Mua thiết bị theo dõi dễ như mua rau
Thiết bị theo dõi, định vị ban đầu được sử dụng vào mục đích bảo vệ xe cộ, truy tìm tài sản khi xảy ra mất cắp. Tuy nhiên, về sau các thiết bị này lại bị lạm dụng và sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như giám sát, theo dõi vợ chồng, con cái…
Chỉ cần gõ từ khóa “thiết bị theo dõi”, bạn sẽ thấy xuất hiện hàng loạt bài viết được chạy quảng cáo, rao bán các sản phẩm theo dõi vợ/chồng với giá dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Đa số các thiết bị này nhỏ gọn chỉ bằng chiếc hộp quẹt, dễ dàng bỏ vào ba lô, túi xách hoặc xe hơi, xe máy của người cần theo dõi.
Cụ thể, bạn chỉ cần bỏ SIM điện thoại vào thiết bị theo dõi, sau đó đặt thiết bị trong túi xách, ba lô hoặc dán lên xe (vị trí cần theo dõi). Khi cần theo dõi, bạn chỉ cần gọi đến số điện thoại trên thiết bị, lúc này tín hiệu âm thanh, vị trí sẽ ngay lập tức được gửi về. Một số loại còn có khả năng gửi tín hiệu tự động, theo đó khi phát hiện có tiếng động, thiết bị theo dõi sẽ tự kích hoạt và gửi âm thanh đến bạn.
Bên cạnh đó, thiết bị định vị GPS cũng là một lựa chọn để theo dõi vợ chồng, con cái, những loại thiết bị này có kích thước tương đối nhỏ, dễ dàng lắp đặt vào xe máy, ô tô… với mức giá dao động 1-2,5 triệu đồng.
Về cơ bản, thiết bị này sẽ được lắp trực tiếp vào ắc quy của xe, để sử dụng bạn cần phải gắn thêm một chiếc SIM 3/4G vào thiết bị để nó có thể thu nhận và phát tín hiệu. Ban đầu thiết bị này được sử dụng để lắp đặt trên xe máy nhằm bảo vệ xe, chống trộm, cung cấp cho người dùng vị trí của xe cộ… Tuy nhiên, sau này nó đã biến tướng trở thành thiết bị theo dõi người khác.
Việc quản lý các mặt hàng này cũng giống như các thiết bị điện tử thông thường, thiết bị nhập về phải có nguồn gốc, xuất xứ và hóa đơn, chứng từ hợp lệ.
Theo luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM), chỉ các cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự mới có thể kinh doanh các loại thiết bị theo dõi, định vị (có nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp).
Đối tượng được phép sử dụng các thiết bị theo dõi, định vị sẽ là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Do đó, việc buôn bán các thiết bị theo dõi, định vị khi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự sẽ bị phạt tiền 5-15 triệu đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 167/2013. Đối với tổ chức thì mức phạt sẽ gấp đôi so với cá nhân.
Nguy cơ rò rỉ thông tin giám sát cho bên thứ ba
Anh Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena cho biết: "Nạn nhân không chỉ bị theo dõi bởi người sử dụng thiết bị mà còn cả nhà sản xuất thiết bị. Thông thường các nhà sản xuất sẽ lưu trữ lịch trình giám sát, từ đó họ sẽ biết được thói quen của nạn nhân và bán lại những dữ liệu này cho các bên thứ ba. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng sẽ bị theo dõi bởi nhiều bên, mất quyền riêng tư và tính an toàn".
Ngoài việc sử dụng thiết bị theo dõi, định vị, nhiều người còn lén cài đặt phần mềm gián điệp trên điện thoại của nạn nhân.
Thông thường, phần mềm gián điệp sẽ tự động ẩn khỏi màn hình sau khi được cài đặt, âm thầm thu thập nhật kí cuộc gọi, tin nhắn, hình ảnh, vị trí và ghi âm tiếng động xung quanh. Tất cả những thông tin này sẽ được tải lên máy chủ của nhà cung cấp, người dùng chỉ cần truy cập là có thể xem được ở bất cứ đâu.
Khi điện thoại bị cài phần mềm gián điệp, bạn sẽ thấy thiết bị nhanh hết pin hơn, máy thường xuyên bị nóng, dung lượng 3/4G nhanh hết do phần mềm gián điệp liên tục gửi dữ liệu về máy chủ. Do đó, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng đáng ngờ như trên, bạn hãy tạm thời chuyển thiết bị về chế độ máy để tránh bị mất thêm thông tin, đồng thời tiến hành sao lưu dữ liệu và khôi phục cài đặt gốc trên điện thoại.