Do đặc thù công việc, chị không có nhiều thời gian để đi chợ. Đồng thời, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ngoài chợ cũng khiến chị lo lắng. Chính vì thế, cứ ba ngày chị lại đi chợ online một lần. “Để an tâm, tôi chọn một cửa hàng Xanh và Sạch shop (đường Nguyễn Trọng Tuyển, Q.Phú Nhuận), vì đa số sản phẩm đều được sản xuất tại Đà Lạt bởi một công ty của Nhật Bản. Khi cần mua tôi cứ lên trang web của cửa hàng này đặt mua và họ giao đến công ty tôi”, chị Nguyên chia sẻ.
Tương tự, chị Phan Thị Thanh (Q.12, TP.HCM) cho biết, hiện chị sống cùng mẹ và đứa con gái sáu tuổi, trong khi nơi làm việc của chị tại Q.1. Vì thế, chị thường tranh thủ giờ nghỉ trưa để lên mạng mua thực phẩm cho bữa cơm gia đình. Cửa hàng mà chị Thanh “chọn mặt gửi vàng” là cửa hàng rau an toàn Savefood (đường Lê Bình, P.4, Q.Tân Bình). “Chỉ cần năm phút là đi chợ xong”, chị Thanh cho hay.
“Cái gì cũng có cái giá của nó” – đây là nhận xét của các bà nội trợ với hình thức đi chợ online, bởi giá cả của hầu hết sản phẩm sạch đều khá cao. Ngoài ra, các cửa hàng còn tính thêm phí vận chuyển. Theo chị Nguyên, để có một ký cải ngọt sạch, chị phải trả 48.000đ, trong khi ngoài chợ sản phẩm thông thường chỉ có
12.000đ/kg hay một ký tần ô với giá 49.000đ, cao hơn khá nhiều so với giá rau thông thường. Còn chị Thanh phải trả 17.000đ cho một ký rau muống, cao hơn 5.000đ/kg so với ngoài chợ…
Đi chợ sạch online mang lại sự tiện ích cho nhiều bà nội trợ, nhưng hình thức này không hẳn đã an toàn. |
Mập mờ thông tin sản phẩm
Dù người tiêu dùng chấp nhận chi nhiều hơn để được phục vụ, đồng thời mong muốn có những sản phẩm sạch, an toàn, song không phải lúc nào giới thiệu của những cửa hàng bán thực phẩm online cũng… chuẩn.
Chị Thanh Hà (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết, chất lượng và độ an toàn của những sản phẩm dạng này thì “hên xui”. Mới đây, chị Hà mua một đùi dê (hơn 2kg) trên trang web mang tên Đặc sản nắng và gió với giá 260.000đ/kg. “Trên trang web họ giới thiệu sản phẩm đã được kiểm dịch, nhưng khi giao hàng, tôi hỏi giấy tờ thì nhân viên không trưng ra được, đùi dê tôi mua cũng không có đóng dấu kiểm dịch”, chị Hà nói. Trường hợp của chị T. Nga (Q.3, TP.HCM) còn tệ hơn khi chị mua phải một con cá ươn từ một cửa hàng trên trang Facebook. “Sau khi rã đông, con cá mềm nhũn, bốc mùi”, chị Nga nói. Không chỉ chất lượng không đảm bảo, nhiều người còn mua phải hàng không đúng trọng lượng.
Dù bán thực phẩm online nhưng thông tin về nguồn gốc và chất lượng hàng ở nhiều cửa hàng online khá mập mờ. Chủ cửa hàng Xanh và Sạch khi được hỏi về giấy tờ chứng minh nguồn gốc cho biết, sản phẩm được lấy từ một công ty của người Nhật ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) có giấy tờ chứng nhận sản phẩm sạch, an toàn. Thế nhưng chủ cửa hàng này không chứng minh thông tin nguồn gốc sản phẩm mà chỉ trấn an: “Anh có thể an tâm, vì chúng tôi không lấy hàng của hộ cá thể.
Ngoài ra, công ty thường có trách nhiệm hơn với thương hiệu của mình, đặc biệt là người Nhật. Anh có thể tìm hiểu thêm trên mạng”. Những sản phẩm của cửa hàng này giao cho khách hàng đều được bọc trong bao ni lông và có nhãn của một công ty ở Đức Trọng, Lâm Đồng. Tuy nhiên, nhãn được dán bên ngoài bao ni lông hoặc trực tiếp lên sản phẩm. "Cửa hàng nói vậy thì biết vậy, chứ sản phẩm có đúng với nhãn mác hay không thì chỉ có... trời mới biết!", chị Nguyên nhận xét. Tương tự, K. foodcery, một siêu thị thực phẩm và bách hóa online có trụ sở ở Q.6 (TP.HCM) cũng khẳng định chắc nịch rằng: “Bên em không có giấy tờ chứng minh, nhưng đảm bảo với anh không phải hàng Trung Quốc”.