Thị xã Nghi Sơn (trước là huyện Tĩnh Gia), tỉnh Thanh Hóa, từng là một vùng đất khô, cằn cỗi, đời sống của người dân vốn dĩ nghèo khó sống chủ yếu nương nhờ vào nghề làm nông nghiệp. Tuy nhiên từ khi Dự án Liên hợp lọc hóa dầu (LHLHD) Nghi Sơn đi vào hoạt động đã làm “thay da, đổi thịt” cả một vùng quê nghèo nơi đây.
Từ nông dân trở thành công nhân
Xã Hải Yến là xã bãi ngang nằm gần trọn trong diện tích của Dự án LHLHD Nghi Sơn. Trước khi dự án được triển khai xây dựng, người dân xã Hải Yến quanh năm vất vả với nghề đi biển, làm ruộng.
Đến năm 2008, LHLHD Nghi Sơn do Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn làm chủ đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Để thực hiện được dự án trên phải di dời tái định cư 1.700 hộ dân, trong đó xã Hải Yến là 1.350 hộ (việc di dời được chia làm hai đợt, đợt 1 năm 2009 là 690 hộ, đợt hai diễn ra vào năm 2014 với 660 hộ).
Thời điểm bấy giờ, để vận động di dời được các hộ dân trên các cấp chính quyền xác định như một “cuộc cách mạng”, bởi đây vốn là mảnh đất “chôn nhau, cắt rốn” của cha ông họ bao đời nay. Tuy nhiên khi triển khai tới người dân thì đều được bà con ủng hộ.
Khu Liên hợp hóa lọc dầu Nghi Sơn góp phần thay đổi cả một vùng quê thị xã Nghi Sơn. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Bà Lê Thị Trường (83 tuổi, thôn Nam Yến, xã Hải Yến), cho biết trước kia dân Hải Yến lam lũ, phần lớn gắn với ruộng đồng và nghề đi biển, quanh năm vất vả không đủ ăn. Từ khi nhường đất cho LHLHD Nghi Sơn lên khu tái định cư mới, cuộc sống người dân đã có nhiều đổi thay.
“Nhà tôi có hai người con, tất cả đều đã ra ở riêng. Sau khi lên khu tái định cư mới các con tôi đã đi làm công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp” - bà Trường kể.
Theo người dân địa phương, trước đây có câu “Nhất Gia, Nhì Xương” - ý muốn nói tới sự nghèo khó của hai huyện vùng ven biển ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa là Tĩnh Gia (nay là Nghi Sơn) và Quảng Xương. Thế nhưng, hôm nay Nghi Sơn đã thực sự phát triển, mang dáng vóc của một thành phố biển hiện đại, trù phú bậc nhất phía Nam tỉnh Thanh Hóa với nhiều thế mạnh riêng.
Bà Nguyễn Thị Trường (83 tuổi, xã Hải Yến, thị xã Nghi Sơn) chứng kiến sự thay đổi của một vùng quê nghèo. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Hải Yến, cho biết hiện nay công dân trong độ tuổi lao động làm việc ổn định tại các công ty, dự án đóng trên địa bàn thị xã; nhân dân buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ tại các hộ gia đình thường xuyên giải quyết việc làm cho hơn 1.430 lao động, thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Dự án thay đổi cả vùng quê nghèo "Nhất Gia"
Phó Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa Bùi Tuấn Tự cho hay dự án LHLHD Nghi Sơn được khởi công ngày 23-10-2013, là công trình trọng điểm quốc gia, có quy mô xây dựng và tổng mức đầu tư hơn 9 tỉ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm.
Sau khi đi vào hoạt động, nhà máy đã góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng 40% nhu cầu xăng dầu trong nước, cùng đó tạo công ăn việc làm cho hơn 1.200 lao động.
Năm 2021, Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn nộp ngân sách nhà nước hơn 16.000 tỉ đồng (trong đó LHLHD Nghi Sơn là hơn 13,4 nghìn tỉ đồng). Đặc biệt, chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 2022, KKT Nghi Sơn nộp ngân sách nhà nước hơn 11,6 nghìn tỉ đồng (LHLHD Nghi Sơn đóng góp gần 9,8 nghìn tỉ).
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho biết ngay từ những ngày đầu, Thanh Hóa đã xác định được tầm chiến lược quan trọng của KKT Nghi Sơn và hạt nhân là LHLHD Nghi Sơn. Chính vì vậy, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư vào nơi đây.
Cảng nước sâu thị xã Nghi Sơn. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Đáng chú ý, sau khi đưa Cảng Hàng không Thọ Xuân vào khai thác dân dụng, Thanh Hóa đã trở thành một trong số ít địa phương có hệ thống giao thông toàn diện, đầy đủ các loại hình đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Cùng đó là đầu tư xây dựng tuyến đường từ KKT Nghi Sơn đi sân bay Thọ Xuân, dài khoảng 60 km.
Như vậy, chỉ riêng khu vực KKT Nghi Sơn, hệ thống giao thông kết nối đã hoàn thiện, tạo thuận lợi rất lớn cho các nhà đầu tư.
Ngoài ra, với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, các dự án đầu tư vào KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa nói chung, dự án LHLHD Nghi Sơn nói riêng, được hưởng các ưu đãi vượt trội về đất đai, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp...
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng khẳng định tốc độ phát triển kinh tế nhanh, bền vững là tiền đề quan trọng sớm đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới của phía Bắc. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Theo Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, tính đến ngày 10-12-2022, thu ngân sách nhà nước của tỉnh đạt cao nhất từ trước đến nay, ước đạt 48.820 tỉ đồng. Trong đó thu nội địa ước đạt 30.150 tỉ đồng và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 18.670 tỉ đồng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra và đứng thứ 7 cả nước.
"Đây cũng là tiền đề để Thanh Hóa từng bước sớm trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc” - ông Hưng nhấn mạnh.