1. PC Day 2024 thu hút nhiều người dùng đam mê công nghệ
Sự kiện PC Day 2024 do Tinh tế tổ chức vừa diễn ra tại TP.HCM đã thu hút nhiều người dùng tham gia.
Năm 2024 chứng kiến những bước tiến vượt bậc của ngành công nghiệp máy tính trên toàn cầu, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.
Tại PC Day 2024, người dùng có thể trải nghiệm các hệ thống máy tính, linh kiện mới đến từ các thương hiệu hàng đầu như AMD, ASUS, Canon, HP, Gigabyte, Lexar, ROG, Synology, Western Digital... mang đến một cái nhìn toàn diện về thế giới PC.
Điểm nhấn quan trọng nhất của PC Day 2024 chính là lễ vinh danh các thương hiệu và sản phẩm được yêu thích nhất trong khuôn khổ TTBC 2024.
Ông Trần Mạnh Hiệp, nhà sáng lập kiêm Quản trị viên của MXH Khoa học Công nghệ Tinh tế, chia sẻ: “Sự kiện TTBC PC Day 2024 là cơ hội tuyệt vời để các thành viên được trực tiếp trải nghiệm những sản phẩm máy tính nổi bật của năm, đồng thời kết nối và chia sẻ đam mê với những người cùng sở thích.
Đây cũng là dịp để các hãng công nghệ lắng nghe những phản hồi từ người dùng, từ đó định hướng phát triển những sản phẩm và dịch vụ tốt hơn.”
Lộ diện mẫu điện thoại màn hình gập mỏng nhất thế giới
(PLO)- Thị trường điện thoại màn hình gập đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt với sự tham gia của nhiều nhà sản xuất.
2. ChatGPT có thể hiểu nội dung thông qua camera theo thời gian thực
Sau gần bảy tháng chờ đợi, OpenAI chính thức ra mắt tính năng tương tác thông qua camera theo thời gian thực, đánh dấu bước tiến đột phá trong tương tác giữa người và máy.
Theo đó, người dùng ChatGPT Plus, Team hoặc Pro có thể sử dụng ứng dụng ChatGPT, hướng điện thoại vào vật thể bất kỳ, và ChatGPT sẽ đưa ra phản hồi ngay lập tức. Không chỉ vậy, tính năng này còn hiểu nội dung trên màn hình thông qua chia sẻ màn hình, hỗ trợ giải thích cài đặt hoặc đưa ra gợi ý cho bài toán.
Để trải nghiệm, người dùng chỉ cần chạm vào biểu tượng giọng nói, sau đó chọn biểu tượng video.
Tuy nhiên, việc triển khai sẽ diễn ra theo từng giai đoạn. Người dùng ChatGPT Enterprise và Edu phải đợi đến tháng 1, và người dùng tại EU, Thụy Sĩ, Iceland, Na Uy, Liechtenstein chưa có lịch trình cụ thể.
Khả năng "nhìn" của ChatGPT đã được hé lộ qua màn demo trên chương trình “60 Minutes” của CNN, khi ChatGPT nhận diện chính xác những hình vẽ giải phẫu của Anderson Cooper.
Trong bối cảnh cạnh tranh, Google và Meta cũng đang phát triển các tính năng tương tự. Google đã giới thiệu Project Astra, tính năng AI đàm thoại phân tích video thời gian thực, cho một nhóm người dùng thử nghiệm.
3. Garmin MARQ Adventurer (Gen 2) thép Damascus lộ diện
Garmin MARQ Adventurer (Gen 2) là chiếc đồng hồ thông minh cao cấp, kết hợp giữa vẻ đẹp cổ điển và công nghệ tiên tiến. Điểm nhấn của sản phẩm nằm ở chất liệu thép Damascus quý hiếm được chế tác tỉ mỉ, biến mỗi chiếc đồng hồ thành một phiên bản giới hạn.
Thiết bị được trang bị màn hình AMOLED sắc nét, kính sapphire cong và vòng bezel khắc la bàn 360 độ. Thời lượng pin lên tới 16 ngày ở chế độ smartwatch và 42 giờ ở chế độ GPS, đi kèm dây đeo hybrid da và cao su FKM thoải mái.
Đồng hồ tích hợp nhiều tính năng hỗ trợ cho các hoạt động ngoài trời như bản đồ TopoActive, hướng dẫn NextFork, công nghệ SatIQ tối ưu pin và độ chính xác định vị, đo độ cao, áp kế, la bàn, ClimbPro và Tracback.
Ngoài ra, các tính năng theo dõi sức khỏe và tập luyện như đo nhịp tim, phân tích giấc ngủ, đo nồng độ oxy trong máu, theo dõi năng lượng cơ thể và các ứng dụng thể thao cũng được trang bị đầy đủ. MARQ Adventurer (Gen 2) Thép Damascus hiện đang được bán với giá 79,9 triệu đồng.
4. Các hãng hàng không sử dụng AirTag để tìm hành lý thất lạc
United và Air Canada là hai hãng hàng không đầu tiên tích hợp tính năng "chia sẻ vị trí vật phẩm" của Apple vào hệ thống dịch vụ khách hàng của họ. Tính năng này cho phép hành khách chia sẻ vị trí của hành lý thất lạc với hãng hàng không thông qua ứng dụng Find My của Apple, giúp tìm kiếm hành lý nhanh hơn.
Tính năng này có sẵn trên iOS 18.2, iPadOS 18.2 và macOS 15.2. Hành khách tạo liên kết chia sẻ vị trí từ ứng dụng Find My và gửi cho nhân viên dịch vụ khách hàng của hãng. Liên kết này được mã hóa an toàn và tự động hết hạn sau 7 ngày hoặc khi hành khách lấy lại hành lý.
Trước đó, nhiều khách hàng cũng đã sử dụng AirTag để theo dõi hành lý của mình. Tuy nhiên, một số hãng hàng không không sử dụng thông tin từ AirTag, dẫn đến việc tìm kiếm hành lý gặp khó khăn.
Tính năng mới này giúp giải quyết vấn đề này, cho phép hãng hàng không sử dụng thông tin vị trí từ AirTag để tìm kiếm hành lý hiệu quả hơn.
Apple cho biết nhiều hãng hàng không khác cũng sẽ sớm tích hợp tính năng này, bao gồm Aer Lingus, Air New Zealand, Austrian Airlines, British Airways, Brussels Airlines, Delta Air Lines, Eurowings, Iberia, KLM Royal Dutch Airlines, Lufthansa, Qantas, Singapore Airlines, Swiss International Air Lines, Turkish Airlines, Virgin Atlantic và Vueling.
Cảnh giác phần mềm gián điệp EagleMsgSpy thu thập dữ liệu trên điện thoại
(PLO)- Các nhà nghiên cứu bảo mật vừa phát hiện phần mềm gián điệp EagleMsgSpy, được cho là đã âm thầm khai thác dữ liệu trên điện thoại từ năm 2017.