Để “công trường sa tặc” hoạt động rầm rập bất kể ngày đêm, lễ, Tết thì có hàng chục người làm nhiệm vụ cảnh giới, thậm chí bảo kê cho hoạt động này.
Trong những ngày về xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân thu thập tư liệu cho tuyến bài này, chúng tôi ngạc nhiên với số lượng bảo kê, cảnh giới dày đặc.
Chủ yếu canh công an và nhà báo
Sáng 16-2, chúng tôi vào một quán cà phê đối diện đường dẫn vào bãi cát của ông Ch. Bên trong quán, ngoài PV thì có chín người đang nằm võng, ngồi uống nước và theo tìm hiểu của chúng tôi, họ đều là người cảnh giới cho ông Ch và nhóm khai thác thuê cho ông.
Một người dân ở xã Sơn Mỹ cho hay ông Ch có hàng chục đàn em và trung bình một máy cày hút cát thì có hai người làm nhiệm vụ cảnh giới.
Cùng với quán cà phê trước đường dẫn vào bãi, tất cả con đường dân sinh khác trong khu vực đều có người canh. “Chỉ cần có bóng dáng của công an, dân phòng hay nghi ngờ nhà báo xuất hiện là những người khai thác cát đưa máy móc bên trong “công trường” lập tức tẩu tán, chạy trốn mất hút” - người này nói thêm.
Sáng 18-2, trong vai người đi quay YouTube, chúng tôi đi xuyên qua các vườn tràm, khoai mì để đến những con đường dẫn vào “công trường sa tặc” ở xã Sơn Mỹ.
Qua khỏi đường điện cao thế chạy ngang một vườn tràm lớn dẫn đến con đường chở cát từ các hầm về bãi chứa, có bốn người đàn ông khoảng 30-40 tuổi áp sát. Người cầm đầu nhóm này tên Kết hỏi tôi:
“Em làm gì ở đây?”. Chúng tôi trả lời: “Em đang quay thử thách 24 giờ của YouTube. Còn mấy anh làm gì ở đây?”. “Chú đi canh người” - ông Kết nói.
Sau khi chặn chúng tôi, người tên Bi gọi điện thoại và ngay lập tức có thêm 10 người chạy xe máy đến vây quanh, cho người lái máy cày đến chắn trước đầu xe của chúng tôi.
Trong khi tôi nói chuyện với ông Kết thì hai thanh niên đứng sát nhìn vào điện thoại chúng tôi đang cầm trên tay, tỏ ý muốn kiểm tra đã quay những gì nên chúng tôi mở thư viện ảnh và sau khi xem lướt qua, hai người này rời đi.
Tôi hỏi ông Kết: “Em đi quay lòng vòng khu vực mỏ cát trước mặt được không?”. Ông Kết nói: “Mỏ này của tư nhân, không cho quay phim, chụp ảnh”. “Chú làm cho ai vậy chú?” - tôi hỏi và ông Kết trả lời: “Chú làm cho em họ tên Ch”.
Khi chúng tôi hỏi lý do phải đi canh người thì ông Kết nói: “Ở đây chú sợ nhà báo với công an xã. Tại đã nhiều lần bị bắt”.
Nói xong, ông giăng võng nằm trước đường ra vào khu vực khai thác cát của ông Ch.
Một lúc sau, chúng tôi lấy lý do ở lại gây phiền phức cho mọi người nên nhờ ông Kết đưa đi chỗ khác, ông liền lấy xe máy đưa chúng tôi đến một con đường lớn, chỉ hướng ra Quốc lộ 55 rồi thả chúng tôi xuống và rời đi.
Dùng máy cày cỡ lớn chặn xe phóng viên
Sau khi ông Kết rời đi, chúng tôi băng ngang qua nhiều vườn tràm, tiếp cận một loạt hầm cát để ghi hình.
Những gì chúng tôi quay lại là nhiều mảnh vườn tan hoang, sâu hàng chục mét, có những mảnh vườn bị biến thành những cái ao khổng lồ do những người hút cát tạo thành. Trong các hầm cát vẫn còn các thiết bị bơm hút, máy phát điện, bình nước, ống nước và hàng ngàn khối cát đã đào hút chất thành từng đống chờ xe xúc lật đưa lên máy cày chở về bãi.
Đáng nói là những hầm cát này nối tiếp nhau và chỉ cách bãi chứa cát của ông Ch trong phạm vi bán kính 500 m.
Sáng 19-2, sau khi ghi hình hàng loạt xe ben chở cát từ “công trường cát tặc” của ông Ch ở thôn 2, xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân về xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, chúng tôi đến mảnh vườn của một người dân nằm khuất bên trong Quốc lộ 55, cách “công trường” của ông Ch khoảng 500 m để tiếp tục ghi hình.
Khi vừa chuẩn bị máy quay, một người đàn ông tên Bi, dáng người to con, mặc quần lửng jean, áo thun, chạy xe máy biển số 85B5-333.52 lao đến.
Người này hỏi PV: “Mày quay gì ở đây?” rồi tiến lại định giật máy ghi hình.
Sau khi bị phản ứng và không lấy được máy, người này liền gọi điện thoại cho ai đó: “Cho nhiều người tới đây”.
Lúc này chúng tôi lên xe định rời đi thì người này dùng xe máy chặn ngay trước đầu xe của chúng tôi. Cùng lúc có thêm 10 người cùng chạy xe máy đến vây quanh.
Người đàn ông tên Bi còn gọi thêm hai thanh niên lái chiếc máy cày cỡ lớn đến chắn giữa đường, trước đầu xe của chúng tôi.
Chúng tôi đã báo về tòa soạn và với sự hỗ trợ từ tòa soạn, PV địa bàn, sau khoảng 30 phút bị 12 người bao vây chặn xe giữa vườn tràm, Công an xã Sơn Mỹ đã đến giải vây cho chúng tôi...•
Giải quyết dứt điểm trước ngày 10-3
Công an tỉnh thông tin về “công trường sa tặc” ở Bình Thuận.
Ngày 28-2, ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận, đã ký công văn gửi Sở TN&MT, Công an tỉnh Bình Thuận và UBND huyện Hàm Tân yêu cầu kiểm tra, giải quyết thông tin phản ánh khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.
Theo đó, ngày 26-2, báo Pháp Luật TP.HCM có bài viết ““Công trường sa tặc” trong rừng ở Bình Thuận”, phản ánh những ngày cận và trong Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, “công trường sa tặc” ở xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, Bình Thuận vẫn rầm rập khai thác.
UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, UBND huyện Hàm Tân và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh giải quyết dứt điểm nội dung phản ánh của báo Pháp Luật TP.HCM. Kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10-3.
Được biết trước đó vào ngày 2-8-2023, ông Phan Văn Đăng đã trực tiếp đi kiểm tra tình hình khai thác khoáng sản trái phép tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân theo đơn phản ánh của tập thể người dân xã Sơn Mỹ.
Qua kiểm tra thực tế, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu huyện Hàm Tân phải chấn chỉnh ngay công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn. Đối với tình trạng mua bán quyền sử dụng đất để khai thác cát trái phép, lãnh đạo tỉnh yêu cầu chính quyền địa phương phải làm việc với các cá nhân có liên quan.
Đến ngày 16-8-2023, Văn phòng UBND tỉnh đã có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đăng sau buổi kiểm tra thực tế.
Theo đó, tỉnh yêu cầu UBND huyện Hàm Tân khẩn trương xác minh, làm rõ chủ sử dụng đất, đối tượng khai thác khoáng sản trái phép tại địa bàn xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân… để xử lý nghiêm theo quy định (kể cả thu hồi đất của chủ sử dụng đất tại khu vực khai thác khoáng sản trái phép). Đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành có liên quan đã để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép quy mô, diện tích lớn trong thời gian qua.
. Liên quan đến “công trường sa tặc”, chiều 28-2, tại cuộc họp giao ban báo chí hằng tháng định kỳ, Đại tá Huỳnh Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, cho hay: Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu phối hợp với Công an huyện Hàm Tân và các đơn vị chức năng nắm bắt tình hình và sẽ sớm có báo cáo vụ này.
Theo báo cáo ban đầu của Công an tỉnh Bình Thuận, qua kiểm tra, xác minh thì ông Ch (ngụ xã Sơn Mỹ, theo nội dung báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh) có khả năng là ông Nguyễn Hữu Chính (thường trú thôn 3, xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân). Ông này đã từng bị Công an huyện Hàm Tân xử phạt về hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Kiểm tra bãi tập kết của ông Chính, xác định đang chứa khoảng 180 m³ cát bồi nền (UBND xã đã kiểm tra, có hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật). Khu vực xung quanh bãi tập kết của ông Chính, ghi nhận tại bốn vị trí đang chứa khoảng 2.225 m³ cát bồi nền.
Lực lượng chức năng tiếp tục mở rộng kiểm tra sâu vào khu vực các rừng tràm cách bãi tập kết của ông Chính khoảng 2 km phát hiện hai vị trí có dấu tác động mới của các phương tiện vào khai thác với diện tích bị tác động khoảng 15x5x1,8 m và 30x20x1,5 m.
Công an tỉnh Bình Thuận cho biết sẽ tiếp tục bố trí lực lượng theo dõi, nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm về khoáng sản tại các khu vực trên... PHƯƠNG NAM