Vì lệnh cấm của Mỹ, bộ đôi Huawei Mate 30 và Mate 30 Pro sẽ không được sử dụng các ứng dụng của Google bao gồm Android (có giấy phép), Google Play, Gmail, Google Maps, Google Photos, YouTube… và Google Play Services.
Đây là những dịch vụ liên quan đến thông báo, bản đồ, bảo mật… việc thiếu Google Play Services trên điện thoại sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các ứng dụng của bên thứ ba. Ví dụ, Facebook, Instagram… sẽ không thể gửi thông báo, các dịch vụ đặt xe, bản đồ sẽ không thể định vị được vị trí của người dùng.
Vậy làm thế nào để Huawei vượt qua được khó khăn này?
Tại Trung Quốc, Huawei đã xây dựng App Gallery, cung cấp hàng ngàn ứng dụng và công ty sử dụng Huawei Mobile Services (HMS) để thay thế cho Google Play Services.
HMS đã đạt được những bước tiến lớn ở Trung Quốc và công ty đang có kế hoạch để các nhà phát triển có trụ sở tại Mỹ tham gia xây dựng ứng dụng cho nền tảng này. Cụ thể, trong lễ ra mắt Mate 30, Giám đốc điều hành Huawei - Richard Yu đã nói về hệ sinh thái HMS, nơi họ sẽ đầu tư 1 tỉ USD để khuyến khích các nhà phát triển xây dựng ứng dụng và đưa chúng ra thị trường trên những mẫu điện thoại Huawei được bán bên ngoài Trung Quốc.
Với HMS, các nhà phát triển ứng dụng sẽ nhận được nhiều doanh thu hơn, 85% thay vì chỉ 70% như Google và Apple đang chia sẻ. Yu cho biết công ty không muốn thực hiện việc này, tuy nhiên vì lệnh cấm của chính phủ Mỹ nên chúng tôi buộc phải xây dựng hệ sinh thái mới.
Bên cạnh đó, Huawei cũng đang xem xét đến việc hợp tác với các kho ứng dụng của bên thứ ba như Aptoide và F-Droid. Appstore của Amazon có lẽ là kho ứng dụng quen thuộc của nhiều người ở khu vực châu Mỹ nhưng nhiều khả năng Huawei sẽ không được phép phân phối bất cứ thứ gì từ các công ty có trụ sở tại Mỹ.
Trong thực tế, Huawei đã dành hàng tỉ USD và nhiều năm nghiên cứu để cải thiện trải nghiệm trên các thiết bị Android nhưng hiện tại sẽ không có sự thay thế phù hợp cho Google Maps, YouTube và Google Photos.
Mate 30 và Mate 30 Pro sẽ được bán vào tháng 10 ở châu Âu và Anh. Yu cho biết đang xem xét đến việc unlock boatloader (mở bộ nạp khởi động) để người dùng có thể sử dụng ROM tùy chỉnh (hệ điều hành đã được tùy biến).
Sau khi Bộ Thương mại Mỹ ban hành lệnh cấm vào tháng 5-2019, doanh số bán lẻ điện thoại Huawei đã giảm mạnh, tuy nhiên công ty cũng rất lạc quan và tin rằng đã bán được hơn 20 triệu điện thoại (dòng Mate 20 bán được 16 triệu thiết bị và đã có 17 triệu điện thoại dòng P30 được bán ra).
Huawei đang kỳ vọng vào một khoản “bồi thường” ở phút cuối từ chính phủ Mỹ, cụ thể là đưa Google vào danh sách ngoại lệ, cho phép công ty cung cấp dịch vụ, ứng dụng và các bản cập nhật bảo mật cho Huawei. Huawei cho biết nếu kịch bản đó xuất hiện, họ sẵn sàng nâng cấp cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh cập nhật qua OTA cho các thiết bị Mate 30 hiện có.
Việc thiếu vắng các dịch vụ, ứng dụng Google trên Mate 30 và Mate 30 Pro đang làm khá nhiều người dùng phải băn khoăn khi “móc hầu bao” mua điện thoại. Không thể phủ nhận những cải tiến và tính năng mới trên Mate 30 và Mate 30 Pro, tuy nhiên nếu không có các dịch vụ của Google, các dòng điện thoại của Huawei về cơ bản sẽ rất khó phát triển ở các thị trường bên ngoài Trung Quốc.
May mắn cho Huawei, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của công ty. Nhưng tham vọng mở rộng thị trường ở châu Âu và châu Mỹ đã bị chặn đứng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.