Bộ Chính trị, Ban Bí thư quán triệt, triển khai việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy

(PLO)- Chỉ ra những nguyên nhân, hạn chế trong sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, Trung ương đã đề ra nhiều nhiệm vụ cần làm thời gian tới, trong đó có việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 1-12, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18/2017 của Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe truyền đạt các nội dung chính, trọng tâm trong triển khai tổng kết Nghị quyết 18 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chuyên đề “Tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế”; chuyên đề “Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025”.

Trung ương quán triệt, triển khai việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18/2017 của Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế-xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế. Ảnh: NHÂN DÂN

Kiên quyết xóa bỏ các tổ chức trung gian

Về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18, qua bảy năm thực hiện đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, việc sắp xếp tổ chức bộ máy vẫn chưa đồng bộ, thiếu tổng thể, chưa gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; còn trùng lắp, chồng chéo nhiệm vụ, chức năng giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương; phân cấp, phân quyền cho địa phương chưa mạnh, chưa đồng bộ, chưa hợp lý, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới..

Nguyên nhân chủ yếu là do mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị chưa thật hoàn thiện; nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, người đứng đầu chưa quyết liệt, đầy đủ.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới, đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã thống nhất rất cao với quyết tâm chính trị mạnh mẽ để thực hiện chủ trương tổng kết sớm, toàn diện Nghị quyết 18 trong toàn hệ thống chính trị.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

“Tinh thần là vừa chạy vừa xếp hàng, Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở” – báo cáo nêu và yêu cầu xác định những nội dung, công việc ưu tiên để làm theo đúng mục tiêu, yêu cầu và tiến độ đề ra.

rung-uong-quan-triet-trien-khai-viec-thuc-hien-sap-xep-tinh-gon-bo-may-1.jpg
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: NHÂN DÂN

Ngoài ra, cần thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính, khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực; kiên quyết xóa bỏ các tổ chức trung gian.

Cải cách tổ chức bộ máy phải gắn với quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương về đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, chống lãng phí; chuyển đổi số quốc gia, xã hội hóa các dịch vụ công… Trong đó phải gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Đáng chú ý, bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân…

8 giải pháp để thúc đẩy tăng tưởng

Về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng, các cấp, các ngành, các địa phương đã bám sát tình hình thực tiễn, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực.

Tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Dự kiến 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Tăng trưởng cả năm ước đạt trên 7% (thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới); kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%.

rung-uong-quan-triet-trien-khai-viec-thuc-hien-sap-xep-tinh-gon-bo-may-2.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: NHÂN DÂN

Tính đến cuối tháng 11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt khoảng 715 tỉ USD, tăng 15,3%, xuất siêu trên 23 tỉ USD; ước cả năm đạt 807,7 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay. Thu hút FDI là điểm sáng và nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới...

Báo cáo xác định năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, vượt chướng ngại vật để về đích; lấy ổn định làm tiền đề thúc đẩy phát triển và phát triển để làm cơ sở cho ổn định; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch năm năm 2021-2025.

Cùng đó, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Để thực hiện điều này, báo cáo đã đưa ra tám nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đáng chú ý là tiếp tục hoàn thiện thể chế là “đột phá của đột phá”; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; giữ đà, giữ nhịp và tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8%. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là các dự án lớn, quan trọng, trọng điểm quốc gia. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Đã thay đổi tư duy làm luật

Về việc tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, thông qua kỳ họp 8 vừa qua, tư duy và phương thức tiến hành công tác lập pháp được đổi mới sâu sắc theo hướng các luật ngắn gọn, rõ ràng; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính; kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 18 luật, xem xét, thông qua 21 nghị quyết, trong đó có 4 nghị quyết quy phạm pháp luật với tỉ lệ tán thành cao; Quốc hội cũng đã cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác.

Kỳ họp đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy tối đa nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới.

Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua với tỉ lệ tán thành cao chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, đây là minh chứng rõ ràng cho tư duy đổi mới trong phát triển hạ tầng quốc gia, không chỉ là một công trình giao thông mà còn là biểu tượng của khát vọng, tinh thần đổi mới và hành động quyết liệt, sẵn sàng vượt qua thách thức để mở ra cơ hội lớn cho đất nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm