Theo Reuters, các công ty bị chỉ đích danh gồm United Microelectronics (Đài Loan) và Fujian Jinhua Integrated Circuit (Trung Quốc), cùng ba cá nhân đã từng làm việc cho một đơn vị của Micron.
Đây là một trong những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm chống lại các hành vị trộm cắp tài sản trí tuệ, trợ cấp bất hợp pháp và các quy tắc cản trở những tập đoàn Mỹ muốn bán hàng ở Trung Quốc.
Phó Giám đốc FBI - ông David Bowdich cho biết gần như 56 văn phòng của cơ quan ở các địa phương đang điều tra về tình trạng gián điệp kinh tế liên quan đến Trung Quốc. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ - ông Jeff Sessions phát biểu trong một cuộc họp báo rằng gián điệp Trung Quốc đang tăng nhanh, chính phủ đang đưa ra các sáng kiến để hạn chế tình trạng trên.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ - ông Jeff Sessions nói về sáng kiến mới tập trung vào "hoạt động tội phạm kinh tế của Trung Quốc". Ảnh: Reuters
Phản hồi lại những cáo buộc kể trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - ông Lu Kang yêu cầu Mỹ cung cấp bằng chứng thực tế. Phía Công ty United Microelectronics cũng cho rằng những cáo buộc trong bản cáo trạng lần này hầu như giống với các cáo buộc trong đơn khiếu nại dân sự trước đó của Micron.
Tình hình xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng leo thang, hai nước đã áp đặt thuế quan đối với hàng trăm tỉ USD hàng hóa của nhau. Tổng thống Donald Trump còn đe dọa áp thuế quan lên 500 tỉ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc nếu các tranh chấp không thể giải quyết.
Micron cho biết công ty đã đầu tư hàng tỉ USD trong nhiều năm để phát triển tài sản trí tuệ, hành động chiếm dụng sẽ được giải quyết một cách thích hợp. Trước đó, công ty đã đệ đơn kiện dân sự chống lại Fujian Jinhua Integrated Circuit và United Microelectronics vào tháng 12-2017 tại tòa án liên bang ở California, cáo buộc họ vi phạm bí mật quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến chip DRAM.
Hồi đầu tuần này, Bộ Thương mại Mỹ cũng đưa Công ty Fujian Jinhua Integrated Circuit vào danh sách các đơn vị không thể mua linh kiện, phần mềm và hàng công nghệ từ các nhà sản xuất của Mỹ.
Jeff Sessions nói rằng công ty Đài Loan đã hợp tác với một công ty nhà nước Trung Quốc để Trung Quốc ăn cắp công nghệ của Mỹ, sau đó sử dụng nó để cạnh tranh với Mỹ.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ phát hiện các công ty Trung Quốc ăn cắp bí mật thương mại. Trước đó, Xiaoqing Zheng (một kỹ sư người Mỹ gốc Hoa) cũng bị FBI cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại về công nghệ tuabin cho các công ty Trung Quốc.
Xiaoqing Zheng (56 tuổi) đã sử dụng “các phương tiện tinh vi” để lấy cắp dữ liệu từ các phòng thí nghiệm bí mật của Công ty General Electric (GE). Sau đó, ông đã gửi các tập tin này từ email công ty sang tài khoản cá nhân.
“Zheng thực hiện quy trình chuyển dữ liệu khá nhanh, điều này cho thấy ông đã thực hành các kỹ thuật này nhiều lần và sử dụng chúng trong quá khứ” - Cục Điều tra liên bang cho biết trong đơn tố cáo.
Zheng được General Electric thuê làm kỹ sư chính vào năm 2008 và ông cũng mở một công ty riêng tại Trung Quốc vào năm 2015. GE bắt đầu theo dõi máy tính của Zheng sau khi phát hiện ông sử dụng USB để lấy ít nhất 19.020 tập tin dữ liệu. Sau một cuộc điều tra kéo dài bốn năm, FBI đã bắt giữ Zheng sau khi khám xét nhà ông, họ tịch thu hộ chiếu và tìm thấy một số thứ quan trọng như cuốn sổ tay ghi chú các công ty được cung cấp dữ liệu. Theo ghi nhận, Zheng đã đến Trung Quốc năm lần trong hai năm qua.
Các nhà điều tra Mỹ cho rằng Zheng có thể đã bắt đầu ăn cắp hàng ngàn tập tin chứa bí mật công nghiệp của GE từ năm 2014. Hành vi trộm cắp bí mật thương mại có thể khiến Zheng phải đối mặt với án tù tối đa là 10 năm và đóng tiền phạt 250.000 USD, cũng như bị giám sát ba năm liên tục.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên Kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết.