Lư đồng An Hội dần phục hồi sau dịch

Lư đồng An Hội dần phục hồi sau dịch

(PLO)- Cận Tết làng nghề lư đồng An Hội tất bật chuẩn bị hàng, dù gặp nhiều khó khăn, song người dân nơi đây vẫn cố gắng bám trụ, giữ gìn nghề ông cha. 

Sau đại dịch COVID-19, nhiều cơ sở ở làng nghề lư đồng An Hội (Quận Gò Vấp, TP.HCM) không trụ nổi do sức mua giảm, giá nguyên liệu tăng cao. Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, song các chủ xưởng và những nghệ nhân vẫn miệt mài bám trụ và giữ lửa nghề truyền thống. Tính đến nay, làng nghề lư đồng An Hội đang trên đà khôi phục và phát triển.

lu-dong-an-hoi-14.jpg
Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, song các chủ xưởng và những nghệ nhân lư đồng An Hội vẫn miệt mài bám trụ, giữ lửa nghề truyền thống. Ảnh: XUÂN QUỲNH
lu-dong-an-hoi-6.jpg
Giai đoạn cuối năm luôn là thời điểm tăng ca của nghệ nhân để kịp hoàn thành đơn hàng cho dịp Tết. Sau 5 năm kể từ đại dịch COVID-19, tình hình sản xuất của các hộ làm lư đồng đang trên đà khôi phục và trở nên bận rộn vào dịp cuối năm. Ảnh: YẾN NHI
lu-dong-an-hoi-5.jpg
Khi được hỏi về tình hình kinh doanh sau đại dịch COVID-19, anh Trần Duy Kha (con trai chủ xưởng Quốc Kiển) tâm sự: “Nghề này có đặc trưng là chỉ buôn bán vào dịp Tết, mấy năm dịch không bán được hàng, lư đồng làm xong thì mang vào kho cất. Năm nay tình hình kinh tế có phần ổn định hơn, đơn đặt hàng cũng tăng nhiều nên mấy tháng nay tần suất làm việc của xưởng có phần nhộn nhịp hơn trước’’. Ảnh: XUÂN QUỲNH
lu-dong-an-hoi-15.jpg
Công đoạn đầu tiên là làm khuôn tạo mẫu. Nghệ nhân nhét đất vào khuôn và chờ cho khuôn khô. Thành phẩm sau đó được lấy ra và chuyển tiếp cho thợ sáp. Ảnh: KHÁNH VY
lu-dong-an-hoi-3.jpg
Miếng sáp được ngâm nước ấm cho mềm rồi cán mỏng để áp vào khuôn đất. Loại sáp được dùng là sáp ong và sáp nến đã nấu chảy. Sau đó, thợ sáp quét thêm một lớp sáp nóng nhằm giữ liền các mặt của sáp trên khuôn. Ảnh: XUÂN QUỲNH
lu-dong-an-hoi-16.jpg
Công đoạn thứ ba là bít đất, nghệ nhân sẽ bít nhiều lớp đất mỏng vào bên ngoài khuôn đã bít sáp để trám các vị trí nhỏ, tăng độ dày và độ mịn cho khuôn để tránh khuôn bị nứt khi đưa vào lò nung. Ảnh: XUÂN QUỲNH
lu-dong-an-hoi-2.jpg
Sau khi bít đất, khuôn được nhúng keo và áo nhiều lớp cát để tăng độ chịu nhiệt trước khi đưa vào lò nung. Ảnh: KHÁNH VY
Lư đồng An Hội dần phục hồi sau dịch
Tiếp theo, người thợ sẽ áp đất sét trộn trấu lên khuôn để tạo vỏ ngoài. Lớp trấu giúp khuôn giữ và chịu nhiệt tốt hơn. Sau khi nung, nghệ nhân chuyển sang công đoạn đổ đồng, đây là công đoạn khó nhất, cần sự tỉ mỉ cao. Cô Tư (xưởng Năm Toàn) tâm sự: “Mấy năm dịch không có đơn đặt hàng, lư làm xong cũng toàn mang vào kho cất rồi bán lai rai. Năm nay đơn đặt hàng khá hơn, tuy bận rộn nhưng cô vẫn rất vui vì được trở lại làm việc với anh chị em đồng nghiệp”. Ảnh: KHÁNH VY
lu-dong-an-hoi-13.jpg
Lò nung (xưởng Quốc Kiển) có tuổi thọ hơn 120 năm, cứ hai tuần lò nung hoạt động một lần. Ảnh: KHÁNH VY
Lư đồng An Hội dần phục hồi sau dịch
Sau khi đổ đồng, nghệ nhân sẽ đập lớp đất bên ngoài, mang lư thô đi mài giũa để định hình và cắt gọt đi những chi tiết thừa. Ảnh: KHÁNH VY
lu-dong-an-hoi-10.jpg
Khi lư thô đã được mài giũa, nghệ nhân đánh bóng cho lư để tạo ánh vàng và sắc sáng đặc trưng. Ảnh: YẾN NHI
lu-dong-an-hoi-9.jpg
Trước đây, những chiếc lư lỗi sẽ bị đem bỏ đi. Tuy nhiên, giá nguyên liệu ngày càng tăng, nghệ nhân đem khò nóng các chi tiết lỗi của lư và chỉnh lại để tiết kiệm nguyên liệu. Ảnh: KHÁNH VY
Lư đồng An Hội dần phục hồi sau dịch
Công đoạn chạm khắc là công đoạn cuối cùng và quan trọng để tạo nên sản phẩm mỹ nghệ. Lư thường được chạm khắc theo yêu cầu của khách hàng. Nếu không có đơn hàng, chủ xưởng sẽ để nghệ nhân chạm khắc theo khả năng sáng tạo của họ. Những chiếc lư đồng thành phẩm luôn mang đậm dấu ấn cá nhân và được nhiều người ưa chuộng là vì thế. Ảnh: XUÂN QUỲNH
lu-dong-an-hoi (9).jpg
Sau khi chạm khắc, lư được đánh bóng lần nữa và đưa ra cửa hàng trưng bày. Mặc dù những chi tiết của lư rất nhỏ nhưng đều được nghệ nhân tỉ mỉ gọt giũa và đặt cả tâm huyết vào. Vì thế, lư đồng An Hội được nhiều người nhận xét là có ánh vàng đặc trưng, họa tiết tinh xảo và có hồn, khác với lư công nghiệp. Ảnh: YẾN NHI
lu-dong-an-hoi-4.jpg
Mặc dù tần suất làm việc dày đặc song mỗi chiếc lư đồng trước khi đến tay khách hàng đều được nghệ nhân trau chuốt tỉ mỉ từng chi tiết. Một sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua hơn 10 công đoạn: làm khuôn tạo mẫu, bít sáp, bít đất, áp trấu, nung, đổ đồng, mài giũa, chạm khắc, đánh bóng… Ảnh: XUÂN QUỲNH

Lư đồng An Hội và các vật dụng thờ cúng bằng đồng luôn thể hiện tâm huyết của nghệ nhân trong từng sản phẩm. Do vậy, dù có giá thành cao hơn so với những nơi khác, nhiều khách hàng vẫn chọn ghé đến địa điểm này để mua. Anh Trần Duy Kha chia sẻ: “Bình thường thì vào dịp Tết, các đơn hàng từ khắp nơi rất nhiều, đặc biệt là ở các chùa và các gia đình có truyền thống dùng lư đồng. Họ tìm đến để đặt mua lư đồng, bát nhang và nhiều đồ thủ công mỹ nghệ khác”. Lư đồng An Hội có nhiều kiểu dáng và mẫu mã, tùy từng loại lớn nhỏ mà giá lư sẽ dao động từ vài triệu cho đến hàng chục triệu đồng. Chủ cơ sở lư đồng Quốc Kiển cho biết, vì lư đồng được làm thủ công và trải qua rất nhiều công đoạn nên trung bình mỗi bộ lư được hoàn thiện cần từ 20 - 22 ngày. Trung bình mỗi tháng, cơ sở sẽ đưa ra thị trường khoảng gần 100 bộ lư đồng, bỏ mối sỉ, trả theo đơn đặt hàng hoặc bán lẻ cho khách. Những ngày giáp Tết, số lư tiêu thụ tăng gấp đôi tức khoảng gần 200 bộ.

Đa số nghệ nhân tại xưởng Quốc Kiển, Năm Toàn và các xưởng lân cận đều có tuổi nghề trên 40 năm. Họ đã gắn bó với nghề đúc lư đồng từ lúc còn nhỏ, nối nghiệp truyền thống gia đình. Chú Tâm chia sẻ: “Dù có thế nào đây cũng là nghề truyền thống của gia đình tôi, tôi sẽ gắn bó với nó đến khi không còn làm được nữa”. Những nghệ nhân còn bám trụ với nghề đúc lư đồng đến bây giờ đều vì tình yêu và niềm đam mê.

Đọc thêm