Một trường học ở TP.HCM tiên phong đưa môn nghệ thuật Lân Sư Rồng vào chương trình ngoại khóa, mở ra cơ hội để học sinh vừa trải nghiệm văn hóa truyền thống vừa phát triển thể chất, tinh thần.
Cứ mỗi thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, thầy và trò trong CLB Lân Sư Rồng tại trường TH THCS THPT Ngô Thời Nhiệm, TP Thủ Đức, TP.HCM lại rộn ràng, hăng say tập luyện. Các em học sinh, dù đổ nhiều mồ hôi và thấm mệt, vẫn cười tươi đầy phấn khởi, không ngừng động viên nhau để hoàn thành các động tác khó.
Anh Võ Thanh Sang (40 tuổi) là một nghệ nhân múa lân dày dạn kinh nghiệm đang tỉ mỉ chỉ dạy từng động tác, từ cách nhấc đầu lân sao cho linh hoạt, đến cách di chuyển đồng bộ giữa người cầm đầu và người cầm đuôi.
Mỗi tuần, anh đều đặn vượt hơn chục cây số từ quận 5 xuống TP Thủ Đức đến với lớp học để truyền nghề miễn phí, chắp cánh cho các học sinh mê học múa lân.
Anh Sang cho biết, sau một lần đoàn lân đến trường biểu diễn, nhận thấy các em học sinh tại đây có niềm đam mê với nghệ thuật Lân Sư Rồng nên anh đã ngỏ lời để dạy học miễn phí cho các em. Với sự hoan nghênh của nhà trường, CLB Lân Sư Rồng chính thức được thành lập cách đây 4 tháng với khoảng 20 thành viên.
"Múa lân không chỉ là một môn nghệ thuật, mà còn là sự truyền thụ của văn hóa và tinh thần đoàn kết. Khi đứng lớp, tôi không chỉ mong muốn các em nắm vững kỹ thuật múa, mà còn muốn các em cảm nhận được niềm vui và sự tự hào về truyền thống của dân tộc. Nhìn các em hào hứng tập luyện, gắn bó với nhau qua từng động tác, tôi thấy được ý nghĩa thực sự của múa lân, không chỉ mang đến niềm vui cho người xem mà còn giúp các em học cách phối hợp, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau" - Anh Sang chia sẻ.
Khi học múa lân, những bạn chưa quen với việc di chuyển đầu lân hoặc gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng thường được thầy và bạn bè tận tình hướng dẫn, làm cho lớp học không chỉ là nơi học tập mà còn là nơi gắn kết tình bạn.
Anh Sang đang hướng dẫn các em học sinh động tác “chồm” và “ngóc đầu". "Để thực hiện động tác này, người đội lân cần biết cách nhún chân, nâng người và dùng sức tay để giữ đầu lân trong tư thế chồm hoặc cúi xuống, tạo nên sự sống động cho chú lân" - Anh Sang giải thích cho các em học sinh.
Em Phan Trần Quốc Đạt, lớp 11A3 được thầy và các bạn hỗ trợ sửa động tác "lên hai đùi". "Ban đầu khi học múa lân, em thấy hơi khó vì phải phối hợp với bạn cầm đuôi và nghe theo nhịp trống, nhưng sau vài buổi, em thấy mình tiến bộ hơn nhiều. Động tác múa lân không chỉ giúp em rèn luyện sức khỏe mà còn giúp em hiểu hơn về văn hóa dân gian" - Đạt chia sẻ.
"Mỗi lần cầm đầu lân và nhìn qua mắt của nó, em có cảm giác như mình đang kể một câu chuyện. Tham gia lớp học này, em thấy rất phấn khích và tự hào. Trong tương lai, em cũng muốn phát triển múa lân thành một nghề tay trái của em. Em cảm ơn thầy Sang đã cho em cơ hội được học múa Lân Sư Rồng" - Em Huỳnh Lê Ngọc Thắng, lớp 12A3, chia sẻ.
Đội múa đang học cách điều khiển rồng. Theo anh Sang, một học viên có thể mất từ 3-6 tháng để học được cơ bản và biểu diễn.
Theo thầy Lê Văn Công (phó hiệu trưởng), toàn trường có 15 câu lạc bộ thể thao, học thuật, trong đó Lân Sư Rồng là câu lạc bộ thể thao nghệ thuật lần đầu tiên được nhà trường đưa vào giảng đường. Sau nhiều tháng khổ luyện học múa lân, sự tiến bộ và niềm yêu thích của học sinh được bộc lộ rất rõ. Hiện tại, các em đã bắt đầu tham gia biểu diễn trong những sự kiện quan trọng của nhà trường.
"Nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình từ thầy Võ Thanh Sang, các em học sinh có cơ hội chạm đến đam mê của mình. Về phía nhà trường, luôn hỗ trợ cho câu lạc bộ, từ việc bố trí không gian luyện tập, đến đạo cụ tạo điều kiện để các em được học múa Lân Sư Rồng. Nhà trường luôn đồng hành cùng các em và luôn tạo điều kiện để câu lạc bộ phát triển. Hy vọng rằng khi tham gia lớp học múa lân, các em được rèn luyện kỹ năng, nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa dân gian Việt Nam. Và đây cũng là cơ hội để các em theo đuổi đam mê này trong tương lai" - Thầy Công chia sẻ.