“Độ” thiết bị điện gia dụng

Trào lưu đầu tư các thiết bị điện gia dụng thông minh kết nối với smartphone đang được giới tiêu dùng quan tâm. Cùng với các dòng sản phẩm chính hãng với giá vài chục, trăm triệu đồng, nhiều sản phẩm bộ phận giá rẻ cũng được người tiêu dùng tìm kiếm mua về sử dụng.

Thời của điện gia dụng thông minh

Theo khảo sát, thị trường các thiết bị điện gia dụng thông minh hiện nay khá đa dạng, nhiều thiết bị như công tắc, ổ cắm điện, đèn đều được tích hợp nhiều tính năng thông minh. Đặc biệt là các loại công tắc có thể tắt mở đèn từ xa, hẹn giờ, thậm chí là có thể điều khiển từ xa qua smartphone mang lại nhiều tiện lợi cho người dùng.

Với các thiết bị tính năng cơ bản thị trường có khá nhiều thương hiệu như Panasonic, Hager, Broadlink, Lumi… Trung bình một chiếc công tắc hay ổ cắm điện thông minh có giá từ vài trăm ngàn đồng đến khoảng vài triệu đồng tùy theo chủng loại và tính năng. Trong đó các loại công tắc hay ổ cắm điện có tích hợp điều khiển thông qua sóng Wi-Fi được xem là sản phẩm cao cấp nhất.

Bên cạch các loại công tắc đơn lẻ, các hệ thống điều khiển trung tâm cũng được nhiều người dùng quan tâm. Đơn cử như hệ thống trung tâm Broadlink RM2, với hệ thống trung tâm này sau khi kết nối Wi-Fi, thiết bị sẽ học hỏi các hệ thống remote toàn bộ các thiết bị gia dụng trong nhà như tivi, máy lạnh, đầu máy… sau đó nhận lệnh từ smartphone, Broadlink RM2 có thể điều khiển mọi thiết bị gia dụng trong nhà thông qua sóng hồng ngoại.

Một số thiết bị điều khiển điện thông minh gia đình đang được bán trên thị trường. Ảnh: BH

Đại diện một điểm kinh doanh thiết bị gia dụng thông minh ở khu K300, quận Tân Bình cho biết không chỉ người trẻ mà nhiều người lớn tuổi cũng ưa thích các thiết bị điện thông minh. Bên cạnh giới trẻ, những người lớn tuổi cũng chấp nhận bỏ tiền đầu tư các hệ thống hẹn giờ cho máy bơm nước đặt trên lầu, theo đó họ có thể tắt mở điện từ xa hay hẹn. Đồng thời các thiết bị không có remote như quạt, đèn, máy giặt… cũng được đầu tư thêm công tắc nguồn để chủ nhà có thể điều khiển từ xa.

Đầu tư kiểu bình dân

Anh Khôi (quận Tân Bình) cho biết anh vừa đầu tư hệ thống điều khiển trung tâm và một số công tắc thông minh tại nhà. Tổng mức đầu tư khoảng trên dưới 5 triệu đồng và ngôi nhà của anh biến thành một ngôi nhà thông minh đích thực. Anh Khôi chia sẻ thêm anh là một dân công nghệ rất muốn trải nghiệm sự tiện lợi của nhà thông minh. Thế nhưng chi phí đầu tư nhà thông minh khá đắt nên anh chọn giải pháp “độ” lại các thiết bị điện và đầu tư hệ thống trung tâm giá bình dân.

“Hiện gia đình tôi rất thích vì khi mình đi xa hoàn toàn có thể điều khiển ngôi nhà bằng smartphone. Tuy nhiên, việc tắt mở từ xa chưa hoàn hảo lắm, tôi đang định lắp thêm một hệ thống camera để quan sát ngôi nhà, đồng thời gắn thêm hệ thống điện để có thể mở rèm từ xa”.

Anh Nguyễn Thanh Vũ, một doanh nghiệp phân phối Broadlink, cho biết mức đầu tư các thiết bị điện gia dụng thông minh không cao thế nên phù hợp với người dùng. Việc đầu tư “độ” lại từng công tắc điện và đầu tư một hệ thống trung tâm có thể giúp người dùng theo dõi, tắt mọi thiết bị từ xa nên có thể an tâm không lo cháy nổ. “Khi có khách, chủ nhà có thể mở điều hòa, mở tivi và nhiều thiết bị khác bằng smartphone dù đang ở một nơi xa nên khá tiện lợi” - anh Vũ phân tích.

Theo giới kinh doanh, bên cạnh kiểu đầu tư bình dân, việc thiết kế lại một ngôi nhà thông minh với nhiều thiết bị ngoại nhập thì có mức giá cao hơn thậm chí là lên đến vài trăm triệu đồng.

NHƯ VŨ

Smartphone điều khiển nhà thông minh

Hiện các dòng smartphone cũng đã có thể điều khiển các thiết bị điện gia dụng cùng chung hãng sản xuất, đơn cử như điện thoại Samsung có thể điều khiển các thiết bị tivi, máy lạnh của hãng này. Phần lớn các thiết bị điều khiển qua sóng hồng ngoại. Hiện nhiều hãng sản xuất smartphone cũng đang hướng đến việc tích hợp công nghệ điều khiển từ xa vào thông qua Wi-Fi các thiết bị gia dụng.

Đọc thêm