Do có hình thức thanh toán thuận lợi, Keeng đã qua mặt 2 website nhạc trực tuyến lớn nhất là Zing MP3 và Nhaccuatui về doanh thu tải nhạc bản quyền.
1 tháng "nghe nhạc có ý thức", thu hơn 16 triệu đồng
Ông Tạ Anh Quân, đại diện MV Corp cho biết, trong tháng 11, đơn vị này đã thu được 16,2 triệu đồng tiền phí tải nhạc từ 7 trang web nghe nhạc trực tuyến, trong đó Keeng (Viettel), Zing MP3 (VNG) và Nhaccuatui (NCT) là 3 đơn vị thu được nhiều tiền nhất. Dù con số này rất nhỏ và nằm ngoài dự đoán của MV Corp nhưng đó là tín hiệu tốt trong giai đoạn gây dựng thị trường.
Nguyên nhân khiến doanh thu chưa cao là do việc thu phí đang thử nghiệm và các trang web cần thời gian để kiểm tra, hoàn thiện hệ thống thu phí khách hàng. Do đó, việc thanh toán ở một số website vẫn hạn chế và chưa hoàn toàn thuận tiện cho khách hàng. “Đơn vị đang giải quyết tốt nhất vấn đề này là website keeng.vn của Viettel, do chủ thể website sử dụng chính tài khoản điện thoại của người dùng để thanh toán nhưng lại có điểm hạn chế là chỉ có thuê bao Viettel mới sử dụng được cách thanh toán này”, ông Quân cho biết thêm.
Bên cạnh đó, một số website vẫn để tồn tại rất nhiều ca khúc trùng với danh muc bài hát có thu phí nhưng do người dùng tự up lên và các bản nhạc này đều đang được để miễn phí nên ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của các bản nhạc có tính phí. “Hết năm 2012, MV Corp và các website sẽ kiên quyết loại bỏ các ca khúc miễn phí trùng tên, bản phối, ca sĩ thể hiện với các ca khúc thu phí trong cơ sở dữ liệu”, ông Quân khẳng định.
Trong tháng 11, việc thu phí mới được thử nghiệm trên 100 album (khoảng 1.000 bài hát) và đa phần là ca khúc cũ nên chưa đáp ứng được nhiều nhu cầu của người nghe nhạc. Đến cuối tháng 11, MV Corp đã hoàn tất việc cung cấp 900 album (khoảng 9.000 bài hát) sang các website và tiếp tục cung cấp nhiều hơn nữa trong tháng 12 nên doanh thu của tháng 12 chắc chắn khả quan hơn tháng 11.
Cũng theo ông Quân, năm 2013, MV Corp và các trang web tham gia thu phí sẽ cùng thu phí nghe và tải nhạc theo gói thuê bao với mức phí dự kiến khoảng 15.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, do các website phải trả chi phí cho cổng thanh toán khá lớn nên doanh thu bản quyền cho MV Corp cũng như các đơn vị nắm giữ bản quyền khác sẽ rất thấp và không thúc đẩy được thị trường. Vì thế, các đơn vị đang cân nhắc việc đưa mức phí lên cao sau khi triển khai chương trình khuyến mại, giảm giá trong một khoảng thời gian nhất định. MV Corp đặt mục tiêu lượng người đăng ký thuê bao nhạc trên tất cả website thu phí sẽ chiếm 5% tổng lượng người dùng. “Các tài khoản miễn phí chỉ được nghe nhạc trong khoảng 30 giây với mỗi ca khúc”, ông Quân nhấn mạnh.
Thu phí tải nhạc trên di động sẽ khả quan hơn trên web?
Ông Quân cho biết, trong số các đơn vị triển khai thu phí từ 1/11, MV Corp là đơn vị tiên phong thu phí trên di động khi bắt đầu thu ngay cuối năm nay. Mặc dù vậy, MV Corp không phải đơn vị đầu tiên thu phí trên di động ở Việt Nam mà việc này đã diễn ra từ trước đây khá lâu: nhà mạng Viettel đã triển khai dịch vụ Imuzik 3G khoảng 2 năm trước hay VinaPhone với dịch vụ Chacha. “Mức phí thu nhạc số trên di động cũng đa dạng hơn nhiều so với trên web, từ mức phí thuê bao cho đến mua lẻ từng bài. Con số doanh thu chắc chắn khả quan hơn thu phí trên website”, ông Quân nói.
Lý giải cho quan điểm thu phí trên di động sẽ hiệu quả hơn, theo ông Quân, tài khoản có thể thanh toán trực tuyến phổ biến nhất hiện nay là tài khoản điện thoại nên người dùng trên di động sẽ thanh toán dễ hơn rất nhiều khi dùng trên website. “Đó cũng là lý do tại sao keeng.vn của Viettel “qua mặt” cả Zing MP3 và Nhaccuatui để trở thành trang web có doanh thu tải nhạc cao nhất trong tháng 11/2012”, ông Quân cho biết thêm.
Cuối cùng, người dùng di động sẽ sẵn sàng trả phí hơn do lượng người dùng di động không có máy tính kết nối mạng Internet rất lớn và ít có sự lựa chọn giải trí.
Cùng quan điểm, theo ông Phan Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty VTC Online, việc thu phí trên di động dễ hơn rất nhiều so với trên web. Bởi trên di động, người dùng vừa có kênh thanh toán thuận lợi, lại ít có sự lựa chọn về nội dung thay thế so với trên website. “Thực tế, vài năm nay, việc kinh doanh nội dung theo yêu cầu trên di động của VTC Online rất tốt và hơn hẳn so với kinh doanh trên website”, ông Tuấn cho biết thêm.
Ông Nguyễn Minh Kha, Phó Giám đốc Công ty NCT, đơn vị sở hữu trang web nhaccuatui.com, cho hay dù việc thu phí tải nhạc trên di động dễ dàng hơn so với trên web vì có thể tải mọi lúc mọi nơi nhưng nếu không giải quyết tốt kênh thanh toán, như tỷ lệ ăn chia cho nhà mạng quá cao thì mức độ khó khăn của 2 loại hình này là như nhau.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng Giám đốc VMG cho rằng, do trên di động, người dùng đã có sẵn ví thanh toán (tài khoản di động) nên nếu truyền thông tốt họ sẽ bỏ tiền ra mua ngay lập tức. Còn trên website, người dùng không biết làm cách nào để mua nhạc nếu không có tài khoản ngân hàng hay ví điện tử… Nhưng việc thu phí trên di động chỉ dễ dàng đối với các nhà mạng vì họ có thể tính cước theo dung lượng, số lần tải nhạc hay thuê bao tháng được trừ trực tiếp vào tài khoản hàng tháng của thuê bao nếu người dùng không để ý đăng ký dừng dịch vụ. Trong khi các đơn vị bên ngoài, do không nắm thuê bao di động và tài khoản khách hàng nên sẽ rất khó thu phí hoặc chịu tỷ lệ ăn chia bất lợi. "Để thu phí tải nhạc, các đơn vị nội dung phải xây dựng được kênh thanh toán và cộng đồng của mình nhưng phải mất chi phí rất lớn để truyền thông", ông Hà nhấn mạnh.
Chưa kể, người dùng cũng có thể tải nhạc miễn phí từ những nguồn khác ngoài 7 website thu phí hay sao chép nhạc trên máy tính vào di động. "Đó là lý do tại sao Apple tạo ra iPhone thì mới có thể bán nhạc được trên iTunes bởi vì người dùng buộc phải sử dụng iTunes thì mới tải được nhạc thay vì có thể vào bất kỳ trang web nào khác, điều mà Android, Windows Phone hay Symbian không thể làm được", ông Hà kết luận.
Theo Thế Phương (ICTnews)