Hơn 100 luật phải sửa để phục vụ cách mạng tinh gọn bộ máy

(PLO)- Rà soát, tham mưu sửa đổi pháp luật phục vụ cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy là nhiệm vụ quan trọng của Bộ Tư pháp trong những ngày tới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp 2025 do Bộ Tư pháp tổ chức sáng nay, 17-12, một khối lượng công việc, nhiệm vụ rất lớn đã được nêu ra. Trong đó, Bộ Tư pháp và ngành tư pháp sẽ có trách nhiệm nhiều trong tham mưu sửa đổi, bổ sung pháp luật phục vụ cho cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy.

Tinh gọn bộ máy Nguyen Khanh Ngoc TTg Bo TP.jpg
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc quán triệt kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp.

Quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm

Mở đầu hội nghị tổ chức trực tuyến tới tất cả 63 tỉnh thành, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã quán triệt kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, vào dịp Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11.

Theo đó, Tổng Bí thư đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác hoàn thiện thể chế. Đó là một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ, hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao.

Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi. Nhiều quy định còn chồng chéo, chưa rõ ràng, rườm rà, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực. Chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn lực trong dân.

Tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu. Chưa nhận diện và phản ứng chính sách kịp thời, nhất là trước những vấn đề mới. Và đáng chú ý, theo Tổng Bí thư, dấu hiệu bị tác động, “lợi ích nhóm” trong quá trình xây dựng pháp luật là “đáng lo ngại, gây ra thiệt hại, thậm chí tạo khúc quanh đối với phát triển”.

Trong cuộc làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật với 3 bảo đảm: (i) Bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi, hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao “năng suất và chất lượng” xây dựng pháp luật; (ii) Bảo đảm đánh giá tác động chính sách thực chất; (iii) Bảo đảm thực hiện cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu sự tác động, khi thiết kế chính sách và pháp luật thì không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Trước các yêu cầu mới này, Tổng Bí thư thống nhất đưa vào Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2025 nội dung ban hành một chỉ thị riêng về đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật.

“Đây sẽ là một nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tư pháp thời gian tới” – Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết.

Tinh gọn bộ máy, cả trăm luật phải sửa

Dự hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết việc sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng là một nhiệm vụ quan trọng của Ủy ban Pháp luật trong thời gian tới và cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng với Bộ Tư pháp – cơ quan gác cổng của Chính phủ về xây dựng pháp luật.

Ông cũng cho biết trước các yêu rất mới, Thường trực Ủy ban Pháp luật đang được lãnh đạo Quốc hội giao tham mưu, chuẩn bị tổ chức diễn đàn pháp luật về chủ đề đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật. Đây cũng là nhiệm vụ chung mà Bộ Tư pháp đang ưu tiên.

Còn về nhiệm vụ trước mắt, hai cơ quan đang phải phối hợp, trao đổi để tham mưu về giải pháp pháp lý phục vụ cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang triển khai một cách quyết liệt.

Bước đầu, Bộ Tư pháp đã xác định có khoảng 150 luật ghi tên cụ thể các Bộ. Tức là khi kết thúc hoạt động, sáp nhập các bộ với dự kiến giảm 5 bộ, 5 cơ quan trực thuộc Chính phủ, giảm 12/13 tổng cục và tương đương, thì sẽ phải xử lý về mặt pháp lý tên các cơ quan này trong các đạo luật.

“Cũng có ý kiến là dùng một luật sửa nhiều luật, nhưng chúng tôi thấy khó đảm bảo. Vậy nên đang nghiêng về phương án trước mắt trình Quốc hội ban hành nghị quyết để xử lý tên các bộ (sau khi sáp nhập). Các luật sẽ có thời gian để rà soát, xử lý kỹ càng, chặt chẽ, khoa học”.

Với các yêu cầu rất cao về tiến độ, quá trình pháp lý này sẽ triển khai theo tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng, không đợi tổng kết. Có thể Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội “2 trong 1”, tức là vừa trình bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các luật, nghị quyết cần sửa, cần ban hành; vừa trình nội dung dự thảo.

Theo cách ấy, trước 25-1 Chính phủ phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước một bước. Trung tuần tháng 2, sau khi BCH Trung ương họp thống nhất triển khai thì các cơ quan sẽ tiếp tục hoàn thiện, kịp cuối tháng 2 trình Quốc hội kỳ họp bất thường quyết định.

Hoang Thanh Tung UBPL.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Bộ Tư pháp thực hiện tốt hơn vai trò gác cổng của Chính phủ về pháp luật.

Khó mấy cũng phải làm...

Bộ Tư pháp cho biết nhiệm vụ năm 2025 là rất nặng nề. Bên cạnh việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, tinh gọn tổ chức bộ máy của chính mình với tinh thần "không làm không được, khó mấy cũng phải làm", "gác lại lợi ích riêng, vì lợi ích chung", Bộ sẽ phải tham mưu Chính phủ sửa đổi nhiều luật quan trọng.

Quan trọng nhất, cũng khó nhất là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sẽ phải trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp 9 với yêu cầu rất cao.

Cụ thể, phải đáp ứng yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Luật mới phải cải tiến quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chuyên nghiệp hơn, khoa học hơn, gắn kết chặt chẽ với thi hành pháp luật. Qua đó, bảo đảm sức sống của pháp luật thay vì thường xuyên phải sửa đổi.

Cũng trong năm tới, Bộ Tư pháp còn phải chủ trì tham mưu sửa đổi các luật thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của mình, như Luật Thi hành án dân sự, Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Luật Giám định tư pháp.

Đặc biệt, Bộ cũng phải phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các bộ, ngành liên quan để xây dựng các văn bản pháp luật phục vụ việc sắp xếp tổ chức, bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tạo hành lang pháp lý để hệ thống chính trị “tinh, gọn, mạnh”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm