Nhiều địa phương vẫn xem Internet là nhạy cảm, xem quy hoạch các điểm Internet như karaoke. Ảnh: TK
Nghị định 97 đã thúc đẩy sự phát triển Internet
Ngày 25/10, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị tổng kết Nghị định số 97/2008/NĐ-CP và triển khai xây dựng nghị định mới về Internet, nhằm tạo ra hành lang pháp lý cụ thể để đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển Internet.
Theo bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), từ khi Nghị định 97 ra đời đã góp phần phát huy nội lực, thúc đẩy cạnh tranh và cho phép mọi thành phần kinh tế tham gia cung cấp hầu hết các loại hình dịch vụ Internet. Sau 3 năm triển khai Nghị định 97/2008, số lượng các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ Internet được cấp phép đã tăng hơn 5 lần, tương đương gần 100 DN; băng thông quốc tế tăng 9 lần và băng thông trong nước tăng 8 lần. Việt Nam được xếp vào 1 trong 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất trên thế giới. Đặc biệt ngành viễn thông, Internet vẫn thực hiện tốt vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta.
Tính đến tháng 9/2011, 7 ISP trong nước đã trực tiếp kết nối Internet quốc tế; 101 DN lĩnh vực mạng và dịch vụ Internet được cấp phép; 36.295 đại lý Internet; có 230.900 tên miền có đuôi mở rộng .vn đã được đăng ký; có 15,5 triệu địa chỉ IPv4 (đứng thứ 2 ở Đông Nam Á và thứ 23 toàn cầu). Về phát triển nội dung thông tin điện tử (TTĐT), đến nay đã có 851 trang TTĐT tổng hợp được cấp phép; Cơ quan chức năng đã phê duyệt 93 trò chơi trực tuyến (game online) và có 130 mạng xã hội đã được đăng ký, trong đó có các mạng lớn như: ZingMe (5,1 triệu thành viên), Yume (2,9 triệu thành viên)…
Nghị định mới sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Bên cạnh việc phát triển không ngừng của Internet, những lợi ích không thể phủ nhận của nội dung các trang TTĐT, mạng Internet vẫn tồn tại những bất cập gây ảnh hưởng xấu đến lối sống, nhân cách của con người. Đó là việc các trang tin không tuân thủ theo những điều khoản trong Nghị định, đưa tin một cách tiêu cực, lợi dụng trang tin để nói xấu cá nhân hoặc tổ chức; hay vấn đề đang gây bức xúc nhất hiện nay là việc một số người nghiện game đến mức bắt chước các hành vi xấu trên game, gây ra những hệ quả khó lường cho xã hội. Cùng với đó, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng những khó khăn trong quản lý tên miền quốc tế để đăng ký thành lập website, tuyên truyền những nội dung xấu (theo thống kê của Bộ Công an, trong số các website vi phạm có đến 95% website có tên miền quốc tế).
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, thế giới ảo (Internet) quan trọng không kém thế giới thực. Thế giới này có tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội, có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau nhưng hiện chỉ có ngành CNTT quản lý và phát triển, vì thế vẫn còn khá nhiều bất cập chưa được giải quyết dứt điểm. Để xử lý triệt để những bất cập trong lĩnh vực Internet, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành và địa phương. Đồng thời, việc soạn thảo và ban hành Nghị định phải song song với các Thông tư, văn bản hướng dẫn xử lý cụ thể để luật sớm đi vào cuộc sống.
Thống nhất với quan điểm của Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà, đại diện Tập đoàn VNPT còn đưa ra đề xuất, ngoài việc ban hành các Thông tư, văn bản hướng dẫn song song, Nghị định mới cũng nên tiếp thu các ý kiến đóng góp từ các bộ ngành liên quan trong quá trình soạn Dự thảo, để khi Nghị định được ban hành sẽ trở nên đồng bộ hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thay vì chỉ cạnh tranh cũng nên phối hợp với nhau để quản lý các dịch vụ Internet ngày một tốt hơn.
Nhìn nhận thực tế về quản Internet, ông Lê Mạnh Hà chia sẻ, "Địa phương có vai trò quan trọng, nên có kiểm tra xử lý, tăng cường công tác tuyên truyền mặt tích cực Internet, hướng dẫn sử dụng internet sạch, đừng xem Internet là ngành nghề nhạy cảm, quản lý như quản lý karaoke. Nhiều địa phương xem là nhạy cảm, xem quy hoạch các điểm Internet như karaoke là không đúng"
hiện một số đơn vị truyền thông đang lái vấn đề quản lý dịch vụ Internet theo quan điểm “không quản được thì cấm” khiến nhiều địa phương vẫn xem lĩnh vực Internet như là lĩnh vực nhạy cảm hay như kiểu một tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, thực tế chỉ nên cấm những nội dung xấu như: hành vi bạo lực, sex trong game; các trang tin điện tử có nội dung đồi truỵ… Còn những mặt tích cực của Internet thì rất cần được tuyên truyền để thúc đẩy phát triển hơn nữa.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, quan điểm quản lý lâu nay vẫn là xây dựng một hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể để việc quản lý theo kịp với yêu cầu phát triển của Internet. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận thực tế là không có một nghị định, siêu luật nào có thể quản lý hết toàn bộ thế giới Internet mà chỉ mới cập nhật những vấn đề nổi cộm đang gặp phải. Tuỳ vào tình hình thực tế, Nghị định sẽ có sự điều chỉnh, bổ sung bằng các thông tư, văn bản cụ thể cho từng mảng, từng lĩnh vực liên quan đến Internet.
Theo Khôi Nguyên (ICTnews)