TS Nguyễn Văn Đáng, chuyên gia về quản trị công và chính sách, hiện giảng dạy tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, người phát hiện từ khóa “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình” trong phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm, để rồi có nhiều bài viết phân tích về thông điệp này.
Đối thoại đầu tuần với Pháp Luật TP.HCM về chủ đề trên, TS Nguyễn Văn Đáng khẳng định “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” là một thông điệp rất hợp thời, có tính hấp dẫn ở giai đoạn này. Không chỉ làm mới ngọn cờ, khẳng định vị trí tiên phong của Đảng, mà tuyên ngôn ấy cũng đặt Đảng vào yêu cầu mới, thách thức mới.
Sức hấp dẫn từ một thông điệp
. Phóng viên: Sức hấp dẫn của thông điệp “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” đến thời điểm này có thể cảm nhận thế nào, thưa ông?
+ TS Nguyễn Văn Đáng: Tôi nhớ cụm từ khóa này được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra lần đầu tiên trong cuộc làm việc với Thường trực Tiểu ban Văn kiện, ngày 13-8, tức chỉ 10 ngày sau khi ông được Ban Chấp hành Trung ương suy tôn, bầu làm Tổng Bí thư.
Là người nghiên cứu, tôi rất chú ý đến cụm từ truyền cảm hứng ấy. Tuy nhiên, những ngày sau đó chưa thấy báo chí bình luận gì. Đến giữa tháng 9, sốt ruột, tôi viết hai bài đăng báo và sau đó một số báo mở mục bình luận, phân tích.
Chủ đề này dần được dư luận quan tâm và đến ngày 31-10, chúng ta mới được cảm nhận đầy đủ hơn qua bài giảng của Tổng Bí thư với lớp bồi dưỡng cán bộ được quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV. Bài giảng vốn là nội bộ của Đảng nhưng được đưa ra ngoài, đăng báo tập trung kiến giải tầm nhìn của nhà lãnh đạo về “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Chủ đề này hấp dẫn đến mức Hội đồng Khoa học các ban Đảng ở Trung ương phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo quốc gia. Và tôi được biết nhiều cơ quan lý luận, tuyên truyền của Trung ương Đảng cũng đang chuẩn bị những hội thảo, tọa đàm sắp tới…
Đến lúc này, có thể khẳng định ngọn cờ về một “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” bắt đầu chạm vào tâm trạng xã hội, truyền cảm hứng tích cực, mạnh mẽ, có thể góp phần kết nối các lực lượng cùng nhìn về một hướng.
. Mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ đều đặt ra những thách thức cho Đảng cầm quyền. Nếu so giai đoạn này với các thời điểm lịch sử mấu chốt trước đây thì có điều gì đáng chú ý, thưa ông?
+ Khác rất nhiều về bối cảnh và động lực trước yêu cầu về một ngọn cờ lãnh đạo.
Giai đoạn 1930-1945 rồi giai đoạn 1945-1975, ấy là lúc cả dân tộc chung khát vọng độc lập và giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Giai đoạn 1975-1986 thì cả dân tộc vẫn cố kết trong niềm vui thống nhất cũng như cùng chống chọi với các áp lực từ bên ngoài. Tuy nhiên, đó cũng là lúc cả xã hội bức bối trước những nhu cầu cơ bản đến mức chỗ này chỗ kia phải phá rào.
Trong những giai đoạn đó, Đảng đã chọn ngọn cờ dân tộc, ngọn cờ đổi mới, đáp ứng được nhu cầu ấy, tiếp nhận được những chuyển động ngầm trong lòng xã hội. Thành quả lãnh đạo của Đảng đã được lịch sử chứng minh.
Nhưng giờ thì khó hơn. Từ Đại hội VIII đến nay, chủ đề các kỳ đại hội đều là “tiếp tục đổi mới”. Đến Đại hội XI, chủ đề cụ thể, rõ ràng mục tiêu hơn: “Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Dù vậy, mục tiêu đó không đạt được, để rồi Đại hội XII được điều chỉnh thành “phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Gần nhất, chủ đề Đại hội XIII có hai vế quan trọng, đó là “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh” và “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước”.
Kết quả cho đến lúc này cho thấy công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được triển khai vô cùng mạnh mẽ. Tuy nhiên, chúng ta cũng thẳng thắn thừa nhận là đang phải đối mặt với tình trạng trì trệ, chưa mạnh mẽ dám nghĩ, dám làm và còn tâm lý sợ sai. Động lực phát triển từ sau Đổi mới có thể hiểu là không còn nhiều. Dư địa chính sách để điều chỉnh hành vi con người hướng tới phát triển giờ khó khăn hơn rất nhiều.
Khó khăn, thách thức và những tín hiệu ban đầu của hy vọng
. Khó khăn vậy nhưng chắc hẳn cũng phải có cơ sở gì đó thuận lợi để chúng ta hướng tới kỷ nguyên vươn mình?
+ Thuận lợi sau 40 năm đổi mới là rất lớn. Có thể nói sau ngần ấy năm, chúng ta đều ít nhiều có của ăn của để. Chế độ chính trị của chúng ta đã được cả thế giới thừa nhận và tôn trọng. Bối cảnh quốc tế không còn đặt nặng sự khác biệt về thể chế. Chúng ta đã có vị thế quốc tế nhất định.
Một yếu tố thuận lợi nữa cũng cần được khẳng định là hệ thống chính trị ổn định, việc tập trung quyền lực cao như hiện nay là rất thuận lợi để có thể tạo đột phá trong thời gian ngắn nếu có sự lãnh đạo đúng đắn và bước đi, cách làm khoa học.
Vậy nên điều quan trọng lúc này là chuyển hóa được khát vọng về một “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình” không chỉ trong những nhà lãnh đạo cao nhất, mà phải lan tỏa một cách sâu sắc tới toàn Ban Chấp hành Trung ương; không chỉ trong ban lãnh đạo đương nhiệm mà cả những nhân sự sẽ được bầu ra ở Đại hội XIV tới.
Nếu biến được khát vọng ấy thành khát vọng chung trong toàn hệ thống chính trị thì sẽ tạo ra nguồn động lực, sức mạnh vật chất to lớn để vừa giải quyết các bài toán, thách thức, vừa để đạt được các mục tiêu cụ thể đặt ra cho những năm tới và cả giai đoạn tiếp theo theo tầm nhìn 2030-2045.
Và quan trọng hơn, khát vọng ấy không chỉ nằm trong phát ngôn mà phải được minh chứng bằng các hành động chính sách để tạo chuyển biến tích cực trên thực tế.
. Nói về hành động chính sách, đến lúc này dường như chúng ta bắt đầu cảm nhận được những chỉ đạo quyết liệt trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị…
+ Đấy là một chỉ dấu rất mới, rất đáng chú ý. Ngày 5-11, báo chí phát đi bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm với tiêu đề rất hấp dẫn: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”. Chỉ mấy ngày sau, ngày 9-11, Chính phủ họp và quyết định lập Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 18 của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả do Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp làm trưởng ban.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã rất mạnh dạn thí điểm những mô hình mới ở Quảng Ninh trong thời gian làm bí thư Tỉnh ủy. Khi tham gia Bộ Chính trị, làm trưởng Ban Tổ chức Trung ương, từ thực tiễn sinh động của mình, ông đã tham mưu để rồi Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết 18.
Tổng Bí thư Tô Lâm khi là bộ trưởng Bộ Công an đã rất kiên quyết trong việc tổ chức lại toàn lực lượng theo hướng “bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.
Sự đồng điệu của Tổng Bí thư và Thủ tướng cùng với những thảo luận chỗ này chỗ kia, mà mới nhất là những kiến nghị, đề xuất về thu gọn đầu mối các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các thành tố khác trong hệ thống chính trị tại hội thảo quốc gia diễn ra vào tuần trước về chủ đề “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình”, cho thấy những chuyển động mạnh mẽ đang diễn ra mà rất có thể không phải đợi đến Đại hội XIV như cách làm truyền thống.
Mở ra cơ hội tìm người tài cho giai đoạn phát triển mới
. Hội nghị Trung ương 10 khi bàn về chủ đề văn kiện Đại hội XIV đã đưa vào cụm từ “kỷ nguyên mới” nhưng xác định sau 100 năm thành lập Đảng, đất nước sẽ bước vào kỷ nguyên phát triển mới của 100 năm thứ hai. Nhưng gần đây, thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới đã được Tổng Bí thư Tô Lâm gợi ý là ngay từ Đại hội XIV. Theo ông, diễn biến ấy đang phản ánh điều gì?
+ Những tín hiệu gần đây từ phát ngôn đến hành động gợi ý rằng đang có những chuyển biến về nhận thức không chỉ của cá nhân nhà lãnh đạo mà của cả tập thể lãnh đạo. Trở lực của cải cách, nhất là cải cách tổ chức, bộ máy không còn quá lớn và các điều kiện bảo đảm cho phép thúc đẩy sớm.
Hàng loạt nội dung đổi mới cụ thể đã được Tổng Bí thư gợi ý trong các bài viết thời gian gần đây. Từ việc phân vai rõ hơn trong mối quan hệ giữa Chính phủ với Quốc hội mà rõ ràng theo hướng khuyến khích, ủng hộ hành pháp năng động, sáng tạo hơn trong tương quan Quốc hội tập trung vào các nhiệm vụ chính yếu và khắc phục tình trạng “hành chính hóa”.
Nếu thực sự những cải cách về tổ chức, bộ máy đang được thảo luận được quyết đáp khoa học, thuyết phục và thực hiện hiệu quả ngay trong thời gian tới sẽ mang lại hiệu ứng lan tỏa. Đó là cơ hội để cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, đặc biệt để chuẩn bị cho nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Nếu có đột phá về công tác cán bộ thì đây sẽ là cơ sở quan trọng để chúng ta bước vào “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình” ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của nhiệm kỳ Đại hội XIV.
. Xin cảm ơn ông.
Những bước tiến lịch sử của dân tộc
Năm 1930, người dân đất nước ta dù giàu hay nghèo đều nhất quán nhìn về một hướng, về một nhu cầu độc lập dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận ra nhu cầu ấy nên đã thống nhất được các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, rồi đại đoàn kết dân tộc làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Giai đoạn 1945-1975, vẫn nhu cầu ấy cùng khát vọng thống nhất đất nước tiếp tục được Đảng ta phất cờ lãnh đạo toàn dân tộc đi đến thắng lợi cuối cùng. Đến năm 1986, khủng hoảng toàn diện, đến mức cái ăn, cái mặc, những nhu cầu thiết yếu, cơ bản nhất không đáp ứng được, bên ngoài thì đất nước gần như bị cả thế giới cô lập, Đảng trước trách nhiệm lớn lao của mình, nhận ra sai lầm, khuyết điểm để rồi phát động công cuộc Đổi mới được toàn dân hưởng ứng.
Từ đó, chúng ta không chỉ thoát khỏi cái đói mà đã có tích lũy, phát triển trở thành nước có thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình. Về đối ngoại, đã hoàn toàn trở thành quốc gia bình thường như bao quốc gia khác, thậm chí đã hội nhập quốc tế sâu rộng, được xếp vào hạng tầm trung. Sau gần 40 năm, những gì khát khao ở năm 1986 ấy đã cơ bản đạt được.
TS NGUYỄN VĂN ĐÁNG
*****
Ý KIẾN
GS-TS HOÀNG THẾ LIÊN, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp(*):
Bảo đảm cao nhất trọng lượng tiếng nói của người dân trong xây dựng pháp luật
Trong cuộc làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết sẽ xem xét đưa vào chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2025 nội dung nghiên cứu xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Cùng lúc, Bộ Tư pháp cũng đang đề xuất tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vốn ban hành từ năm 2015, sửa đổi một lần vào năm 2020. Đây là vấn đề hệ trọng liên quan đến thể chế, mà Tổng Bí thư đánh giá đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn. Vậy tôi đề nghị lần sửa đổi này cần:
(i) Tách bạch hai quy trình lập pháp và lập quy.
(ii) Coi trọng phát huy dân chủ, bảo đảm cao nhất trọng lượng tiếng nói của người dân, nhất là của đối tượng bị điều chỉnh trong xây dựng pháp luật.
(iii) Đề cao trách nhiệm trước dân của những chủ thể xây dựng, ban hành pháp luật.
(iv) Đặt ra yêu cầu cao, cụ thể về đánh giá tác động của chính sách.
(v) Quy định thẩm quyền của chủ thể trình dự án pháp luật được bảo vệ đến cùng dự án của mình, có quyền rút dự luật do mình trình.
(vi) Có cơ chế chống tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ bộ, ngành trong xây dựng pháp luật.
(vii) Có cơ chế phát huy vai trò chủ đạo của Quốc hội trong việc bảo đảm hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền; đẩy mạnh việc thực hiện thẩm quyền giải thích pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực thi pháp luật, đề cao trách nhiệm của Chính phủ trong đề xuất tháo gỡ những chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật.
(*) Thành viên tổ biên tập Hiến pháp 2013 và Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
-----
PGS-TS NGUYỄN HỒNG SƠN, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương:
Thuận lợi - khó khăn đan xen nhưng khó khăn nhiều hơn
Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp từ năm 2008. Chúng ta đang đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, nước có thu nhập cao vào năm 2045. Đây là những mục tiêu rất thách thức, bởi chúng ta đang ở giai đoạn phát triển rất khác về chất. Bối cảnh mới có cả thuận lợi và khó khăn đan xen nhưng khó khăn có phần nổi trội hơn.
Thực tiễn thế giới cho thấy chỉ một số ít quốc gia trên thế giới, chiếm khoảng 1/4 dân số toàn cầu, vượt qua được bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước có thu nhập cao. Với chúng ta, dù đạt được những thành tựu đáng tự hào nhưng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế đã tồn tại từ trước mà chưa được giải quyết dứt điểm. Điều này đã được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra rất rõ trong các bài viết của mình.
Xuất phát điểm của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình đang khá khiêm tốn. Tổng thu nhập bình quân đầu người của nước ta (GNI/người) năm 2023 mới ở mức 4.180 USD, trong khi theo phân loại mới nhất của Ngân hàng Thế giới thì để trở thành nước có thu nhập trung bình cao, GNI/người phải 4.466-13.845 USD. Còn để trở thành nước có thu nhập cao thì chỉ số ấy phải trên 14.000 USD. Trong khi đó, so với GDP thì GNI của nước ta đang ngày càng giảm: Giai đoạn 2001-2009 là 97,24% nhưng đến giai đoạn 2010-2022 giảm còn 95,37%.
Còn tính theo GDP/người, Việt Nam đang ở mức 4.284 USD. Theo phân loại của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam đang ở phần đầu của giai đoạn 2 trong ba giai đoạn phát triển. Giai đoạn này đòi hỏi phải tập trung sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đồng thời tạo dựng các nền tảng cho giai đoạn phát triển chủ yếu dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thách thức là rất lớn, thời gian và cơ hội không còn nhiều khi tốc độ già hóa dân số đang tăng nhanh, năng suất lao động thấp và tốc độ cải thiện lại có xu hướng giảm. Do vậy, để đạt các mục tiêu đặt ra cần phải có những nỗ lực phi thường, phải vượt qua chính mình.
-----
GS-TS PHÙNG HỮU PHÚ, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương:
Kiến tạo kỷ nguyên mới là quá trình “đột phá kép”
Yêu cầu bao trùm trong kiến tạo kỷ nguyên mới là phải tiến hành đồng thời, thắng lợi một quá trình “đột phá kép”. Một mặt, phải đột phá đi thẳng vào hiện đại, vào những lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế; vào quản trị quốc gia hiện đại trên nền tảng chính phủ số, xã hội số, công dân số… Mặt khác, phải đột phá trong việc giải quyết triệt để những điểm nghẽn, những yếu kém, hạn chế, những khó khăn đang kìm hãm, cản trở sự phát triển của đất nước.
Hai quá trình đột phá này cần phải được thực hiện song song, đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau, trong đó đi tắt, đón đầu, đi thẳng vào hiện đại là cơ bản, có ý nghĩa quyết định; khắc phục, giải quyết những yếu kém, bất cập là cấp bách, quan trọng.
Triết lý của quá trình đột phá kép này, như Tổng Bí thư Tô Lâm xác định, chính là “tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh”.
Bên cạnh đó, chúng ta cần đột phá mạnh mẽ về tư duy, nhận thức. Khi bước vào kỷ nguyên thống nhất, đổi mới, phát triển (1975-2025), Đảng ta bắt đầu bằng đổi mới tư duy, nhận thức. Chính đột phá tư duy lý luận đã khai mở con đường đổi mới trên tất cả lĩnh vực, tạo ra những thành tựu vĩ đại.
Ngoài ra, kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu hàng đầu là nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Sẽ có rất nhiều việc phải làm, phải làm quyết liệt nhưng vững chắc để có được một hệ thống tổ chức bộ máy của Đảng, của hệ thống chính trị tinh gọn, thống nhất, hợp lý, đồng bộ, thông suốt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; để có được một đội ngũ cán bộ, đảng viên liêm khiết, mẫu mực, tiêu biểu, hết lòng vì Đảng, vì dân. Đây thực sự là một cuộc cách mạng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.