, ông đã cho lắp ngay trên tàu từ bình ắc quy, bóng đèn, túi thuốc… Riêng cuộn dây thừng được ông Trình dùng cột cả chục cây cờ. Những múi dây vững chắc giúp thả các cây cờ xuống biển mà không lo việc bị đứt dây, thất lạc cờ.

“Bình ắc quy mà báo tặng rất đúng với loại ngư dân chúng tôi hay mua để dùng, rất chất lượng. Bình ắc quy này dùng được một năm, đỡ phần nào phí tổn mỗi khi tàu ra khơi” - ông Trình nói.

Chia sẻ thêm về cuốn cẩm nang Những điều cần biết về đánh bắt hải sản do báo Pháp Luật TP.HCM làm chủ biên, ông Trình cho hay kiến thức trong đó rất dễ tiếp thu. Không những ông mà các bạn tàu cũng chuyền tay nhau đọc, để biết tàu của mình được đánh bắt ở vùng biển nào, loại cá nào, đánh bắt thế nào thì hợp pháp và thế nào là vi phạm.•

TẤN VIỆT - BẢO THIÊN

Đọc thêm