Những ngày trước khi Nexus One được vén màn công bố, giới truyền thông ngập tràn những phán đoán, những viễn cảnh vốn thường đi kèm với những sự kiện đình đám như vậy. Đa số tin rằng việc Google sẽ bán Nexus One trực tiếp trên website có thể dẫn tới sự chấm hết cho đế chế độc quyền của các nhà mạng, đồng thời mở ra kỷ nguyên tự do "không dây" mới.
Với Nexus One, Google đã trình làng hệ điều hành Android 2.1. Những tính năng và khả năng mới của hệ điều hành này thực chất chính là trọng tâm chính của buổi lễ ra mắt Nexus One và có lẽ cũng là điểm tuyệt vời nhất ở con dế này. Điều không ổn là Android 2.1 còn hiện diện ở khá nhiều mẫu smartphone khác nữa, do những nhà sản xuất chuyên nghiệp hơn thiết kế. Và vì vậy, hệ điều hành không còn là lý do bắt buộc để người ta phải mua Nexus One nữa.
Khi phần mềm chưa đủ tính "thúc ép" thì người ta buộc phải tìm hiểu đến phần cứng. Nexus One do HTC sản xuất và xét về tương quan, là một sự cải tiến tương đối so với những smartphone Android đã có trước đó như Motorola Droid. Tuy nhiên, do đặc trưng mở của Android, Nexus One nhanh chóng bị bỏ lại phía sau bởi một loạt siêu dế hậu sinh, bao gồm cả những mẫu smartphone Android do HTC tự phát triển như HTC Incredible hay EVO 4G.
Chọn nhầm bạn đường
Một trong những nguyên nhân chính khiến cho thử nghiệm Nexus One thất bại là vì Google đã liên minh với T-Mobile. Cũng dễ hiểu vì sao Google không bắt tay với AT&T, bởi hãng này đang là nhà phân phối độc quyền Apple iPhone, đối thủ cạnh tranh chính của Android. Tại thời điểm Nexus One xuất xưởng, AT&T chưa hề bày bán bất cứ một thiết bị Android nào.
Là một mạng yếu thế, T-Mobile có ý thức về sự "trung thành và hợp tác" hơn. Đây là mạng lớn đầu tiên đồng ý phân phối điện thoại Android và đồng thời cũng sở hữu bộ sưu tập thiết bị Android phong phú nhất.
Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, Verizon đã nổi lên như cồn sau khi đầu tư hàng triệu USD để quảng bá và xây dựng thương hiệu cho Motorola Droid X. Hiện là nhà cung cấp dịch vụ không dây lớn nhất nước Mỹ, Verizon có nền tảng khách hàng lớn hơn hẳn so với Nexus One. Chính vì thế, có ý kiến cho rằng Nexus One đã chẳng phải chết yểu như vậy nếu như Google không chọn chung đường với T-Mobile.
Bên cạnh tính năng, một trọng tâm khác nữa tại lễ công bố Nexus One chính là mô hình bán hàng mà Google gọi là mang tính cách mạng. Hãng chỉ bán Nexus One trực tiếp thông qua website của mình. Ý tưởng chung là Google có thể phát triển được một thiết bị đa nền tảng, tương thích được với cả 4 mạng di động lớn. Đó mới thực sự là một "siêu dế".
Nhưng khi Nexus One do HTC sản xuất, Google bán và T-Mobile cung cấp dịch vụ, người dùng sẽ phải gõ đến cửa nào nếu gặp rắc rối và cần hỗ trợ? Google hoàn toàn chưa được chuẩn bị và cũng chưa đủ kỹ năng, kinh nghiệm để có thể giải quyết các khiếu nại, thắc mắc của người dùng trong một khung thời gian hợp lý. Điều đó khiến cho người dùng thất vọng, chán nản và từ bỏ.
Lời kết
Để kết luận, Nexus One đã không thể đáp lại được những kỳ vọng mà người ta dành cho nó, cũng như không thể hiện thực hoá được những lời hứa hẹn ngọt ngào từ Google trước đó. Một phần mềm tốt nhưng không độc quyền, kết hợp với phần cứng yếu ớt, một nhà cung cấp dịch vụ bé nhỏ, một mô hình kinh doanh chỉ dựa vào Web... tất cả đã dìm Nexus One xuống đáy thất bại.
Theo Trọng Cầm (VNN)