Tiết kiệm 2.500 tỉ đồng khi áp dụng Blockchain vào y tế

Blockchain (tạm dịch: là một công nghệ cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa vào hệ thống mã hoá vô cùng phức tạp,  tương tự cuốn sổ cái kế toán của một công ty, nơi mà tiền mặt được giám sát chặt chẽ) giúp cho các hoạt động tương tác, phối hợp giữa người bệnh, các cơ sở y tế, bệnh viện, cửa hàng thuốc và các Bộ ban ngành liên quan diễn ra nhịp nhàng hơn. Đặc biệt, công nghệ này giúp gia tăng sự tin tưởng giữa các bên do loại bỏ được các yếu tố nghi ngờ lẫn nhau, không công bằng, thiếu minh bạch.

Phần mềm Quản lý Hồ sơ Sức khỏe Cá nhân của Viettel phát triển hiện đang lưu trữ cơ sở dữ liệu trên hệ thống cũ theo dạng quản trị tập trung. Tuy tiết kiệm tài nguyên lưu trữ nhưng nếu như bị tấn công và mất dữ liệu, hệ thống sẽ sụp đổ hoàn toàn, không thể khôi phục dữ liệu, dễ bị giả mạo. Bằng việc phát triển được Blockchain, Trung tâm Công nghệ lõi có thể chuyển cơ sở dữ liệu ấy vào Blockchain, giúp giải các vấn đề nêu trên. Hiện tại, Trung tâm đang gấp rút xây dựng, đóng gói công nghệ thành một sản phẩm hoàn chỉnh.

Blockchain là đầu vào và đảm bảo dữ liệu chính xác do được tất cả các bên tham gia vào mạng lưới đồng thuận. Nhờ Blockchain, Big-Data (Phân tích dữ liệu lớn) mới có thể tiến hành phân tích, đánh giá dữ liệu chuẩn xác, đưa ra các kết quả, dự báo đúng.

Sau khi đóng gói thành công sản phẩm Blockchain vào Quản lý Hồ sơ Sức khỏe Cá nhân, Trung tâm Công nghệ lõi sẽ mở rộng quy mô nghiên cứu, ứng dụng công nghệ này vào nhiều lĩnh vực, sản phẩm khác của Viettel và tung ra thị trường như: Ngân hàng tài chính, Quản lý chuỗi cung ứng, Logistic, Xuất nhập khẩu, Truy suất nguồn gốc, Kinh doanh…

Anh Phạm Văn Tuân (Trung tâm Công nghệ lõi) Viettel khẳng định: Áp dụng Blockchain vào Quản lý Hồ sơ Sức khỏe Cá nhân giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí; giúp bệnh viện tối ưu khoảng 2.500 tỉ đồng/năm và phát triển ngành y học trên cả nước. 

Blockchain do Viettel phát triển sẽ trở thành nơi tập hợp và lưu trữ hồ sơ khám chữa bệnh của từng người dân, tạo ra một cơ sở dữ liệu khổng lồ phục vụ cho việc nghiên cứu, dự báo, đề xuất khám chữa bệnh. Đó là một nguồn thông tin rất quan trọng giúp bác sĩ, dược sĩ và các nhà nghiên cứu về dịch bệnh có thể phân tích đặc thù của từng bệnh, tìm ra các phương án chữa trị mới hoặc truy xuất nguồn bùng phát dịch bệnh.

 

Đọc thêm