Lão nông U70 đam mê... 360 Blog, Google

Mê Internet từ... blog con dâu

Chỉ 2 năm trước, ít người nghĩ rằng cụ Phan có thể thành thạo Internet như bây giờ. Từ đọc báo cho đến viết blog, tự Google để kiếm thông tin,... giờ là công việc thường nhật không thể thiếu của cụ. Mọi thao tác đều được tích lũy và tiếp thu rất nhanh với 1 lần hướng dẫn.

Giữa năm 2007, cụ Phan mới từ Sơn La về Hà Nội để sinh sống cùng con trai. Đó cũng là thời điểm cụ được tiếp xúc với Internet. Anh con trai cụ Phan làm chủ nhiệm dự án của một công ty phần mềm, vợ anh là một phóng viên CNTT của một tờ báo điện tử. Hai chữ "phóng viên" thì cụ Phan hiểu và rất tự hào về con dâu mình, nhưng khái niệm "báo điện tử" với tên tiếng Anh của tờ báo thì rất khó hình dung. Vì thế, con dâu cụ mở trang tin nơi mình làm việc và chỉ cho cụ "con viết ở đây, những bài này, bài này... để mọi người vào đây đọc ạ".

Chỉ một lần như vậy, hàng ngày cụ cũng tự bật máy tính để vào trang tin của con dâu mình để đọc tin. Cho đến 1 tuần sau, cụ Phan mới đề đạt với con trai: "Mày có trang nào đăng tin cuộc sống không, đọc mấy thứ vợ mày viết tao... không hiểu lắm". Một loạt trang báo điện tử được cập nhật và lưu vào Favorite của trình duyệt ngay lập tức. Kỹ năng click chuột để chọn chuyên mục trên website được con trai cụ truyền đạt. Cụ Phan lập tức trở thành bạn đọc thường xuyên của VietNamNet, VnExpress, Dân Trí điện tử, Thanh Niên, Lao động, v.v...

Sự kiên trì của người già được thể hiện khi cụ Phan bắt đầu đến với blog. Sau 1 lần đi chơi công viên, chị con dâu đưa ảnh con trai mình lên blog để khoe bạn bè. Cụ Phan cũng xem và nhớ được địa chỉ có chữ 360 đầu tiên (dịch vụ 360 của Yahoo).

Ngày hôm sau, mỗi lần muốn xem ảnh cháu, cụ lại gõ vào chữ số "360" trên thanh địa chỉ trình duyệt. Với một blogger "kinh niên" như cô con dâu, History của Internet Explorer lên đến hàng trăm đầu mục. Cụ Phan ngồi tỉ mẩn click chuột trên từng entry cho đến khi ra hình cháu nội thì thôi. Với kỹ năng "click chuột tìm thông tin", cụ cũng khám phá ra nhiều entry khác trên blog con dâu có hình cháu nội để thưởng thức. Từ ngày đó, blog của con dâu cụ Phan có lượng hit tăng lên đáng kể bởi phương án dò tìm ảnh cháu nội thủ công của cụ.

Trong một lần gọi điện hỏi thăm bạn cũ ở Sơn La và biết được nhà ông đã mở tiệm Internet công cộng, cụ Phan không quên khoe cháu nội và hướng dẫn ông bạn vào địa chỉ blog bằng cách đọc chính xác từng chữ cái theo dạng "http://360.yahoo.com/blog-3nSnXHoyc...-?cq=1". Thời gian để hai cụ già đọc và kiểm tra hết chuỗi hàng chục ký tự trên cũng mất gần nửa tiếng, nhưng sức hấp dẫn của Internet khiến hai ông bạn già quên hết thời gian. Phương pháp ngắn gọn qua short URL được 2 "chuyên gia" con trai và con dâu phổ biến khi cụ Phan "luận bàn" về nhược điểm "mất thời gian gõ địa chỉ" của công nghệ Internet. Tuy nhiên, blog của cô con dâu từ đó cũng không còn riêng tư nữa mà bị "quốc hữu hóa" thành nơi chia sẻ ảnh gia đình.

Không hài lòng với những gì có sẵn, cụ Phan khám phá ra trang Google trong một lần nhìn cô con dâu tra thông tin trên mạng. Hướng dẫn rất đơn giản: "Bố cần tìm gì thì cứ gõ vào đây này, sau đó thì bấm chuột vào đây... vào đây...". Cánh cửa tri thức nhân loại mở ra, cụ Phan nhanh chóng "nghiện" Internet và Google. Thông tin tìm kiếm chủ yếu về các đề tài lịch sử, thơ cổ, văn hóa phương Đông hoặc các tài liệu về tướng số, tử vi... Cũng không ít lần cụ phàn nàn về việc vào nhầm những website có nội dung "nhố nhăng, mất thuần phong mỹ tục".

Giờ đây, cụ Phan online từ 3-5 giờ mỗi ngày, chiếc máy tính nối Internet trở thành món đồ rất yêu thích. Ngoài đọc báo, tìm tin tức, cụ mở máy tính để ông bà cùng 2 đứa cháu quây quần xem blog con dâu hoặc vào Flickr để xem ảnh cháu ngoại trên Sơn La. Tuy nhiên, cụ vẫn phàn nàn "ngoài đọc tin với xem ảnh thì chẳng biết làm gì nhiều, trong khi bọn trẻ có thể làm đủ thứ trên mạng".

Mộc mạc thế giới mạng "U70"

Tỷ lệ người dùng Internet cao tuổi ngày càng gia tăng.
Tỷ lệ người dùng Internet cao tuổi ngày càng gia tăng.

Cụ Phan chỉ là một trong hàng nghìn người dùng Internet cao tuổi khác trên cả nước đang tìm thấy nhiều niềm vui từ chiếc máy tính. Việc sử dụng máy tính trở nên dễ dàng và phổ biến nên ngày càng nhiều người cao tuổi tham gia. Cụ Phan cho biết bạn bè cụ có những người đã sử dụng được "chat Yahoo" (Yahoo! Messenger) để nói chuyện với con cái đi làm xa. Có người đã làm được blog để viết thơ, v.v... dù thói quen liên lạc hằng ngày thì vẫn phải dùng đến điện thoại chứ không phải các công cụ trên Internet.

Khác với giới trẻ thích cái mới, Internet hấp dẫn người già bởi giải quyết chính những nhu cầu thường nhật theo cách hoàn toàn mới mẻ. Một nghiên cứu gần đây của Liên minh World Wide Web cho biết, người già trên 70 tuổi dần dần trở thành nhóm "cư dân mạng" có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên toàn thế giới. Tại Mỹ, tỷ lệ người 70-75 tuổi truy cập Internet đã tăng từ 26% năm 2005 lên 41% trong năm 2008. Cũng trong khoảng thời gian đó, cư dân mạng trên 76 tuổi đã tăng từ 17% lên 27%.

Tại Việt Nam, một số đơn vị đã bước đầu quan tâm đến nhu cầu "vào mạng" cho người già. TP.HCM đã tổ chức cả Câu lạc bộ Tin học cho người cao tuổi để hướng dẫn cách tiếp cận và khai thác phương tiện truyền thông này. Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế (thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM) cũng liên tục tổ chức miễn phí những khóa học Internet căn bản trong vòng 2 tuần dành cho người từ 45 tuổi trở lên. Trong đó, các học viên sẽ được trang bị kiến thức căn bản để có thể vào mạng đọc báo, tìm kiếm thông tin, chat, gửi nhận email, thậm chí cả chơi những game căn bản.

"Người có tuổi tiếp xúc với máy tính có những hạn chế đặc thù, ví dụ như thiếu đào tạo cơ bản, trí nhớ kém, kém tiếng Anh", anh Hoàng Phúc Hải, một giáo viên dạy tin học tại TP.HCM cho biết. "Nhưng có một lợi thế là động cơ học máy tính chủ yếu xuất phát từ sở thích hoặc nhu cầu bản thân chứ không chịu bất cứ sức ép nào. Khi đó, các bác lại rất chăm chỉ thực hành".

Điểm thiếu hiện nay nằm ở chỗ cộng đồng người cao tuổi trên Internet chưa đủ đông đảo để hấp dẫn những công ty đầu tư xây dựng dịch vụ dành riêng. Nếu muốn, các bác vẫn phải sử dụng chung "dịch vụ" với giới trẻ - những người đang chiếm lĩnh phần lớn "dân số" Internet.

Theo Hải Phương (VNN) 

Đọc thêm