ChatGPT là một mô hình ngôn ngữ lớn được đào tạo trên một bộ dữ liệu khổng lồ từ Internet và các nguồn khác, có khả năng trả lời các câu hỏi một cách tự nhiên như con người.
Khi trải nghiệm khả năng viết lách của ChatGPT, bạn đã bao giờ tự hỏi công cụ này sẽ tác động như thế nào đến nghề viết lách, hay dữ liệu của nó có đủ tốt để thay thế hoàn toàn nhà văn, nhà báo hay không?
ChatGPT trả lời nhanh, tiết kiệm chi phí và tạo ra văn bản đọc xuôi tai đã khiến nó có vẻ như là một sự thay thế lý tưởng cho nhà báo, nhà văn. Tuy nhiên, giống như các chatbot AI tiên tiến khác, ChatGPT cũng có một số hạn chế, và dưới đây là 5 lý do vì sao ChatGPT chưa thể thay thế công việc viết lách.
1. ChatGPT thường tạo ra nội dung mơ hồ và lặp đi lặp lại
ChatGPT thực hiện tốt công việc trả lời các câu hỏi trong nhiều lĩnh vực, chủ đề… Ví dụ, “cách làm nem chua tại nhà” hoặc “viết một bài rap tặng vợ”. ChatGPT sẽ liệt kê các nguyên liệu bạn cần và giải thích đầy đủ cách làm nem chua, đồng thời nó cũng đủ tốt để sáng tác một bài rap có vần điệu về vợ.
ChatGPT có thể tạo ra nội dung đọc xuôi tai nhưng không có cảm xúc. Ảnh: TIỂU MINH |
Tuy nhiên, khi đọc càng nhiều các nội dung do ChatGPT tạo ra, bạn sẽ thấy rằng nó có xu hướng sử dụng các cụm từ chung chung, dẫn đến nội dung nhạt nhẽo và lặp đi lặp lại với ít chi tiết. Điều này không lý tưởng khi bạn cần viết chuyên sâu về các chủ đề phức tạp hoặc theo ngành nghề cụ thể.
Mặc dù vậy, bạn vẫn có thể cải thiện kết quả đầu ra của ChatGPT bằng cách thay đổi câu hỏi, cung cấp thêm dữ liệu...
2. ChatGPT thiếu thông tin cập nhật
Các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT sẽ được các nhà phát triển đào tạo bằng cách cung cấp tệp dữ liệu văn bản lớn, thường được thu thập từ Internet, cho phép mô hình nhận dạng các mẫu và dự đoán từ hoặc câu trả lời tiếp theo.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề lớn nhất đối với ChatGPT là cơ sở kiến thức hiện tại của nó chỉ giới hạn từ năm 2021 trở về trước. Vì vậy, bạn không thể sử dụng ChatGPT để viết về các xu hướng mới hoặc sự kiện vừa xảy ra, do đó, rất khó để ChatGPT có thể cạnh tranh với các nhà báo, nhà văn và những người làm nghề viết lách.
3. ChatGPT thường không chính xác
ChatGPT có thể tạo nội dung mạch lạc và thuyết phục, nhưng đôi khi dữ liệu đầu ra của nó không thật sự chính xác. Điều này cũng không có gì lạ với các mô hình ngôn ngữ.
Do đó, OpenAI đã khuyến nghị người dùng nên kiểm tra kỹ các câu trả lời trước khi sử dụng nó cho bất kỳ mục đích nào, và cung cấp phản hồi bằng cách sử dụng nút Dislike (không thích) bất cứ khi nào ChatGPT tạo ra một câu trả lời không chính xác.
“Cha đẻ” ChatGPT cho biết nội dung tạo ra chỉ là bản xem trước, cần phải kiểm tra lại. Ảnh: TIỂU MINH |
Điều đó cho thấy bạn khó có thể mong đợi ChatGPT sẽ tạo ra nội dung hoàn hảo mà không có sự hướng dẫn và đánh giá của bạn. Do đó, khi thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, bạn vẫn sẽ cần dựa vào chuyên môn trong lĩnh vực của mình.
4. ChatGPT thiếu cảm xúc của con người
Các công cụ AI thường dựa vào kho dữ liệu để tạo văn bản và đó là lý do tại sao việc viết bằng AI thường có vẻ dễ đoán và lặp đi lặp lại, không có ý tưởng mới và tính sáng tạo.
Mặc dù ChatGPT có vẻ tốt hơn hầu hết các mô hình ngôn ngữ, nhưng nó vẫn thiếu cảm xúc của con người để mang lại thông tin mới, cũng như góc nhìn độc đáo và có giá trị cho cuộc trò chuyện.
Bạn có thường đọc các bài đăng trên Facebook, blog của những tác giả cụ thể không? Họ không viết về các vấn đề cao siêu nhưng vẫn nhận được sự tương tác lớn, bởi họ mang đến một góc nhìn mới mẻ, kể cả khi đó là những chủ đề quen thuộc.
Ngoài ra, ngôn từ của một người chuyên viết lách không chỉ truyền đạt sự thật, ý kiến… mà nó còn thể hiện cảm xúc và cá tính. Chính sự kết hợp của các yếu tố này sẽ giúp nội dung trở nên dễ nhớ và dễ hiểu hơn, tạo một kết nối giữa người viết và người đọc. Điều này cũng quan trọng như tính chính xác của thông điệp và không có số lượng mô phỏng nào có thể thay thế được.
5. Google không thích nội dung AI
ChatGPT có thể tạo nội dung giống con người chỉ trong vài giây và miễn phí (tại thời điểm này). Vì vậy, ý tưởng sử dụng AI để tạo tất cả nội dung cho trang web của bạn nghe có vẻ hấp dẫn.
Nhưng bạn cần nhớ rằng Google không thực sự hào hứng với nội dung do AI tạo ra. Theo chính sách của Google, các văn bản do AI tạo ra thuộc danh mục nội dung spam tự động, điều này có thể khiến trang web của bạn bị đánh giá thấp, hoặc thậm chí là biến mất khỏi kết quả tìm kiếm.
Tại thời điểm này, vẫn chưa rõ liệu Google có thể phát hiện nội dung do AI tạo ra hay không. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây đã xuất hiện khá nhiều công cụ hỗ trợ phát hiện nội dung do AI viết, phục vụ cho mục đích giáo dục, xuất bản. Đơn cử như AI Text Classifier, Hugging Face, Content at Scale, Copyleaks, GPTZero…
Các công cụ này sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích văn bản, nhận dạng mẫu và các tính năng khác, đồng thời sử dụng thông tin này để tính xác suất. Cách sử dụng tương đối đơn giản, bạn chỉ cần dán văn bản cần kiểm tra vào khung trống, và công cụ sẽ hiển thị kết quả bao nhiêu phần trăm nội dung này là do AI viết hoặc do con người viết.
GPTZero đánh giá đoạn văn trên có khả năng được viết hoàn toàn bởi con người. Ảnh: TIỂU MINH |
Những người viết lách chuyên nghiệp vẫn có chỗ đứng trong thời đại AI
Mặc dù các công cụ như ChatGPT sẽ không sớm thay thế những người viết lách giỏi, nhưng điều đó không có nghĩa là AI sẽ không tác động đến ngành viết lách. Thực tế là AI vẫn tồn tại, và những người viết chỉ lấy lại thông tin mà không đưa ra quan điểm độc đáo nào có thể sẽ sớm bị thay thế trong tương lai.
Quần áo may sẵn và sản xuất hàng loạt không thể chấm dứt ngành thời trang mà còn khiến chúng trở nên có giá trị hơn. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra với những nội dung chất lượng cao do các nhà văn, nhà báo có kinh nghiệm, đam mê và lành nghề viết ra. Tính nghệ thuật, cá tính, sự hiểu biết sâu sắc và kinh nghiệm độc đáo của họ sẽ luôn mang lại lợi thế so với nội dung do AI tạo ra.