Cách TP Đà Lạt khoảng 40km, thị trấn cổ D’ran nằm giữa hai con đèo Ngoạn Mục và D’ran thuộc địa phận huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, vì thế còn có tên gọi khác là thị trấn lưng đèo.
Thị trấn D’ran ở đâu?
Để đến được đây, du khách có thể di chuyển bằng nhiều hướng khác nhau. Nếu xuất phát từ TP Đà Lạt, du khách chỉ cần đi theo hướng Trại Mát, qua cầu vượt đèo Dran. Trường hợp bắt đầu khởi hành từ TP.HCM, chỉ cần đi theo hướng Quốc lộ 20 tới ngã 3 Finom là đến thị trấn. Còn hành trình từ TP. Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), hãy đi theo hướng đường đèo Ngoạn Mục. Dù chọn đường nào, du khách cũng sẽ thích thú với cảm giác uốn lượn theo cung đường.
Thị trấn D'Ran - huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng ngày nay. Ảnh: VÕ TÙNG |
Ngẩn ngơ trước “nàng thơ” diễm lệ
Thị trấn cổ D'ran ẩn mình giữa núi rừng đại ngàn, tựa như nàng tiên nữ còn đang say giấc nồng. Đến với D'ran, bạn mặc sức ngất ngây chiêm ngưỡng núi đồi bát ngát, hùng vĩ nép mình bên “mắt ngọc xanh biếc” hồ Đa Nhim nước trong veo, hiền hòa. Bên cạnh đó là những ngôi nhà nhỏ cũ kỹ phảng phất nét ưu tư, vài ngôi biệt thự cổ kính phủ màu rêu phong, dáng dấp kiến trúc châu Âu… tạo nên bức tranh thủy mặc hữu tình.
D'ran - Thị trấn cổ nơi lưng đèo. Ảnh: VÕ TÙNG |
Thị trấn càng được điểm tô vào mùa dã quỳ nở rợp trời cùng sắc hồng chín mọng khắp nơi nơi. Khí hậu cũng chính là điểm nhấn thú vị tạo nên sức hút của địa điểm lý tưởng này, khi một ngày hội đủ 4 mùa, vô cùng dễ chịu.
Cư dân ở đây bao đời chịu thương chịu khó, chủ yếu trồng hồng, chè và rau quả. Vì thế, du khách đừng quên thưởng thức các món ăn như hồng treo gió, bánh tráng, bánh xèo, bánh căn, hay nhâm nhi nem nướng cùng rượu gạo thơm lừng mà di dân miền Trung mang theo vào vùng đất mới.
Thả hồn theo những câu chuyện lay động
Là một thị trấn cổ được người Pháp xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XX, nơi đây hiện còn lưu giữ những dấu ấn cổ xưa như cầu sắt D'ran, nhà ga tuyến Tháp Chàm - Đà Lạt, đền Càng Rang, bút tích vua Duy Tân, nhà thờ Ka Đơn…
Một góc thị trấn D'ran ngày nay. Ảnh: VÕ TÙNG |
Bên ánh lửa bập bùng và ấm trà nóng, trong ngôi nhà giản dị, chúng tôi bị cuốn theo bao chuyện đời hấp dẫn thuộc về những tên tuổi gắn liền với lịch sử hình thành vùng đất thần tiên, huyền ảo, qua lời kể của thầy giáo già Lâm Trung Châu.
Hồ thủy điện Đa Nhim xanh biếc. Ảnh: VÕ TÙNG |
Sinh ra ở Đà Lạt, năm 1947, thầy giáo Châu cùng gia đình tản cư về Đơn Dương. Năm 1962, thầy cảm mến một cô gái Phan Rang, rồi hai người cùng nhau giữ lửa cuộc hôn nhân 60 năm mà lâu nay người D’ran xem như một “báu vật”. Gần trọn cuộc đời gắn bó D’ran, thầy giáo già đã chứng kiến gần như toàn bộ thăng trầm, biến động thời cuộc và cả sự đổi thay, khởi sắc của những phận người ở thị trấn lưng đèo.
Ngược dòng lịch sử, năm 1908, người Pháp đã xây dựng một tuyến đường sắt dài 84 km từ thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) lên Đà Lạt nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển. Để đoàn tàu có thể lên được độ cao ấy, người ta đã thiết kế thêm những đoạn đường sắt có răng cưa, tạo độ bám. Và đây cũng chính là loại đường sắt độc đáo nhất thế giới thời bấy giờ.
Dấu tích còn sót lại của ga xe lửa Cần Răng - tuyến xe lửa răng cưa độc đáo. Ảnh: VÕ TÙNG |
Theo lời thầy Châu, lúc đầu, thị trấn này chỉ là một trạm dừng chân của những người công nhân làm tuyến đường sắt răng cưa. Và rồi phải lòng khí hậu, thổ nhưỡng và con người nơi đây, nên họ đã quyết định ở hẳn để khai hoang, lập nghiệp.
Từ đó, D’ran không còn là mảnh đất riêng của người K’Ho, Châu Mạ, Nùng nữa… mà là nơi hòa quyện sinh sống của đồng bào các dân tộc Việt Nam.
“Nếu ai đó nói D’ran chỉ là một nhúm ba khu phố lèo tèo, thêm chín thôn lân cận thì đó là một nhầm lẫn lớn. D'ran xưa thuộc vùng đất Hoàng triều Cương Thổ đến nay vẫn giữ được nét đẹp mơ màng, sống động của một trong những cái nôi của cao nguyên Lâm Viên” - thầy giáo Châu hoài niệm.
Ngôi trường học đầu tiên ở D'ran. Ảnh: VÕ TÙNG |
Theo dòng chảy thời gian, dấu tích của nhà ga năm nào giờ chỉ còn lại cái chóp mái và tấm bảng hiệu chữ đã phai mờ có tên “Cần Răng”. Phía trước mặt tiền, người ta đã trưng dụng để làm điểm kinh doanh, buôn bán.
Trường học đầu tiên xuất hiện ở D’ran, qua hồi tưởng của thầy giáo già, là do người Pháp lập nên, nhưng người thầy có mặt sớm nhất tại ngôi trường này lại là một cán bộ Việt Minh.
D’ran hiện có rất nhiều tiềm năng, lợi thế về du lịch. Ảnh: VÕ TÙNG |
Năm 1947, chính quyền cần chỗ cho lũ trẻ đi học nhưng không có trường nên đã mượn tạm ngôi nhà của ông Tư Độ để làm lớp học. Thầy giáo đầu tiên đem chữ quốc ngữ đến với đồng bào D’ran có tên thường gọi là Khuông. Khi lên lớp, ông luôn mặc bộ áo dài đen, khác với công nhân, viên chức hay mặc âu phục thời điểm đó. Thế rồi, một ngày khi đang say sưa trên bục giảng, thầy Khuông bị mật thám Pháp bắt đi và tử hình cùng với hai đồng chí cách mạng của mình dưới gốc nhãn cổ thụ, nay là chân đài liệt sĩ. Sự kiện bi hùng, chấn động đó chưa bao giờ phai mờ trong ký ức thầy Châu cũng như bà con nơi đây.
Tập sách "Chuyện xứ Dran xưa" của thầy giáo Lâm Trung Châu. |
Để hình dung rõ hơn về thị trấn D'ran, du khách có thể tìm đọc cuốn sách "Chuyện xứ D'ran xưa" của chính thầy giáo già Lâm Trung Châu. D'ran không chỉ đẹp thơ mộng mà còn ẩn chứa những câu chuyện bi tráng, đó là lý do thôi thúc nhiều người quay trở lại vùng đất đặc biệt này không chỉ một lần.
D'ran nhiều tiềm năng du lịch nhưng còn ít khách
Lãnh đạo UBND Thị trấn D’ran khẳng định D’ran hiện có rất nhiều tiềm năng, lợi thế về du lịch, bên cạnh thiên nhiên ưu đãi, còn phải kể đến du lịch sinh thái, văn hóa, canh nông và đặc biệt là du lịch tâm linh với rất nhiều cơ sở tôn giáo và các đền, đình được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Tuy nhiên, lượng khách tìm đến thời gian qua chỉ là những người bất chợt ghé ngang. Mong muốn phát triển D’ran thật sự là điểm đến của đông đảo du khách gần xa, UBND thị trấn D’ran đã đưa phát triển du lịch là một trong những chương trình trọng tâm trong giai đoạn 2020 - 2025 của địa phương.