Bộ Công an đã chủ trì, xây dựng nhiều luật, trong đó có hai luật rất quan trọng là Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Hai luật này được xem là nhân văn, phù hợp với xu hướng quốc tế và tăng cường việc bảo vệ người dân.
Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (V03), Bộ Công an, xung quanh vấn đề này.
Những đạo luật nhân văn, hướng đến con người
. Phóng viên: Luật Căn cước được xem là luật chứa đựng tính nhân văn cao hướng tới phục vụ người dân, đặc biệt là hướng đến những đối tượng yếu thế. Cụ thể như thế nào, thưa Thiếu tướng?
+ Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Thực tế, người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam là vấn đề đã tồn tại lâu nay ở nước ta nhưng chưa có giấy tờ tùy thân do nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến lịch sử, chiến tranh, di cư… Họ là một bộ phận không nhỏ, không tách rời của dân tộc và phải được Nhà nước, xã hội thừa nhận và có quyền tham gia giao dịch trong xã hội.
Tuy nhiên, do họ không có giấy tờ gì, chưa xác định được quốc tịch Việt Nam, không có hộ chiếu, không có căn cước nên rất khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, tìm kiếm việc làm, học tập, hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội. Phần nhiều trong số họ là những người yếu thế (người di cư, cư trú không ổn định, người dân tộc thiểu số, trẻ em, người nghèo, người sinh sống trên địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa…).
Luật Căn cước năm 2023 đã bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.
Đây là nội dung mới so với quy định của Luật CCCD năm 2014 nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; đồng thời, phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước về dân cư.
. Trong Luật Căn cước mở rộng cấp thẻ cho người dưới 14 tuổi là rất mới, vì sao có việc này, thưa Thiếu tướng?
+ Luật Căn cước năm 2023 cũng bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của chính phủ số, xã hội số.
Việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc.
Trong xã hội số, việc định danh, xác thực con người cụ thể trên không gian mạng là yêu cầu cấp thiết và cũng là yêu cầu quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số ở nước ta.
Luật Căn cước năm 2023 cũng đã bổ sung quy định về cấp, quản lý căn cước điện tử. Thẻ căn cước và căn cước điện tử là hai hình thức thể hiện, ghi nhận, chứng minh thông tin căn cước của công dân Việt Nam và đều có giá trị sử dụng trong các hoạt động cụ thể.
Việc quy định song song hai hình thức này sẽ giúp người dân thuận lợi hơn trong thực hiện giao dịch, đi lại và các hoạt động khác.
Hiện toàn quốc đã bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã; đồng thời, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đi vào hoạt động từ ngày 1-7-2024. Việc này góp phần tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự ở cơ sở, góp phần xây dựng nền an ninh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Tiện ích từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
. Ý nghĩa của việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong Luật Căn cước năm 2023 như thế nào, thưa Thiếu tướng?
+ Việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung là xu thế chung của các nước trên thế giới hiện nay.
Luật Căn cước năm 2023 quy định mở rộng, tích hợp nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam từ các cơ sở dữ liệu khác vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử, ứng dụng định danh quốc gia (VNeID), kết nối, chia sẻ thông tin người dân.
Việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng, lưu trữ thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều so với việc đầu tư các hệ thống riêng biệt để lưu trữ các thông tin này.
Hiện kết nối, chia sẻ thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương đang được triển khai quyết liệt, đem lại những kết quả thiết thực, phục vụ có hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính công. Điều này cũng nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân, thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, tiết kiệm ngân sách.
Các thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có nhiều giá trị, tiện ích về hộ tịch, y tế, xây dựng kế hoạch phát triển y tế dự phòng, đảm bảo sự liên lạc giữa cơ quan nhà nước với người dân…
Các đạo luật mang đậm dấu ấn chỉ đạo của bộ trưởng
. Được biết các luật do Bộ Công an chủ trì xây dựng và được Quốc hội thông qua là lúc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đảm nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ Công an, Thiếu tướng có thể cho biết công tác chỉ đạo xây dựng các luật như thế nào?
+ Dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong suốt quá trình đảm nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ Công an và hiện nay, Bộ Công an đã trình Quốc hội thông qua 21 dự án luật.
Đây là các đạo luật quan trọng, có phạm vi rộng và liên quan nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tăng cường quản lý nhà nước và bảo đảm quyền lợi của cơ quan, tổ chức, người dân; nâng cao hiệu quả về tổ chức, hoạt động của lực lượng Công an nhân dân, duy trì sự ổn định về chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trên cương vị bộ trưởng Bộ Công an, đồng chí Tô Lâm đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc bộ xây dựng, trình Quốc hội thông qua nhiều dự án luật, đi đầu trong công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động, hiệu lực, hiệu quả.
Theo đó, Bộ Công an đã giảm sáu tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng, tinh gọn tổ chức công an cấp tỉnh, cấp huyện, giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng, gần 1.000 đơn vị cấp đội...
Đã điều động, bố trí lực lượng công an chính quy về cấp xã, giúp bộ máy tinh gọn, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn và gần dân hơn.
Với Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, lực lượng này đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.
Hàng loạt luật khác do Bộ Công an chủ trì góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, người dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý vững chắc để lực lượng Công an nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới.
. Xin cảm ơn Thiếu tướng.
Bộ Công an đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua chín luật: (1) Luật Cảnh sát cơ động; (2) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; (3) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; (4) Luật Căn cước; (5) Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; (6) Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; (7) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; (8) Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; (9) Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (đồng chủ trì với Bộ Quốc phòng).
Hiện Bộ Công an đang nghiên cứu, xây dựng tám dự án luật để trình Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XV. Trong đó, năm dự án luật đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, gồm: (1) Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; (2) Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); (3) Luật Dữ liệu; (4) Luật Dẫn độ; (5) Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.