1. iPhone quan trọng với người dùng như thế nào?
Mới đây, CIRP đã công bố kết quả nghiên cứu mới nhất dựa trên câu hỏi, bạn sẽ sửa chữa hoặc thay thế một chiếc iPhone, iPad, máy Mac bị hư, bị mất hoặc bị đánh cắp trong bao lâu?
Kết quả hầu hết đều là “ngay lập tức” cho đến “trong vòng 1 tháng”. Đối với iPhone, 45% người dùng cho biết họ sẽ sửa chữa hoặc thay thế “ngay lập tức ngay trong ngày”. Trong khi đó tỉ lệ này đối với iPad và Mac là 27%. Điều đó cho thấy mức độ thiết yếu của các sản phẩm Apple trong đời sống hàng ngày.
Người dùng thường sửa iPhone ngay lập tức nếu thiết bị bị hư. Ảnh: TIỂU MINH |
79% người dùng cho biết họ sẽ sửa iPhone ngay lập tức hoặc “trong vòng một hoặc hai ngày”, và khi bao gồm cả cụm từ “trong vòng một tuần”, con số đó sẽ tăng vọt lên 94%.
Đối với iPad, 80% số người được hỏi cho biết họ sẽ sửa hoặc thay thế nó trong vòng một tuần hoặc sớm hơn và đối với Mac, số liệu đó cao hơn một chút là 86%.
Chỉ một bộ phận nhỏ người dùng cho biết họ sẽ đợi hơn một tháng hoặc không bao giờ sửa chữa hoặc thay thế thiết bị.
2. Vì sao TikTok bị phạt 12,7 triệu bảng Anh?
Theo tờ Guardian, TikTok bị phạt 12,7 triệu bảng Anh vì xử lý trái phép dữ liệu của 1,4 triệu trẻ em (dưới 13 tuổi) đang sử dụng nền tảng mà không có sự đồng ý của cha mẹ.
Luật bảo vệ dữ liệu của Vương quốc Anh không có lệnh cấm nghiêm ngặt đối với trẻ em sử dụng Internet, nhưng yêu cầu các tổ chức sử dụng dữ liệu cá nhân của trẻ em phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người chăm sóc.
Chuyên gia cho rằng có rất nhiều thứ TikTok có thể làm nhưng họ đã không làm. Tất cả những gì người dùng được yêu cầu khi tạo tài khoản là đánh dấu vào ô xác nhận rằng mình trên 13 tuổi. Điều đó có nghĩa là dữ liệu của trẻ có thể đã được thu thập và lập hồ sơ, khiến trẻ dễ tiếp cận với các nội dung không phù hợp với lứa tuổi.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn của TikTok cho biết: “Hơn 40.000 nhân viên của chúng tôi đã làm việc suốt ngày đêm để đảm bảo nền tảng an toàn cho cộng đồng. Mặc dù không đồng ý với quyết định của ICO, nhưng chúng tôi rất vui vì khoản tiền phạt được công bố hôm nay đã giảm xuống hơn một nửa số tiền được đề xuất vào năm ngoái”.
Cách đây vài tuần, Oliver Dowden - Bộ trưởng Văn phòng Nội các Vương quốc Anh đã ra lệnh cấm cài đặt TikTok trên điện thoại của các bộ trưởng và công chức (không phải thiết bị cá nhân) trong bối cảnh lo ngại về an ninh.
3. Lộ diện mẫu đồng hồ thông minh hỗ trợ nghe gọi giá rẻ
Trên thị trường hiện tại có rất nhiều mẫu đồng hồ thông minh hỗ trợ nghe gọi với mức giá tương đối rẻ, đơn cử như Redmi Watch 3. Thiết bị có màn hình AMOLED 1,75 inch, độ sáng tối đa 600 nits, cho phép người dùng quan sát tốt mọi thứ từ thông báo tin nhắn đến dữ liệu tập luyện, kể cả trong nhà lẫn ngoài trời.
Đồng hồ có phần dây bằng silicon, không gây cảm giác bí bách, khó chịu khi đeo. Để người dùng thỏa sức sáng tạo, nhà sản xuất cũng tích hợp hơn 200 mặt đồng hồ, đi kèm theo đó là tính năng nhận dạng cuộc gọi bằng cử chỉ, cụ thể là khi có cuộc gọi đến, bạn chỉ cần giơ tay đeo Redmi Watch 3 lên gần miệng là có thể trả lời cuộc gọi.
Tất nhiên, Redmi Watch 3 vẫn hỗ trợ đầy đủ các chế độ tập luyện, theo dõi sức khỏe, giấc ngủ, chống nước 5ATM… cùng thời lượng pin sử dụng lên đến 12 ngày chỉ với một lần sạc. Ghi nhận ở thời điểm hiện tại, đồng hồ đang được bán tại thị trường Việt Nam với giá 2,79 triệu đồng, tặng kèm tai nghe Buds 4.
4. Nhiều hệ thống bán lẻ đua nhau livestream trên TikTok
Xu hướng mua sắm của người tiêu dùng đang dần thay đổi, dẫn đến việc các chợ truyền thống, trung tâm thương mại ngày càng ế ẩm, vắng khách. Để thu hút khách mua hàng, các hệ thống bán lẻ đã bắt đầu chuyển sang livestream bán hàng trên TikTok.
Vừa qua, Di Động Việt đã bất ngờ thực hiện một buổi livestream liên tục 24 tiếng với hơn 1 triệu người xem, “chốt đơn” được 3.000 sản phẩm và mang về nhiều tỉ đồng.
Bà Phùng Phương, đại diện truyền thông của hệ thống cho biết, buổi livestream này là sự kết hợp giữa hình thức giải trí và mua sắm online theo đúng xu hướng Shoppertainment (mua sắm tích hợp giải trí). Với những màn minh họa, nhảy múa, giao lưu và bán hàng hài hước, đã đem đến cho người mua hàng những giây phút giải trí mà vẫn có thể mua được món hàng ưa thích với mức giá cực hấp dẫn.
Hay tối ngày 4-4, “chiến thần review” Hà Linh đã có buổi livestream xả kho dầu gội Nguyên Xuân với mức giá chỉ 11.000-18.000 đồng… thu hút rất nhiều người mua hàng. Tuy nhiên, video này đã nhanh chóng vấp phải làn sóng chỉ trích từ các đại lý, nhà phân phối dầu gội vì cho rằng Hà Linh và nhà sản xuất đang bán phá giá.
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận xu hướng mua sắm của người tiêu dùng hiện tại đã dần thay đổi. Theo một nghiên cứu do Material thực hiện, 4/10 người dùng sẵn sàng chi tiền ngay lập tức cho những sản phẩm họ khám phá được trên TikTok, với tốc độ đưa ra quyết định nhanh hơn 1,5 lần so với bất cứ nền tảng nào khác.