Bầu cử Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc vào ngày 11-10 tại trụ sở Liên Hợp Quốc (TP New York, Mỹ).

Việt Nam trúng cử Hội đồng nhân quyền LHQ lần 2: Tự hào và trách nhiệm

(PLO)-  Việt Nam được bầu vào Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc lần thứ hai là một vinh dự rất lớn nhưng cũng cần rất nhiều nỗ lực để thực hiện được các cam kết cũng như hoàn thành các nhiệm vụ trong nhiệm kỳ.

Ngày 11-10, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) khóa 77 bỏ phiếu bầu các thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ (UNHRC) nhiệm kỳ 2023-2025. Theo thông tin từ UNHRC, có 14 quốc gia được bầu, trong đó Việt Nam (VN) lần thứ hai trúng cử (sau lần đầu năm 2013 ở nhiệm kỳ 2014-2016).

Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng phái đoàn thường trực VN bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) quanh sự kiện này.

Bầu cử Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc vào ngày 11-10 tại trụ sở Liên Hợp Quốc (TP New York, Mỹ). Ảnh: UN JOURNAL/TWITTER
Bầu cử Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc vào ngày 11-10 tại trụ sở Liên Hợp Quốc (TP New York, Mỹ). Ảnh: UN JOURNAL/TWITTER

Rất vui mừng và tự hào

. Phóng viên: Đây là lần thứ hai VN trúng cử vào UNHRC và là đại diện duy nhất của ASEAN được bầu vào UNHRC. Với tư cách là một nhà ngoại giao kỳ cựu của VN, bà có cảm xúc thế nào về sự kiện này và theo bà, sự kiện này có ý nghĩa thế nào với VN?

Việt Nam trúng cử Hội đồng nhân quyền LHQ lần 2: Tự hào và trách nhiệm ảnh 2

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai

+ Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai (ảnh): Khi VN được bầu làm thành viên UNHRC, cảm xúc của tôi là vui mừng và tự hào vì VN sẽ có lần thứ hai được đảm nhiệm vai trò thành viên của UNHRC, cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống LHQ với 47 nước thành viên, đại diện cân bằng theo năm khu vực địa lý trên thế giới. Là thành viên UNHRC, VN sẽ có cơ hội tham gia thảo luận sâu hơn về quyền con người gắn với những vấn đề thuộc quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế như phát triển bền vững, bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, ứng phó với biến đổi khí hậu....

Về ý nghĩa, việc VN tham gia ứng cử và được bầu làm thành viên UNHRC nhiệm kỳ 2023-2025 góp phần hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ 13 và Chỉ thị 25 của Ban bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương. Điều này cũng sẽ khẳng định mạnh mẽ những cam kết, nỗ lực, thành tựu toàn diện cũng như khả năng đóng góp của VN trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người; mở ra các cơ hội hợp tác quốc tế để đảm bảo quyền con người ở VN tốt hơn; góp phần tăng cường quan hệ hợp tác song phương với các nước bạn bè, đối tác quan trọng vì lợi ích chung của hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội.

Ngoài ra, việc được bầu làm thành viên của UNHRC nhiệm kỳ 2023-2025 cũng mở thêm cơ hội đẩy mạnh và nâng tầm sự tham gia của VN, giúp nước ta có tiếng nói lớn hơn tại UNHRC, được thực hiện các quyền dành cho các thành viên UNHRC trong quyết định các vấn đề lớn như tham gia bỏ phiếu các dự thảo nghị quyết của UNHRC trong đó có khuyến nghị với các quốc gia, cũng như việc lập hoặc bổ nhiệm cơ chế nhân quyền của LHQ.

Tôi tin tưởng rằng với chủ trương, kinh nghiệm, bản lĩnh cùng với sự chuẩn bị chu đáo từ sớm của ta, sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan, tổ chức liên quan trong nước, chúng ta sẽ vượt qua được những khó khăn nêu trên và đảm nhiệm thành công vai trò thành viên của UNHRC nhiệm kỳ 2023-2025.

- Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai -

Nỗ lực thực hiện cam kết và nhiệm vụ

. Bà đánh giá thế nào về những cam kết của VN khi ứng cử vào UNHRC?

+ Đây sẽ là nhiệm kỳ thứ hai VN đảm nhiệm vị trí thành viên UNHRC. Như thể hiện tại cam kết tự nguyện của ta khi ứng cử, kế thừa dấu ấn thành công của nhiệm kỳ đầu tiên cũng như để tiếp tục nâng cao uy tín, vị thế đất nước, VN sẽ nỗ lực cùng các nước thúc đẩy công tác của UNHRC, dự kiến sẽ nhắm vào một số ưu tiên chính sau:

Thứ nhất, thúc đẩy các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, tăng cường hiệu quả hoạt động của UNHRC thông qua đối thoại, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau.

Thứ hai, bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, thúc đẩy bình đẳng giới.

Thứ ba, bảo đảm quyền con người trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, nhất là phòng chống dịch bệnh.

Thứ tư, thúc đẩy quyền sức khỏe trong bối cảnh phòng chống đại dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm; quyền được có việc làm tử tế gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; quyền giáo dục có chất lượng dựa trên công bằng về cơ hội và tiếp cận.

Thứ năm, tiếp tục tham gia tích cực Nhóm Nòng cốt tại UNHRC về “biến đổi khí hậu và quyền con người”.

Tôi cho rằng những cam kết nêu trên là phù hợp vì: (i) Những vấn đề nêu trên là mối quan tâm chung của hầu hết các nước tại UNHRC hiện nay, đặc biệt là các nước đang phát triển; (ii) Đây cũng là những vấn đề mà VN đã thúc đẩy tại UNHRC trong thời gian qua, bao gồm trong thời gian VN đảm nhiệm vai trò thành viên UNHRC nhiệm kỳ 2014-2016.

Việc VN được bầu làm thành viên UNHRC nhiệm kỳ 2023-2025 là thành công quan trọng của công tác đối ngoại đa phương đúng vào thời điểm VN đang kỷ niệm 45 năm gia nhập LHQ.

. Theo bà, VN sẽ phải nỗ lực như thế nào để thực hiện được các cam kết nói trên cũng như hoàn thành các nhiệm vụ mà UNHRC đặt ra trong nhiệm kỳ thứ hai này?

+ Đầu tiên tôi muốn nhấn mạnh khối lượng công việc trong thời gian 2023-2025 khá lớn, nhiều hơn gấp nhiều lần so với công việc của một nước quan sát viên, trong khi trùng với thời điểm VN phải thực hiện các nghĩa vụ báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV cùng nhiều công ước quốc tế về các quyền khác nhau mà VN là thành viên như Công ước về các quyền dân sự - chính trị, Công ước về quyền phụ nữ, Công ước về quyền của người khuyết tật...

Để phát huy vai trò, dấu ấn của VN, chúng ta không chỉ cần tiếp tục thực hiện tốt các cam kết, mà còn cần có đề xuất, thúc đẩy các sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của UNHRC, đáp ứng tốt hơn quyền và lợi ích của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển.

- Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai -

Ngoài ra, trong bối cảnh tình hình thế giới và các khu vực đang có nhiều biến động phức tạp, khó lường, cũng như các cơ chế và diễn đàn khác của LHQ, hoạt động của UNHRC không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi các diễn biến phức tạp trên thế giới và tác động của cạnh tranh nước lớn. Do vậy, sẽ có những thời điểm VN và một số thành viên khác bị đặt vào thế khó tại UNHRC.

Từ một số phân tích trên đây, tôi cho rằng để thực hiện được các cam kết nói trên của mình, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ mà UNHRC đặt ra, VN phải hết sức nỗ lực, cần chủ động, tích cực phối hợp với các nước đồng quan điểm để thúc đẩy đối thoại, hợp tác quốc tế và tại UNHRC trên tinh thần xây dựng, hiểu biết lẫn nhau về các vấn đề quyền con người, tránh chính trị hóa, đảm bảo nguyên tắc chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ quốc gia. Mặt khác, VN cần tiếp tục chuẩn bị chu đáo về mặt con người cũng như thông tin, tư liệu để phục vụ cho việc đảm nhiệm vai trò thành viên của UNHRC nhiệm kỳ 2023-2025.

. Xin cám ơn Đại sứ.•

Thành công từ rất nhiều nỗ lực

Với câu hỏi VN đã nỗ lực ra sao để được ghi nhận và có được vị trí như ngày hôm nay, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cho rằng trước hết phải kể đến chủ trương, chính sách lấy con người là trung tâm và những thành tựu của đất nước ta trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, cải thiện đời sống của nhân dân thuộc các dân tộc, vùng miền trên cả nước và trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng; trong đó chú trọng đến những nhóm dễ bị tổn thương, được thể hiện rõ trên thực tế sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, cũng như trong ứng phó và phục hồi hướng đến phát triển bao trùm, bền vững sau đại dịch COVID-19, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Việc VN có vị trí và vai trò ngày càng cao trên trường quốc tế, có quan hệ hợp tác tốt đẹp với các nước, luôn tham gia và đóng góp tích cực vào các hoạt động của UNHRC đã giúp các nước đánh giá được sự nỗ lực và khả năng tham gia, đóng góp của VN với tư cách một nước thành viên UNHRC.

Ngành ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai đồng bộ, bài bản, hiệu quả công tác vận động ứng cử vào UNHRC. Sự vận động này cùng với nỗ lực thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, phát triển kinh tế - xã hội, các cơ quan truyền thông chia sẻ thông tin thực tế, để cộng đồng quốc tế tránh ý kiến một chiều định kiến hoặc thông tin chưa chính xác hoặc chưa đầy đủ, từ đó hiểu đúng và đầy đủ về tình hình VN.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh việc VN được bầu làm thành viên UNHRC nhiệm kỳ 2023-2025 là thành công quan trọng của công tác đối ngoại đa phương đúng vào thời điểm VN đang kỷ niệm 45 năm gia nhập LHQ. Thành công này có được là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và tham gia trực tiếp của lãnh đạo cấp cao, những nỗ lực tích cực của các đơn vị trong Bộ Ngoại giao, phái đoàn VN tại New York, Geneva và các cơ quan đại diện VN ở nước ngoài, cùng sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành hữu quan trong triển khai công tác vận động, tuyên truyền cũng như từ việc VN luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của UNHRC từ khi cơ quan này được thành lập năm 2006.

Đọc thêm