Theo báo cáo mới nhất từ Check Point, hơn 18.000 trang web liên quan đến Valentine đã xuất hiện chỉ trong tháng 1, tăng 5% so với tháng trước. Đáng lo ngại, cứ 72 trang web mới đăng ký thì có một trang bị đánh giá là độc hại hoặc có nguy cơ lừa đảo.

Ai cũng có thể mất tiền với chiêu trò lừa đảo mới trên Facebook
(PLO)- Thời gian gần đây, nhiều người đã trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo tinh vi thông qua các fanpage Facebook giả mạo khách sạn và homestay.
Trang web giả mạo bùng nổ, rủi ro tăng cao
Check Point phát hiện sự gia tăng đột biến 123% trong số các tên miền mới đăng ký liên quan đến Valentine. Những kẻ lừa đảo lợi dụng thời điểm này để tung ra các trang web giả mạo, hứa hẹn các ưu đãi hấp dẫn nhằm đánh cắp thông tin cá nhân và tài khoản tài chính của người dùng.
May mắn là nhiều trang web lừa đảo không quá tinh vi, khiến chúng có thể bị phát hiện bởi các công cụ giám sát tên miền.
Một số tổ chức an ninh mạng đã sử dụng phương pháp lọc từ khóa như Valentine, quà tặng và ưu đãi để theo dõi và cảnh báo người dùng về các tên miền nguy hiểm.

Cách bảo vệ bản thân trước các mối đe dọa
Trước tình trạng này, Check Point đã đưa ra một số khuyến nghị giúp người dùng hạn chế bị lừa đảo:
- Không mở email hoặc tin nhắn từ người gửi không xác định, ngay cả khi có vẻ như đến từ các thương hiệu quen thuộc.
- Không nhấp vào liên kết hoặc tải tệp đính kèm từ những email không mong muốn.
- Xóa ngay các email và tin nhắn có dấu hiệu đáng ngờ.
- Không bao giờ chia sẻ thông tin đăng nhập hoặc dữ liệu tài chính trực tuyến.
- Cảnh giác với các ưu đãi quá hấp dẫn, vì chúng thường là bẫy lừa đảo.
- Nếu muốn mua hàng từ một thương hiệu lớn, hãy truy cập trực tiếp trang web chính thức thay vì bấm vào quảng cáo trực tuyến.
Không chỉ các trang web giả mạo mới là mối nguy hiểm trong mùa Valentine. Những kẻ lừa đảo tình cảm cũng lợi dụng dịp này để tiếp cận nạn nhân thông qua mạng xã hội và ứng dụng hẹn hò.

Facebook cảnh báo chiêu trò lừa đảo tình cảm trước ngày Valentine
(PLO)- Facebook vừa phát đi cảnh báo về sự gia tăng của các vụ lừa đảo tình cảm trên mạng xã hội, khi kẻ gian giả mạo người nổi tiếng hoặc quân nhân để chiếm đoạt tài sản.
Lừa đảo tình cảm
Theo cảnh báo từ FBI, những kẻ lừa đảo tình cảm thường giả vờ là đối tượng hoàn hảo để chiếm lòng tin của nạn nhân trước khi tìm cách trục lợi. Chúng có thể dựng lên những câu chuyện đáng thương như thành viên gia đình bị bệnh, bị mắc kẹt ở nước ngoài hoặc cần tiền khẩn cấp. Những người nhẹ dạ có thể dễ dàng bị thuyết phục chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân quan trọng.
Những kẻ lừa đảo không chỉ khai thác cảm xúc mà còn tận dụng dữ liệu cá nhân trên mạng xã hội để tạo ra các kịch bản lừa đảo thuyết phục hơn.
FTC cảnh báo rằng bất kỳ ai có tài khoản mạng xã hội hoặc sử dụng ứng dụng hẹn hò đều có thể trở thành mục tiêu.
Người dùng cần làm gì để tránh rơi vào bẫy?
Để tránh rơi vào bẫy lừa đảo, người dùng cần hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội, đặc biệt là các dữ liệu nhạy cảm như tài chính hay tình trạng quan hệ.
Khi sử dụng ứng dụng hẹn hò, hãy duy trì liên lạc trên các nền tảng chính thống thay vì chuyển sang các kênh trò chuyện riêng tư khác. Tuyệt đối không gửi tiền hoặc hỗ trợ tài chính cho bất kỳ ai chỉ quen biết qua mạng.
Nếu có dấu hiệu nghi vấn, hãy kiểm tra thông tin đối tượng bằng cách tìm kiếm hình ảnh hoặc tên trên Internet. Đồng thời, nhanh chóng báo cáo các tài khoản đáng ngờ cho nền tảng mạng xã hội hoặc ứng dụng hẹn hò để ngăn chặn rủi ro cho những người dùng khác.
Theo thống kê, người Mỹ mất khoảng 1 tỉ USD mỗi năm vì lừa đảo tình cảm. Con số này đang không ngừng tăng lên do sự phát triển của công nghệ deepfake và trí tuệ nhân tạo. Khi những kẻ lừa đảo ngày càng tinh vi, người dùng cần cảnh giác và trang bị kiến thức để bảo vệ mình trước những mối nguy hiểm trực tuyến.

Google tiết lộ 5 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến và cách phòng tránh
(PLO)- Nhân Ngày Internet An toàn hơn (Safer Internet Day), Google đã tiết lộ 5 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất hiện nay, đồng thời chia sẻ cách giúp người dùng an toàn hơn trên Internet.