“Chúng ta đã đến giai đoạn có thể gỡ bỏ thẻ vàng IUU cho Việt Nam. Tuy nhiên, trách nhiệm nằm ở phía các bạn để chứng minh cho thế giới thấy trách nhiệm kiểm soát nguồn lợi thuỷ sản minh bạch và hợp pháp”.
Đó là ý kiến của ông Julien Guerrier, Đại sứ - Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam đưa ra tại cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, ngày 4-4.
Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, gỡ thẻ vàng IUU về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Đây là cơ hội cho ngành khai thác thuỷ sản của Việt Nam chuyển đổi từ nghề cá quy mô nhỏ sang một nghề cá có trách nhiệm.
“Gỡ thẻ vàng IUU không chỉ là yêu cầu cấp thiết của Việt Nam, giúp phát triển ngành nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững mà còn thể hiện trách nhiệm của đất nước, giữ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Đại sứ Julien Guerrier cũng cho biết, tháng 4 này là đợt cao điểm để Việt Nam gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU.
“Việt Nam cần tăng cường khuôn khổ pháp lý ở cấp tỉnh, đồng thời trang bị thiết bị cần thiết để quản lý tàu cá. Chúng ta đã đến giai đoạn để có thể gỡ bỏ thẻ vàng IUU cho Việt Nam. Tuy nhiên trách nhiệm nằm ở phía các bạn để chứng minh cho thế giới thấy trách nhiệm kiểm soát nguồn lợi thủy sản minh bạch và hợp pháp” - Đại sứ EU nhấn mạnh.
Đại sứ Julien Guerrier cũng kỳ vọng Bộ NN&PTNT sẽ có báo cáo đầy đủ về tiến độ đáp ứng các yêu cầu của EU trong chuyến công tác tới đây của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến sang Bỉ làm việc với Ủy ban châu Âu (EC) để chuẩn bị cho chuyến thanh tra tiếp theo của EC.
Trao đổi với PLO, Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng cho biết, kể từ khi bị cảnh báo thẻ vàng đến nay, nghề cá của Việt Nam thay đổi rất nhiều và thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Từ đánh bắt cá với đặc điểm khai thác truyền thống, quy mô nhỏ, số lượng tàu lớn thì đến nay, sau 6 năm, hệ thống quản lý đã cơ bản kiểm soát được số lượng tàu cá và số hóa trên cơ sở dữ liệu quốc gia theo hướng chuyển đổi số. 98% số lượng tàu cá khai thác vùng khơi đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Bây giờ, tàu cá đi đâu về đâu chúng ta đều nắm rõ được.
Công tác kiểm soát nguyên liệu ngay tại các cảng cá và kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu qua các cảng biển đã có chuyển biến mạnh mẽ. Tất cả các nguồn hàng đều được kiểm soát, đáp ứng các yêu cầu pháp lý, hồ sơ để xuất đi thị trường châu Âu và các thị trường khó tính khác. Tần suất hàng bị trả lại rất thấp.
Đáng chú ý, lực lượng thực thi pháp luật trên biển những năm qua đã được tăng cương cả về nhân lực, vật lực, với quy chế hoạt động, phối hợp chặt chẽ. Nhờ đó giám sát, răn đe, góp phần giảm thiểu tối đa các hành vi khai thác bất hợp pháp của bà con ngư dân trên biển.