Đa số các ứng dụng OTT hiện nay như Messenger, Zalo... đều cho phép người dùng đặt mã khóa bảo vệ, tránh việc người khác tò mò mở ứng dụng và xem lén nội dung bên trong.
Zalo là một trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất hiện nay tại Việt Nam. Ảnh: Pexels/MINH HOÀNG
Cách đặt mã khóa bảo vệ Zalo
Đầu tiên, bạn hãy cập nhật Zalo trên điện thoại lên phiên bản mới nhất thông qua App Store hoặc Google Play. Tiếp theo, người dùng chỉ cần mở ứng dụng, chuyển sang mục Cá nhân - Tài khoản và bảo mật - Đặt mã khóa Zalo và kích hoạt tùy chọn Đặt mã khóa.
Đặt mã khóa để bảo vệ ứng dụng tốt hơn. Ảnh: MINH HOÀNG
Tiếp theo, bạn hãy thiết lập mã khóa gồm 4 con số để bảo vệ ứng dụng. Kể từ lúc này, người dùng phải nhập thêm mã khóa hoặc sử dụng vân tay để truy cập vào Zalo.
Lưu ý, trong trường hợp quên mã khóa, bạn phải gỡ bỏ và cài đặt lại ứng dụng, điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ dữ liệu tin nhắn và cuộc gọi sẽ bị xóa sạch (nếu chưa sao lưu).
Khóa ứng dụng sẽ giúp bạn hạn chế bị rò rỉ tin nhắn Zalo. Ảnh: MINH HOÀNG
Tắt tính năng hiển thị trước
nội dung tin nhắn Zalo
Để hạn chế những ánh mắt tò mò của người khác, bạn nên tắt tính năng hiển thị trước nội dung tin nhắn Zalo bằng cách mở ứng dụng, chuyển sang mục Cá nhân và bấm vào biểu tượng bánh xe răng cưa ở góc phải.
Tắt tính năng hiển thị trước tin nhắn Zalo. Ảnh: MINH HOÀNG
Tiếp theo, người dùng chỉ cần tìm đến mục Thông báo và tắt tùy chọn Xem trước tin nhắn. Kể từ lúc này, nội dung tin nhắn Zalo sẽ không còn hiển thị trong trung tâm thông báo, thay vào đó, người dùng sẽ chỉ thấy được nội dung “bạn có tin nhắn mới”.