SEO (Search Engine Optimization) nói nôm na thì đây là việc tối ưu hóa bộ máy tìm kiếm, nghĩa là bạn sẽ phải phân tích hoạt động và thuật toán của Google để cải thiện thứ hạng website khi người dùng tìm kiếm từ khóa.
Việc nhờ đến các dịch vụ SEO bên ngoài thường sẽ có hai mặt, nếu họ làm ăn tốt và sử dụng các phương pháp tối ưu đúng đắn và hợp pháp thì website của bạn sẽ lên đều đặn. Ngược lại, nếu họ sẽ bất chấp thủ đoạn và lạm dụng các công cụ để đăng bài có nội dung trùng lắp lên khắp các diễn đàn, không đúng chuyên mục, nếu nhẹ thì bị ban nick dẫn đến việc mất link, hoặc khi hết hợp đồng, họ cũng sẽ gỡ các link trước đó đã mua trên báo xuống và website của bạn sẽ bị tuột dốc thảm hại. Do đó, để có thể kiểm soát mọi thứ thì bạn hãy tự tay SEO website của mình, mặc dù chậm nhưng chắc chắn hơn.
Nếu tự làm SEO thì không nên chọn các từ khóa có giá cao vì mua và cạnh tranh không nổi. Ảnh: TM
Theo các ý kiến của chuyên gia thì việc SEO một website thường phải trải qua khoảng sáu bước là nghiên cứu từ khóa, nghiên cứu đối thủ, tối ưu hóa cấu trúc website (SEO onpage), SEO offpage, quảng cáo website và đánh giá hiệu quả. Việc nghiên cứu từ khóa vô cùng quan trọng, bởi nó sẽ giúp người khác có thể tìm ra bài viết của bạn nhanh hơn, cũng như xác định được khách hàng tiềm năng (nếu là trang web mua bán), nên chọn các từ khóa có giá đấu thầu thấp và mức cạnh tranh không cao để dễ SEO hơn. Khi đã tìm được từ khóa, bạn hãy xác định các đối thủ trong top 10 tìm kiếm trên Google. Sau đó phân tích giao diện trang web của họ xem có thân thiện với người dùng hay không, tìm hiểu các fanpage và độ phủ của họ trên mạng xã hội, xem cách họ đặt quảng cáo sao cho thu hút để học hỏi. Như đã nói ở trên, việc viết nội dung thật tốt chỉ là một phần nhỏ trong quy trình tối ưu hóa cấu trúc website (SEO onpage). Hãy cố gắng đặt tiêu đề bài viết có chứa từ khóa, tóm tắt nội dung và đưa từ khóa vào bài một cách thật tự nhiên, thêm hình ảnh cũng như in đậm các từ khóa trong bài viết để tăng sự nổi bật. Tất nhiên, bạn cũng đừng quên chèn thêm các link bài viết có liên quan vào những từ khóa trong bài hiện tại, nên sử dụng các liên kết thân thiện đơn cử như http://abc.com/tu-khoa-can-seo.html, tránh xài các ký tự đặc biệt. Tiếp theo là SEO offpage, nghĩa là bạn phải lựa chọn các bài viết thật tốt và đi đăng ở nhiều diễn đàn khác, lưu ý là cần phải lựa chọn các diễn đàn có chủ đề liên quan, nghĩa là nếu bạn muốn quảng cáo các bài viết về công nghệ thì phải đăng lên các diễn đàn công nghệ chứ không thể đăng trên các diễn đàn buôn bán xe cộ, quần áo, rao vặt… Ngoài ra, nếu có chút dư dả về tài chính và muốn từ khóa hoặc trang web mau lên top, bạn có thể đi mua banner ở các trang báo, mua text link trên các website lớn có cùng chủ đề, chạy quảng cáo trên Google... Cuối cùng là luôn phải theo dõi thứ hạng của trang web, tận dụng Google Analytics để phân tích thời gian mà người dùng dừng lại để xem bài viết, xem họ có chuyển qua các bài liên quan hay không, qua đó bạn có thể quyết định là nên SEO tiếp từ khóa đó hoặc chuyển sang một từ khóa khác tốt hơn.
Anh Đặng Lê Nam - CEO Học Web
Theo anh Đặng Lê Nam - CEO Học Web cho biết: “Không nên bỏ một cục tiền để đưa website lên top liền, bởi SEO là cả một quá trình dài, quan trọng nhất vẫn là sản phẩm và nội dung tốt, điều này sẽ khiến cho người khác tự động chia sẻ bài viết của bạn bởi chất lượng bao giờ cũng quan trọng hơn số lượng. Hãy làm SEO như chính hơi thở của mình, đừng thực hiện mọi thứ quá máy móc và không ngừng học hỏi các giải pháp hay của người khác.”
Mỗi trường đào tạo SEO, mỗi dịch vụ làm SEO cũng như mỗi người đều có một cách làm SEO riêng, do đó phải tùy thuộc vào mục đích của bạn mà chọn ra một giải pháp phù hợp nhất. Không có cách nào hay hơn cách nào, quan trọng là biết tận dụng và thực hiện đúng cách. |