Theo thông tin từ 2 nhà đầu tư Viettel và VNPT, tuyến cáp quang mới mang tên APG (Asia Pacific Gateway) được khởi công tháng 5/2009, dự kiến đưa vào vận hành từ 2016 nối Singapore, Malaysia, qua Đà Nẵng (Việt Nam) tới Nhật Bản sẽ là tuyến cáp có thể thay thế cho AAG với băng thông gần 3Tb/s hiện nay.
Với lưu lượng dự kiến truyền tải 54 Tb/s với tổng chiều dài 10.400 km, gấp nhiều lần so với AAG sẽ giúp Việt Nam có được tốc độ và đường truyền ổn định hơn trong trường hợp AAG có sự cố. APG hiện có các đối tác NTT Docomo (Nhật), và China Telecom, China Unicom (Trung Quốc) cùng đầu tư.
Bên cạnh APG, Viettel cho biết cũng đang đầu tư vào tuyến cáp quang biển AAE1 (Asia Africa Euro 1), tổng chiều dài 25.000 km, nối Việt Nam và các nước châu Á đến châu Âu, châu Phi. Tuyến cáp này cũng dự kiến đi vào hoạt động từ 2016. Viettel là doanh nghiệp viễn thông Việt Nam duy nhất tham gia vào AAE1.
Được biết, trong đợt bảo trì dự kiến hoàn thành vào 17/06 tới, Viettel đã bổ sung thêm dung lượng 30 Gb/s, trong đó 20 Gb/s phục vụ kết nối trên hướng quốc tế đi qua cáp quang biển Liên Á (IA) và 10 Gb/s trên hướng đất liền đi qua China Telecom và China Unicom.
Trong khi đó, theo FPT Telecom, đơn vị này đã sử dụng các tuyến cáp đất liền để chuyển tiếp lưu lượng, đồng thời bổ sung dung lượng kết nối quốc tế thêm 50 Gbps.