Đó là một trong những bài hát được viết ngay sau khi cuộc chiến biên giới phía Bắc nổ ra 1979. Những bài hát yêu nước của một giai đoạn gian khó mà anh dũng còn vang mãi, là những hồi ức không bao giờ quên.
Lê Đình Chinh là chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) đầu tiên hy sinh tại mặt trận huyện Cao Lộc tỉnh Lạng Sơn trong khi thi hành nhiệm vụ ngăn cản quân Trung Quốc tràn qua biên giới. Anh hy sinh khi chỉ vừa tròn 18 tuổi. Sau khi hy sinh, anh được nhà nước truy tặng danh hiệu AHLLVT.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên được xem là người mở đầu cho dòng nhạc chủ đề biên giới phía Bắc, trong đó các ca khúc như Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh và Chiến đấu vì độc lập tự do được xem như một lời tuyên ngôn bằng âm nhạc về tinh thần chiến đấu anh dũng của quân dân Việt Nam.
Nhiều thế hệ học sinh 7X, 8X vẫn còn nhớ bài hát Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh được phổ biến trong các trường học, được chọn để đồng ca trong những dịp kỷ niệm ngày quốc khánh, hoặc ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam 22-12. Tôi còn nhớ thầy giáo tổng phụ trách Đội khi tập bài hát này cho chúng tôi đã khóc, vì thầy có những người thân đã hy sinh trong cuộc chiến biên giới.
“Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh. Nghe đất nước gọi như tiếng gọi của chính mình. Tuổi thanh xuân anh đẹp sao. Vì Tổ Quốc hiến dâng dòng máu. Nguyện theo anh thề lập chiến công đầu. Vì hòa bình ta nâng tay súng, từ trong lửa đạn bão bùng. Chúng tôi là những anh hùng Việt Nam”.
Thế hệ học sinh chúng tôi còn có những cuộc thi tìm hiểu về các anh hùng trong các tác phẩm âm nhạc, thơ ca, văn học. Lòng tự hào, biết ơn các anh hùng liệt sĩ được nhà trường hun đúc từ những bài hát hào hùng đó.
Năm 2013, hài cốt liệt sĩ Lê Đình Chinh đã được đưa về an táng tại Nghĩa trang thành phố Thanh Hóa theo tâm nguyện của mẹ anh. Đại tá Nguyễn Đức Hiệu, nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Trung đoàn 12 (hiện là Trưởng Ban Liên lạc Đoàn Thanh Xuyên) cất tiếng hát nho nhỏ: “Chúng tôi là đồng đội của anh Lê Đình Chinh/ Nghe đất nước gọi như tiếng gọi của chính mình…”. Sau đó, các cựu binh của Đoàn Thanh Xuyên đã hát vang ca khúc ấy.
Hình ảnh anh Lê Đình Chinh đã và sẽ luôn là một trong những biểu tượng anh hùng của thế hệ thanh niên Việt Nam trưởng thành trong khói lửa chiến tranh. Chúng tôi, xin được làm đồng đội, đồng chí của anh.
Bài hát Chiến đấu vì độc lập tự do của nhạc sỹ Phạm Tuyên được Đài Tiếng nói Việt Nam tiến hành thu thanh và phát sóng rộng rãi ngay sau khi sáng tác. Bài hát như một nguồn cổ vũ mạnh mẽ, thúc đẩy tinh thần của chiến sỹ, đồng chí trong cuộc chiến cam go, biết trước sẽ nhiều mất mát.
Nhạc sĩ kể lại: “Bên khuông nhạc, tôi ứa trào nước mắt. Sau đó, nhiều anh em, bạn bè, đồng chí từ mọi miền Tổ quốc đã nhắn gửi đến tôi rằng, nghe xong bài hát, họ có cảm giác muốn được khoác balô lên vai, chắc tay súng hòa vào dòng chiến sỹ hướng về biên cương phía Bắc ngay lập tức. Họ muốn lập tức được lên đường, không cần thêm bất cứ sự chuẩn bị nào…”
Sáng 17-2-1979, khi nghe tin biên giới phía Bắc có quân xâm lược tràn sang, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã trào nước mắt và xúc động viết ca khúc này. Bài hát được mở đầu như sau: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới. Quân xâm lược bành trướng dã man, đã dày xéo mảnh đất tiền phương. Lửa đã cháy và máu đã đổ, trên khắp dải biên cương.”
Ngay ngày 20-2-1979, Chiến đấu vì độc lập tự do đã được dàn hợp xướng của Đài Tiếng nói Việt Nam đưa lên sóng và sau đó nhanh chóng phổ biến khắp cả nước.
Không chỉ có những hành khúc, những sáng tác trong thời kỳ này có nhiều ca khúc rất sâu lắng, thiết tha, những rung cảm của tình yêu lứa đôi đã hòa vào cùng tình yêu đất nước.
Đó là bài hát Chiều biên giới của Trần Chung với những hình ảnh trong sáng vô ngần: “Chiều biên giới em ơi/ Có nơi nào xanh hơn?/Như chồi non cỏ biếc/ Như rừng cây của lá như tình yêu đôi ta .
Em ơi có nơi nào đẹp hơn chiều biên giới khi mùa đào hoa nở…”
Chiều biên giới có thể nói là bản tình ca về cuộc chiến biên giới lãng mạn nhất khi phổ thơ từ thơ của tác giả Lò Ngân Sủn. Bài hát chỉ nói đến vẻ đẹp của biên giới, của nỗi yêu niềm thương tha thiết chứ không kể về bom đạn. Nhưng sức mạnh của bài hát là sức lay động lòng người, hòa tình cảm riêng vào cùng tình yêu tổ quốc thiêng liêng.
Nhạc sĩ Thế Hiển cũng viết ca khúc Hát về anh đã miêu tả hình ảnh những người lính biên cương rất kiên cường nhưng cũng đầy lãng mạn, cảm xúc:
“…Rừng âm u mây núi mênh mông
Ngày nắng cháy, đêm giá lạnh đầy
Rừng mờ sương khuya bóng tối quân thù trước mặt
Nặng tình non sông anh dâng tròn tuổi đời thanh xuân.
Cho em thơ ngủ ngon và vui bước sớm hôm đến trường
Cho yên vui mùa xuân đôi lứa còn hẹn hò ước mơ
Ðã có những hy sinh khó nói hết bằng lời
Nên đọng lại trong tôi những nghĩ suy….”
NSƯT Thế Hiển từng được Trung tâm Kỷ lục Việt Nam xác nhận lập kỷ lục: “Đã sáng tác và đi phục vụ nhiều nhất về lực lượng vũ trang. Nhạc sĩ cùng với cây đàn ghi ta của mình đã đi khắp nơi để hát cùng LLVT. Ông cũng đã nhiều lần đến các nghĩa trang để hát tặng các vong linh liệt sĩ, trong đó bài Hát về anh được cất lên rất nhiều lần.
Những ca khúc viết về giai đoạn gian lao của đất nước khi phải “ngăn bước quân thù phía Nam, phía Bắc” như trong bài hát Đất nước của tác giả (phổ nhạc Trần Minh Tuấn) sẽ mãi đi cùng năm tháng, nhắc nhở cho các thế hệ mai sau không quên lịch sử nước mình.
Một trong những nhà thơ lên tiếng sớm nhất về cuộc chiến là Phạm Tiến Duật. Một ngày sau khi chiến trận nổ ra, ông đã có bài Trận đầu đánh thắng. Bài thơ được viết ngày 18-2-1979:
“Tội ác chúng nghìn xưa ta những muốn quên đi
Nhưng đến hôm nay lại hiện hình dáng cũ
Sự độc ác và hợm hĩnh cổ truyền
Đã dẫn xác đến đây nhờ ta đắp mộ
Để chút danh giá cuối cùng cũng tự vùi chôn
Máu Đại Hán hồi này lại lên cơn huyết áp
Ta đập nát giặc Trung Hoa xâm lược
Cũng một phần vì hoa biên giới mai sau
Đồng đội ơi các anh đánh rất tài
Nếu chúng chưa thật kinh hoàng, hãy cho thêm trận nữa
Đến bằng lửa chúng phải đi bằng lửa
Lần này đến ông đồng chúng cũng chẳng kịp chui”
Nhà thơ Chế Lan Viên là một trong số ít nhà thơ mà bài thơ nào cũng có những câu thơ đắt giá được nhắc đi nhắc lại, được trích dẫn trong rất nhiều bài viết. Ngay sau sự kiện quân thù phía Bắc tràn qua biên giới, ông đã viết ngay bài thơ Thần chiến thắng. Câu thơ “Ôi ta yêu đến đau thương Tổ quốc của mình” trong bài thơ này đã được trích dẫn trong rất nhiều bài văn, bài báo thể hiện sức mạnh của cảm xúc và ngôn từ vô cùng tinh tế của nhà thơ Chế Lan Viên.
“Ôi ta yêu đến đau thương Tổ Quốc của mình.
Mỗi đất nước có một số phận riêng, một cuộc đời riêng, có phải?
Sau bao nhiêu năm, ta thèm sao một giấc ngủ lành
Những cánh tay thèm một mùa gieo vãi
Những hồn thơ mơ biết mấy công trình
Những đôi lứa thèm lượn, si tình ái
Những thề nguyền đòi một ánh trăng thanh
Hạnh phúc ra tro, đôi lứa tan tành!
Cái ta xây cất mười năm, chúng thiêu tàn một buổi!
Tội ác ấy muôn đời không xóa nổi
Nhớ lấy tội chúng mày, lũ bành trướng Bắc Kinh!”
Cảm xúc của sáng tác thơ ca giai đoạn này là chủ nghĩa yêu nước, tôn vinh các anh hùng và căm thù giặc xâm lược. Trong bài thơ Chúng tôi gọi tên anh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết:
Anh Chinh ơi! Chúng tôi gọi tên anh
Khi rừng núi quê ta rùng rùng nổi bão
Khi dựng sắc mũi chông, khi giương cao nòng pháo
Đập nát đầu bọn giặc xâm lăng.
Chúng tôi gọi tên anh
Khi tay đã xiết cò
Những đường đạn căm hờn sáng loà ánh chớp
Như ánh mác, ánh gươm của ông cha bao lần chém giặc
Các chàng trai cô gái của đất nước tôi đã hăng hái lên đường khi mà mới được hưởng hòa bình chưa được bao lâu. Vết thương chiến tranh chưa lành, các thanh niên chưa kịp xây dựng kiến thiết lại quê hương đã vội lên biên giới chống thù. Chợt nhớ những câu thơ của nhà thơ Thanh Thảo viết từ 1977 cho giai đoạn kháng chiến chống Mỹ:
Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình.
(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc).
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?