Hồi tháng 2 năm nay, Facebook đã hé lộ thông tin đầu tiên về nút downvote tại Mỹ. Đây là giải pháp thay thế nút dislike và giúp người dùng đánh giá chất lượng thông tin trong những bài đăng hoặc bình luận của người khác. Tuy nhiên, nút downvote hoạt động thế nào, có tác dụng ra sao vẫn còn là một ẩn số, bởi trước đó chỉ có khoảng 5% người dùng được lựa chọn để thử nghiệm tính năng này.
Vào hồi tháng 4 vừa qua, một số quốc gia khác như Australia hay New Zealand cũng đã có cơ hội dùng thử nút downvote. Họ có nhiều lựa chọn hơn như “ngăn chặn các bình luận tiêu cực” nếu người dùng chấm điểm thấp. “Hãy nhấn vào phím mũi tên chỉ xuống nếu bạn cảm thấy bình luận này khiếm nhã hoặc có mục đích xấu. Hãy thể hiện thái độ không đồng tình một cách văn minh” - Facebook hướng dẫn.
Nút downvote giúp người dùng tranh luận một cách văn minh. Ảnh: Internet
Nút downvote hiện nay mới chỉ được áp dụng cho các bài đăng công khai và cho phép người dùng chấm điểm bình luận của người khác. Cụ thể, bên cạnh từng bình luận sẽ có một khung số, kèm theo biểu tượng mũi tên lên/xuống dùng để tăng hoặc giảm khung số này, khá giống với reddit. Theo Facebook, công cụ chấm điểm này sẽ giúp người dùng ủng hộ những bình luận hợp tình hợp lý và tẩy chay những bình luận thô lỗ hoặc không liên quan. Tuy nhiên, hiện mặt điểm số của downvote là bao nhiêu vẫn chưa rõ giới hạn.
Downvote thực chất là công cụ chấm điểm chất lượng thông tin trong bài đăng, bình luận chứ không phải nút dislike thông thường. Đây là sự bổ sung mới nhất trong bộ sưu tập reaction vốn đã quá quen thuộc với người dùng trong nhiều năm qua. Nó cho phép họ like hoặc thả tim với những bài đăng trên Facebook. Tuy nhiên, số điểm đánh giá này sẽ độc lập với những icon trước đây như like, comment. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta vừa có thể like một bài viết, bình luận nào đó mà vẫn được phép chấm điểm cao thấp tùy theo cảm nhận của mình. Đây là hai quá trình hoàn toàn riêng biệt.
Theo CEO Mark Zuckerberg, Facebook đã dự kiến ra mắt một dạng nút dislike cho Facebook từ năm 2015. Tuy nhiên, chúng ta lại có được một loạt những biểu tượng cảm xúc khác như trái tim, phẫn nộ và chẳng hề thấy bóng dáng của nút dislike.