Ảnh minh họa.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng khẳng định như vậy trong buổi đối thoại trực tiếp trên Đài truyền hình KTS VTC về chủ đề Xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam vào sáng Chủ nhật, ngày 22/11/2009.
Chính phủ điện tử bản chất là ứng dụng CNTT vào nền hành chính công, hay nói cách khác là sử dụng tính tương tác và tốc độ của Internet để cung cấp các dịch vụ công. Đây là một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của người dân. Ngay tại Quốc hội hôm 19/11, có đại biểu Quốc hội đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ vì sao Thủ tướng chưa chỉ đạo và đầu tư thích đáng để toàn bộ các Bộ ngành, UBND các cấp sớm ứng dụng CNTT nhằm quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi phí và thực hiện cải cách thủ tục hành chính được hiệu quả hơn.
Trả lời chất vấn này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói Chính phủ điện tử là một chương trình lớn và rất mới, Chính phủ đang đôn đốc việc triển khai. Song không chỉ có quy mô lớn, Chính phủ điện tử là một quá trình liên tục và lâu dài bởi “việc hoàn thiện các quy trình hành chính của nhà nước còn tiếp tục”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng trả lời một khán giả trong buổi đối thoại.
“Cấp nào gần dân nhất, càng phải triển khai sớm”
Với việc cung cấp dịch vụ công qua Internet, người dân, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm thời gian, tránh được nhũng nhiễu do công chức gây ra. Chính vì vậy, cũng dễ hiểu khi nhiều câu hỏi gửi về cho Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng trong buổi đối thoại thể hiện sự sốt ruột của người dân muốn biết mục tiêu của Chính phủ điện tử Việt Nam đạt được trong những năm tới là gì? Những dịch vụ công gì được ưu tiên cung cấp?...
Có điều, xây dựng Chính phủ điện tử không thể đặt ngay mục tiêu cao trong khi sự sẵn sàng về hạ tầng, nhân lực sử dụng – cả công chức lẫn người dân – còn thấp. Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết xây dựng Chính phủ điện tử căn cứ theo quá trình triển khai thực tế để đề xuất bước đi, giải pháp phù hợp để làm sao tối ưu hóa tiến trình tiến tới Chính phủ điện tử như mong muốn.
Về lộ trình, bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ trực tuyến cho người dân ở mức độ thấp đến cao (theo quy định, dịch vụ công mức độ 4 là cao nhất với việc thanh toán phí, lệ phí trực tuyến) trong thời gian tới, ứng dụng CNTT trong nội bộ các cơ quan nhà nước sẽ được đẩy mạnh, đặc biệt cấp nào gần dân nhiều nhất thì càng phải triển khai sớm.
Nâng cao khả năng sử dụng CNTT của người dân
Kinh nghiệm xây dựng Chính phủ điện tử ở nhiều quốc gia cho thấy khả năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng thừa nhận thực tế, như phản ánh trong câu hỏi của khán giả gửi tới buổi đối thoại là trình độ sử dụng tin học của cán bộ công chức, người dân, nhất là từ cấp huyện trở xuống còn thấp. Khán giả Bùi Việt Nga ở Bắc Giang đưa ra ví dụ “việc một cán bộ hành chính không biết cách lập một địa chỉ email cho riêng mình hoặc được lập cho rồi thì vẫn lóng ngóng không biết khai thác hết các công cụ của hộp thư điện tử là quá phổ biến”.
Chính vì vậy, một vấn đề không kém phần quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử là cần có công chức điện tử, công dân điện tử. “Tất cả quá trình này diễn ra song song, đồng thời để cùng nhau thúc đẩy nền thông tin điện tử đi lên”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nói. “Nhà nước phải có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cũng như khả năng sử dụng CNTT của người dân và công chức”.
Cụ thể là Chính phủ phải tạo cho người dân một thói quen sử dụng Internet, sử dụng máy tính trong các công việc hàng ngày và trong các công việc liên quan đến dịch vụ hành chính. Đồng thời, làm sao để người dân có thể nhìn thấy được lợi ích của họ trong đó. Hiện tại, thông qua các nguồn ngân sách, tài trợ khác nhau, nhiều chương trình đưa Internet miễn phí về nông thôn, trường học, cơ sở y tế đang được thực hiện ở các địa phương.
Về phía cơ quan nhà nước, Thứ trưởng cho rằng “nhiều lãnh đạo cơ quan chưa quan tâm đúng mức, chưa thấy rằng việc cập nhật thông tin lên website của cơ quan mình là thật sự cần thiết và quan trọng”.
Để cung cấp thông tin cho người dân tốt hơn, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư yêu cầu cơ quan Nhà nước thuộc Bộ phải cung cấp những văn bản pháp luật liên quan đến cơ quan mình, cung cấp dịch vụ hành chính trên website hoặc cổng thông tin của cơ quan mình. Dự kiến, Bộ sẽ soạn thảo một Nghị định quy định rõ trách nhiệm phải cung cấp thông tin tới người dân.
Theo Lê Hạnh (ICTnews)