Sản lượng smartphone toàn cầu sụt giảm
Theo Bloomberg, thị trường smartphone lớn nhất thế (Trung Quốc) đang gặp rất nhiều khó khăn khi sản lượng xuất xưởng đã giảm 14,7% trong quý II. Và các công ty trụ cột trị giá hàng tỉ USD trong ngành như Xiaomi, vivo và OPPO đều báo cáo doanh số bán hàng sụt giảm nghiêm trọng.
Các nhân viên làm việc trên dây chuyền lắp ráp smartphone tại một nhà máy ở Trung Quốc. Ảnh: Jade Gao/AFP |
Tương tự, báo cáo của Canalys cũng cho thấy doanh số smartphone toàn cầu đã giảm mạnh trong quý 2. Cụ thể, tổng số lượng máy bán ra trên toàn cầu chỉ đạt 287 triệu chiếc, giảm 9% so với cùng kì năm ngoái.
Xét về mặt doanh số, Samsung vẫn giữ vị trí đầu bảng. Tiếp theo là Apple, trong khi các công ty smartphone Trung Quốc phải vật lộn để đối phó với nhu cầu ngày càng suy giảm của người tiêu dùng.
Có rất nhiều yếu tố dẫn đến sự sụt giảm, bao gồm chính sách phòng chống COVID-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc, làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng.
Trung Quốc luôn muốn trở thành một quốc gia đi đầu về công nghệ di động từ một thập kỷ trước bằng cách đầu tư xây dựng các trạm gốc 4G ở hầu hết các ngôi làng, cho phép OPPO, vivo… bán thiết bị cho hàng trăm triệu người ở các vùng nông thôn, hầu hết trong số họ chưa bao giờ dùng thử màn hình cảm ứng.
Trong khi đó, Apple, Samsung và Motorola lại nhắm mục tiêu đến đối tượng người dùng ở thành phố, hiểu biết về công nghệ và sẵn sàng chi nhiều tiền để sở hữu smartphone (mặc dù 2 thương hiệu sau nhanh chóng đã bị loại khỏi cuộc chơi do sai lầm trong tiếp thị và áp lực địa chính trị).
Thị trường smartphone Trung Quốc đang bị bão hòa
Một vấn đề quan trọng là thị trường điện thoại thông minh khổng lồ của Trung Quốc đã trở nên bão hòa. Quốc gia này có hơn 1,6 tỉ tài khoản điện thoại di động đang hoạt động vào cuối năm ngoái so với 1,4 tỉ dân. Tỉ lệ thâm nhập cao hơn mức trung bình toàn cầu và đã dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt.
Do đó, nhu cầu thay thế điện thoại cũng giảm dần. Vòng đời của điện thoại thông minh ngày càng dài khi nền kinh tế hoạt động không tốt.
Apple phải giảm giá các dòng iPhone để thu hút người tiêu dùng. Ảnh: TIỂU MINH |
Toby Zhu, nhà phân tích của công ty nghiên cứu Canalys, cho biết trong một báo cáo: “Người tiêu dùng Trung Quốc đang hạn chế chi tiêu cho điện thoại thông minh. Các nhà sản xuất hi vọng những chương trình khuyến mãi mua sắm trực tuyến có thể kích thích nhu cầu của người tiêu dùng nhưng việc này đã thất bại. Thậm chí ngay cả Apple cũng phải giảm giá toàn bộ dòng sản phẩm iPhone để chiêu dụ người mua”.
Các hạn chế nghiêm ngặt chống dịch COVID-19 của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp. Những đợt lockdown các thành phố đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng trong lĩnh vực bán lẻ, hậu cần và sản xuất.
Ngoài sự thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu và sự gián đoạn chuỗi cung ứng, các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc phải đối phó với vấn đề lạm phát do cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.
Bên cạnh đó, các hãng sản xuất smartphone của Trung Quốc còn phải đối đầu với một đối thủ khó nhằn tại thị trường quê nhà là Apple.
Theo Counterpoint Research, vào tháng 2, doanh số bán hàng của Apple tại Trung Quốc “lần đầu tiên vượt qua doanh số tại Mỹ kể từ tháng 4 năm 2020”, đồng thời giành được thị phần từ Huawei tại thị trường nội địa.
Nhiều nhà phân tích tin rằng nhu cầu của người tiêu dùng sẽ tăng trở lại vào năm sau, nhưng có lẽ thời hoàng kim của smartphone Trung Quốc đang dần kết thúc.