Từ quá khứ vàng son
Cái tên Nokia được khai sinh bởi Fredrik Idestam vào năm 1871 và phải tới tận năm 1967 thì tập đoàn Nokia (Nokia Corporation) mới ra đời sau khi có sự sáp nhập của 3 công ty con là Nokia Company (Nokia Aktiebolag), Finnish Rubber Works Ltd (Suomen Gummitehdas Oy) và Finnish Cable Works Ltd (Suomen Kaapelitehdas Oy) từ năm 1922.
20 năm sau, chiếc điện thoại Nokia đúng nghĩa đầu tiên ra đời mang tên Mobira Cityman 900. Nokia cũng là một trong những thành viên chủ chốt phát triển công nghệ GSM - công nghệ mà cho đến nay nó vẫn phổ biến trên toàn thế giới.
Nhưng có lẽ để trở thành ông "vua" điện thoại phải kể từ khi Nokia phát triển hệ điều hành Symbian. Và cũng từ đây tập đoàn Phần Lan này đã thống trị thị trường điện thoại thế giới trong suốt nhiều năm liền sau khi đánh bại Windows Mobile của Microsoft.
Những chiếc điện thoại từng đem về cho Nokia cả núi tiền cũng như quyền lực độc tôn phải kể đến những cái tên mà đến tận bây giờ vẫn còn quá quen thuộc với người dùng. Từ những phiên bản bình dân như Nokia 3210, Nokia 1110 hay Nokia 1200 cho đến những phiên bản cao cấp hơn như chiếc Nokia 7650 là điện thoại đầu tiên được trang bị camera độ phân giải 0,3 MP hay đến seri N như N90, N92, N93i và N95 với camera đã là 5 MP. Và cả loạt những chiếc điện thoại đa tính năng khác được ra mắt như Nokia 5800 Xpress Music, seri E với những chiếc điện thoại bàn phím QWERTY để cạnh tranh với BlackBerry.
Nokia 7650 - điện thoại được trang bị camera đầu tiên của Nokia.
Dù Symbian đã bắt đầu trở nên lỗi thời sau sự ra đời của hệ điều hành iOS phát hành vào tháng 9/2007 và Android ra mắt tháng 11/2007, nhưng Nokia vẫn tiếp tục cuộc đua smartphone Symbian với việc cho ra các sản phẩm đầy hấp dẫn. Nokia N8 ra mắt năm 2010 với màn hình cảm ứng, camera 12MP rồi đến Nokia Pureview 808 được giới thiệu tại MWC 2012 với camera 41MP làm ngất ngây giới công nghệ.
Không phải ngẫu nhiên mà trong số 20 chiếc điện thoại bán chạy nhất trong lịch sử, Nokia đã hoàn toàn thống trị, không chỉ độc chiếm ngôi đầu mà còn chiếm tới quá nửa trong số đó. Nokia trở nên phổ biến toàn thế giới đến mức ở nhiều nước người ta không thể nói tới điện thoại mà không có thêm cái tên Nokia.
Chiếc điện thoại 1110 - sản phẩm của Nokia bán chạy nhất mọi thời.
Thời kì hoàng kim của Symbian, Nokia bán từ hàng chục triệu đến vài trăm triệu với mỗi mẫu điện thoại được ra mắt. Năm 2000, cổ phiếu Nokia đạt đỉnh 55 USD và đóng góp tới 4% GDP của Phần Lan.
Nhưng thời huy hoàng đó không duy trì được bao lâu, Nokia bước vào những tháng ngày cùng cực khi có sự xuất hiện của các hệ điều hành iOS và Android trong năm 2007.
Đến kết cục cay đắng
Năm 2007 có lẽ là cột mốc đáng nhớ cho những chuỗi ngày điêu đứng sau đó của Nokia khi Apple bất ngờ tung ra iPhone, sản phẩm đã định nghĩa lại điện thoại di động như một thiết bị giống máy tính cá nhân với màn hình cảm ứng và hàng loạt ứng dụng vô cùng hấp dẫn.
iPhone của Apple trở thành "sát thủ" với điện thoại của Nokia.
Cũng kể từ đây, Nokia dù vẫn được mệnh danh là nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới nhưng giá trị vốn hóa đã bị giảm tới 75% trong khi giá trị của Apple tăng vùn vụt.
Không chỉ thị trường smartphone khiến Nokia đau đớn mà ngay cả thị trường điện thoại phổ thông vốn là mảnh đất riêng của hãng Phần Lan cũng ngày càng bị thu hẹp do sức ép hạ giá của smartphone Android.
Quý I/2012, Nokia chính thức phải nhường ngôi dẫn đầu thị trường điện thoại di động về tay Samsung, chấm dứt 14 năm liên tục ở vị trí độc tôn này. Ở vào thời điểm này người ta đã cho rằng Stephen Elop đã chọn sai chiến lược phát triển cho Nokia khi quyết định chỉ chọn hệ điều hành Windows Phone. Một cựu quản lí cấp cao của Nokia là Lee Williams khi đó cho rằng, Elop không thực sự là một CEO mà chỉ là một CFO một người chỉ quan tâm tới việc đạt những kết quả trước mắt mà không có được chiến lược phát triển cho công ty trong tương lai.
Tháng 1/2013, Nokia ngậm ngùi tuyên bố chính thức khai tử hệ điều hành Symbian khi mà nó đã không còn giá trị với các nhà đầu tư, khách hàng, đối tác,...
Và mới đây, ngày 2/9, Nokia tuyên bố đã bán mảng thiết bị và dịch vụ của mình cùng với một số bằng sáng chế cho Microsoft với giá 7,2 tỷ USD. Thương vụ này sẽ hoàn tất vào quý I/2014. Đây gần như được coi là dấu chấm hết cho cái tên vang danh khắp thế giới một thời Nokia. Vì sau thương vụ này, Nokia hầu như sẽ không còn sản xuất thiết bị di động nữa mà sẽ chỉ còn tập trung vào mảng công nghệ và bản quyền sáng chế.
'Nghi án' Stephen Elop là điệp viên của Microsoft để đưa Nokia vào bẫy và dễ bề cho Microsoft thôn tính một lần nữa lại được giới công nghệ cày xới lại. Bởi lẽ, Elop đã chọn Windows Phone là nền tảng duy nhất vào thời điểm mà Android đang rất hưng thịnh. Và rằng, Elop là người cũ của Microsoft sang Nokia năm 2010. Thực hư câu chuyện khó có thể xác định, chỉ biết rằng, thương vụ Microsoft thâu tóm Nokia đã đặt dấu chấm hết cho tên tuổi của một hãng điện thoại lừng lẫy thế giới một thời.
Mối quan hệ thân thiết của Nokia và Microsoft cũng gây nên những hoài nghi về khả năng Stephen Elop là "nội gián" của hãng sản xuất phần mềm số 1 thế giới.
Người ta từng đã rất buồn khi chứng kiến sự tụt dốc thê thảm của Nokia vài năm trở lại đây, nhưng có lẽ giờ đây những người yêu quý Nokia mới thực sự cảm nhận được nỗi đau khi mà trong tương lai sẽ không còn chiếc smartphone nào mang thương hiệu hãng điện thoại Phần Lan này nữa. Hãng điện thoại danh tiếng thế giới đã từ vị trí thống lĩnh thị trường đến thành kẻ trắng tay.
Lumia 1020 là chiếc smartphone cuối cùng mang thương hiệu Nokia.
Theo Thanh Phong (VNN)