Làn sóng rác thải điện tử gia tăng đe dọa sức khỏe và môi trường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(PLO)- Công nghệ len lỏi vào từng ngóc ngách cuộc sống, từ chiếc smartphone nhỏ gọn đến những trung tâm dữ liệu khổng lồ. Nhưng ẩn sau sự tiện nghi, hiện đại đó là một mối đe dọa âm thầm: rác thải điện tử. 

Hãy thử tưởng tượng, chiếc điện thoại bạn đang sử dụng, chỉ sau vài năm, thậm chí vài tháng, sẽ trở nên lỗi thời, lạc hậu. Nó sẽ bị vứt bỏ, gia nhập vào dòng chảy khổng lồ của rác thải điện tử, cùng với hàng triệu chiếc điện thoại khác, laptop, tivi, tủ lạnh, máy giặt...

Theo một nghiên cứu đáng báo động được công bố trên tạp chí Nature, lượng rác thải điện tử thải ra trong thập kỷ này có thể lên đến 5 triệu tấn, gấp 1.000 lần so với năm 2023.

Nguyên nhân nào khiến rác thải điện tử tăng cao?

Các thiết bị điện tử ngày càng được nâng cấp, cải tiến với tốc độ chóng mặt, khiến vòng đời sản phẩm ngày càng ngắn lại. Người tiêu dùng bị cuốn vào vòng xoáy "mua sắm - thải bỏ", liên tục thay mới thiết bị để bắt kịp xu hướng.

Bên cạnh đó, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng góp phần không nhỏ vào vấn nạn này. AI với sức mạnh tính toán "khủng" đòi hỏi những trung tâm dữ liệu khổng lồ, chứa hàng triệu máy chủ hoạt động liên tục. Tuổi thọ của những cỗ máy này thường chỉ kéo dài khoảng 3 năm, sau đó sẽ bị thải loại, tạo ra một lượng rác thải điện tử khổng lồ.

Công nghệ phát triển khiến lượng rác thải điện tử tăng cao.
Công nghệ phát triển khiến lượng rác thải điện tử tăng cao.

Hậu quả không chỉ là ô nhiễm môi trường

Rác thải điện tử chứa đựng một mớ hỗn độn các chất độc hại gồm chì, thủy ngân, cadimi, asen, crom... Khi bị vứt bỏ, chôn lấp hoặc xử lý không đúng cách, những chất này sẽ ngấm vào đất, nước, không khí, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với rác thải điện tử với các bệnh ung thư, hô hấp, tim mạch, thần kinh... Đặc biệt, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương.

Không chỉ dừng lại ở ô nhiễm và bệnh tật, rác thải điện tử còn gây ra những hệ lụy kinh tế - xã hội nặng nề. Chi phí xử lý rác thải ngày càng tăng, mất mát tài nguyên quý giá (vàng, bạch kim, đồng...), ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và sự phát triển bền vững.

Trước thực trạng này, thế giới đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp. Mô hình kinh tế tuần hoàn được xem là chìa khóa then chốt, hướng đến việc kéo dài tuổi thọ sản phẩm, tái sử dụng, tái chế, giảm thiểu tối đa lượng rác thải thải ra môi trường.

Cụ thể, các nhà sản xuất cần thiết kế sản phẩm thân thiện với môi trường, dễ dàng tháo lắp, sửa chữa và tái chế. Người tiêu dùng cần thay đổi thói quen sử dụng, ưu tiên sửa chữa thay vì mua mới, tìm hiểu và lựa chọn các sản phẩm "xanh", tham gia các chương trình thu hồi, tái chế thiết bị điện tử.

Chính phủ các nước cũng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, xây dựng chính sách, khuyến khích đầu tư công nghệ tái chế hiện đại. Nâng cao nhận thức của công chúng cũng rất quan trọng. Thay vì vứt bỏ hoặc cất đi, bạn hãy tặng thiết bị cũ cho người khác.

Việc tích hợp thiết kế xanh vào các sản phẩm điện tử cũng có thể có lợi cho môi trường. Điều này có thể bao gồm việc lắp đặt nhiều bộ phận phân hủy sinh học hơn vào phần cứng, thay thế các thành phần độc hại bằng các thành phần ít gây hại hơn và cải thiện tuổi thọ của sản phẩm.

Đọc thêm