Ngay sau làn sóng kêu gọi ủng hộ việc tẩy chay quảng cáo trên Facebook có tên #StopHateForProfit (Ngừng gieo rắc thù hận vì lợi nhuận), Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Facebook, đã nhanh chóng có buổi hỏi đáp trực tuyến tại trang cá nhân của ông, vào ngày 27-6 vừa qua.
Dù không trực tiếp nhắc đến làn sóng tẩy chay trên nhưng Mark Zuckerberg cho biết công ty này sẽ cam kết kiểm duyệt nội dung, gắn nhãn bài đăng có nội dung thù địch, phân biệt chủng tộc.
Mark thậm chí còn khẳng định: "Không có bất kỳ ngoại lệ nào đối với các chính trị gia trong bất kỳ chính sách nào mà tôi vừa công bố ngày hôm nay".
Động thái này được coi là sự thay đổi lớn đối với Facebook vì từ trước đến nay mạng xã hội này luôn cho rằng họ chỉ là đơn vị trung gian truyền tải thông tin và sẽ không phải chịu trách nhiệm cho những gì bên thứ ba đăng tải.
Ông cũng cam kết thực hiện nhiều biện pháp hơn để bảo vệ bổ sung nhằm ngăn chặn hành vi đánh lừa cử tri và bảo vệ người nhập cư, người tị nạn khi loại bỏ các quảng cáo thể hiện sự khinh miệt hoặc những ngôn từ có thể gây tổn thương.
Tuy nhiên những nỗ lực này của Facebook dường như là chưa đủ. Mạng xã hội này vẫn vấp phải những sự thất vọng đến từ nhiều phía. Rashad Robinson, chủ tịch của nhóm dân quyền Color of Change, một trong những nhà tổ chức chiến dịch tẩy chay Facebook, cho biết: "Bài phát biểu của Zuckerberg là 11 phút lãng phí cơ hội để cam kết thay đổi". Ông không đánh giá cao cách giải quyết của Zuckerberg. Trên Twitter, ông viết: "Nếu đây là phản hồi mà anh ta gửi đến các nhà quảng cáo lớn đang rút hàng triệu USD từ công ty, chúng ta không thể tin năng lực lãnh đạo của anh ta".
Chiến dịch tẩy chay Facebook được phát động bởi sáu tổ chức gồm Hiệp hội Quốc gia vì sự tiến bộ của Người da màu (NAACP), Anti-Defamation League (ADL), Tổ chức Sleeping Giants, Tổ chức phi lợi nhuận Color of Change, Common Sense và Nhóm vận động Free Press.
Chiến dịch này bùng phát mạnh mẽ từ sau cái chết của người đàn ông da đen George Floyd, khi bị cảnh sát khống chế. Dư luận đã yêu cầu Facebook phải ngăn chặn các hành động hay phát ngôn mang tính thù địch hay chứa các thông tin sai lệch xuất hiện trên bảng tin của nền tảng này.
Hoạt động này diễn ra càng quyết liệt hơn sau một bài viết của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc. Bài viết này của ông Trump đã bị nền tảng Twitter gắn cảnh báo vì vi phạm chính sách của công ty về cổ xúy bạo lực, trong khi đó, Facebook lại không có động thái gì. Sau đó, Facebook đã vấp phải chỉ trích dữ dội từ nhân viên, chính trị gia và ngay cả các nhà khoa học được tổ chức từ thiện của Zuckerberg tài trợ.
Đây không phải là lần đầu tiên Facebook vấp phải làn sóng tẩy chay. Vào năm 2018 một số công ty, trong đó có Mozilla và nhà sản xuất loa không dây Sonos đã rút quảng cáo khỏi Facebook sau khi phát hiện nền tảng này làm rò rĩ thông tin cá nhân của hàng triệu người sử dụng. Người dùng Facebook cũng đã thể hiện sự phẫn nộ bằng cách tạo ra hashtag #DeleteFacebook (xóa Facebook) để khuyến khích người dùng từ bỏ nền tảng này. Thời điểm đó, vị giám đốc điều hành Facebook phải lên tiếng thừa nhận:"Chúng tôi đã khiến cộng đồng thất vọng, tôi thực sự cảm thấy tồi tệ và tôi thực sự xin lỗi về điều đó".