Khái niệm về sự riêng tư, bảo mật thông tin của các ứng dụng và mạng xã hội từ lâu đã là đề tài gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, việc xuất hiện ứng dụng chỉ cho phép kết nối với 12 người thân, chia sẻ mọi thứ dựa trên nền tảng riêng tư lại làm dấy lên lo ngại rằng nơi đây đang tạo ra một không gian tương tác quá bí mật, có thể gây ra những luồng dư luận khó ngăn chặn, khó kiểm soát.
Đại diện của Lief tại Việt Nam giải thích rằng những thông tin trên là không có cơ sở vì Lief không hoạt động giống như các mạng xã hội hiện nay. Người dùng Lief chỉ kết bạn, tương tác với những người thân thiết và các chia sẻ được gửi đến từng cá nhân cụ thể, chứ không truyền tải thông tin giữa các nhóm người.
Bên cạnh bị cho là... quá bí mật, ứng dụng này cũng đang đối mặt với một số rào cản khi hoạt động tại Việt Nam.
Thực tế cho thấy một số ứng dụng, công nghệ phần mềm được đưa vào thực tiễn cuộc sống không được khích lệ phát triển tại Việt nam như Viber đã đóng cửa văn phòng đại diện chỉ sau chưa đầy 2 năm có mặt. Trong số các nguyên nhân, việc cơ quan quản lý đang xây dựng một số chính sách quản lý các ứng dụng OTT cũng là một phần lý do khiến Viber đóng cửa văn phòng đại điện.
Mới đây, Uber và Grabtaxi tuy đã phát triển tại một số nước nhưng cũng vấp phải những rào cản khi nhiều người cho rằng hai dịch vụ trên đã tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh với các dịch vụ taxi truyền thống. Do đó, cả hai cũng đang cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ từ phía chính quyền địa phương.
Những gì xảy ra với Lief có thể được sử dụng để đánh giá liệu Việt Nam có thực sự sẵn sàng cho một sự bùng nổ đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ phần mềm hay không?