Đó có thể là những lần đăng nhập chơi game di động, tải ứng dụng hoặc thanh toán trực tuyến. Hầu hết các dịch vụ ngày nay trước khi sử dụng bạn đều phải đăng nhập, và đa phần ứng dụng sẽ yêu cầu người dùng cung cấp tên, địa chỉ, số điện thoại, email… cho đến những thông tin nhạy cảm hơn như số tài khoản tín dụng cá nhân. Nếu tất cả thông tin vừa kể trên lọt vào tay tin tặc thì điều gì sẽ xảy ra?
Theo báo cáo của Trung tâm giải quyết khiếu nại Tội Phạm Từ Internet (gọi tắt là IC3) của FBI, trong năm 2018 đã có 50.642 nạn nhân được ghi nhận đã mắc bẫy lừa đảo trên Internet, theo thống kê tổng hợp thì số tiền lừa đảo lên đến 148,8 triệu USD, chỉ tính riêng tại Mỹ.
Thực chất, khi điều tra sâu hơn thì Trend Micro phát hiện đây chỉ là phần nổi của “tảng băng trôi”, nhiều nạn nhân quyết định không tố cáo và công bố con số thiệt hại, hầu hết những vụ này đều liên quan đến việc mua sắm online trên những thiết bị không được bảo mật.
Cơ quan này đã đưa ra thông điệp rất rõ ràng: người tiêu dùng cần thực hiện những bước cần thiết để có thể bảo vệ danh tính cũng như dữ liệu bảo mật nhạy cảm ngay từ bây giờ để tránh những hành vi lừa đảo trực tuyến.
Tin tặc đánh cắp dữ liệu như thế nào?
Các chuyên gia của Trend Micro ước tính có đến hàng trăm kỹ thuật ăn cắp dữ liệu, thậm chí, có cả một hệ sinh thái tội phạm mạng rộng lớn trên Dark Web.
Tại các trang Dark Web, có cả một đường dây mua bán dữ liệu người dùng và gồm nhiều công cụ trộm cắp thông tin, bao gồm nhiều gói dịch vụ phạm tội trên mạng khác. Theo nhiều thông tin Trend Micro có được, nền kinh tế chợ đen này đang ngày càng tăng giá trị lên đến 1,5 triệu USD mỗi năm.
Một số cách thường được tin tặc chọn để đánh cắp thông tin:
• Khi bạn nằm trong tầm ngắm của tin tặc, chúng sẽ giả mạo một email gửi đến bạn như từ một tổ chức chính thức (Sở thuế, công ty bảo hiểm, nhà cung cấp dịch vụ...).
• Khởi tạo các cuộc tấn công tự động, bằng cách sử dụng thông tin đăng nhập của bạn chúng đã trộm được, hoặc sử dụng công cụ dò mật mã để vào tài khoản có password dễ đoán.
• Khai thác trực tiếp các lỗ hổng từ trang web bạn truy cập hòng mục đích chiếm quyền điều khiển của trang web đó.
• Lây nhiễm mã độc từ các ứng dụng trên điện thoại, khi chấp nhận tải xuống, bạn sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo.
• Ăn cắp thông tin đăng nhập khi sử dụng WiFi công cộng. Ví dụ, khi bạn đăng nhập vào ngân hàng bằng mạng WiFi miễn phí do tin tặc tạo nên, chỉ trong vòng ít phút, chúng đã có toàn bộ thông tin của bạn.
Làm cách nào để tự bảo mật thông tin cá nhân?
• Sử dụng mật khẩu dài, mạnh và duy nhất cho mỗi trang web hay mỗi ứng dụng. Để tiện lợi hơn, bạn hãy sử dụng trình quản lý mật khẩu để lưu trữ và không sợ quên.
• Thay đổi mật khẩu ngay lập tức bất kì lúc nào nếu bạn nhận tin nhắn có ai đang cố truy cập tài khoản của bạn.
• Sử dụng xác thực 2 lớp bảo mật, nếu được hãy để xác thực qua tin nhắn trên điện thoại.
• Không click vào bất kì liên kết hoặc văn bản trong email nếu chưa xác thực.
• Hãy cẩn thận về về việc chia sẻ quá mức chi tiết về thông tin cá nhân hoặc tài chính trên các trang mạng xã hội.
• Chỉ tải xuống các ứng dụng trên điện thoại trên các cửa hàng chính thức như Apple App Store hoặc Google Play.
• Không đăng nhập bất kì thông tin ngân hàng, ví điện tử, email... khi kết nối WiFi công cộng mà không sử dụng VPN.
• Đầu tư vào phần mềm diệt virus từ nhà cung cấp đáng tin cậy cho cả máy tính lẫn điện thoại.
• Xóa các ứng dụng không cần thiết trên di động, để đảm bảo tin tặc không thể tận dụng lỗ hổng từ các ứng dụng.
• Luôn mở cập nhật phiên bản mới trên các ứng dụng để đảm bảo được sửa lỗi bảo mật thường xuyên.
• Tạo các tab lưu trữ trên trình duyệt để truy cập nhanh vào các trang tài chính, tài khoản ngân hàng để xử lý nhanh nhất các vấn đề phát sinh.
• Ngay lập tức thông báo cho các tổ chức quản lý tài chính, ngân hàng khi tiền trong tài khoản bị mất không rõ nguyên do.