Ông Nguyễn Tấn Lê, Bí thư Huyện ủy Hàm Tân (Bình Thuận), vừa ký báo cáo kết quả kiểm điểm trách nhiệm theo Công điện 265 ngày 17-4 của Thủ tướng về trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị và cá nhân liên quan còn để tàu cá của địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài.
Bộ đội Biên phòng Bình Thuận kiểm tra tàu xuất bến tại cảng cá La Gi. Ảnh: PN |
Theo đó, có chín cá nhân thực hiện kiểm điểm trách nhiệm theo Công điện của Thủ tướng. Quá trình tổ chức kiểm điểm được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ, tuân thủ đầy đủ các quy định, hướng dẫn.
Cụ thể, ông Hà Lê Thanh Chung, Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân và ông Trác Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách công tác chống khai thác IUU.
Bảy cá nhân khác gồm Trưởng phòng NN&PTNT huyện, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, Bí thư Đảng ủy xã Tân Xuân, Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Tân Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Xuân và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Xuân.
Qúa trình kiểm điểm, các cá nhân liên quan đã nhận thức sâu sắc về vụ việc tàu cá trên địa bàn xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân vi phạm khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài, bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ 14-1-2023.
Một góc cảng cá La Gi. Ảnh: PN |
Đối với kiểm điểm trách nhiệm Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tân Thắng, theo giải trình thì con người, phương tiện tàu thuyền vi phạm là của xã Tân Xuân. Đây là xã nội địa không nằm trong phạm vi quản lý khu vực biên giới biển của Đồn Biên phòng Tân Thắng. Do vậy, kiến nghị không thực hiện kiểm điểm trách nhiệm đối với đơn vị này.
Ngày 2-2-2023, Cục Kiểm ngư thuộc Bộ NN&PTNT có Công văn gửi tỉnh Bình Thuận đề nghị xác minh tàu cá mang số hiệu BTh-96328-TS bị Malaysia bắt giữ.
Qua xác minh của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, tàu cá BTh-96328-TS, chiều dài 14,85 m, công suất 290 Kw, hoạt động nghề câu, chủ tàu là bà Trần Thị Ngọc Linh, trú xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Bộ đội biên phòng Bình Thuận trực tiếp lên tàu cá tuyên truyền cho ngư dân. Ảnh PN. |
Tàu này thường xuyên hoạt động, lưu trú tại các tỉnh Tây Nam Bộ và xuất bến tại Gành Hào, Bạc Liêu vào ngày 5-1-2023, với bảy lao động do Nguyễn Quý Phi (con bà Linh) làm thuyền trưởng.
Đến ngày 13-1, tàu mất liên lạc và bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ một ngày sau đó. Thời điểm xuất bến tại Gành Hào, Bạc Liêu, tàu hết hạn đăng kiểm, không đủ điều kiện hoạt động trên biển.
Như PLO đã đưa tin, ngày 17-4, Thủ tướng có Công điện 265 phê bình tỉnh Bình Thuận cùng ba tỉnh khác là Bình Định, Khánh Hòa và Kiên Giang còn để tàu cá của địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài.
Thủ tướng yêu cầu các tỉnh tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị có liên quan, báo cáo Thủ tướng.