Thượng nghị sĩ Mark Warner và Marco Rubio đã gửi một bức thư đến Thủ tướng Canada Justin Trudeau yêu cầu ông “xem xét lại” sự tham gia của Huawei vào bất kỳ kế hoạch xây dựng 5G của đất nước. Có nhiều bằng chứng cho thấy không có công ty lớn nào của Trung Quốc không bị chính phủ kiểm soát, điều đó có thể dẫn đến việc các hoạt động tình báo của Five Eys (Canada, Mỹ, Úc, New Zealand và Anh) bị theo dõi.
Để tăng thêm sức thuyết phục, các thượng nghị sĩ đã chỉ ra lệnh cấm của Úc đối với công nghệ 5G của Huawei cũng như phân tích điểm yếu các phương pháp kỹ thuật của Huawei tại Anh.
Theo tờ Financial Times và Reuters, Úc cho rằng các công ty có khả năng chịu sự chỉ đạo của chính phủ nước ngoài có thể khiến mạng lưới quốc gia bị can thiệp hoặc truy cập trái phép. Động thái trên đã cho thấy lập trường cứng rắn của Úc, dù không đề cập chính xác đến công ty nào nhưng một quan chức cho biết lệnh này nhằm vào Huawei và ngăn cản sự tham gia của công ty vào việc xây dựng mạng lưới 5G.
Khi lệnh cấm được ban hành, Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Trung Quốc tỏ ra lo ngại về quyết định của Úc, đồng thời cho rằng quốc gia này đang cố tình tạo rào cản và phân biệt đối xử. “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Úc từ bỏ định kiến tư tưởng và cung cấp một môi trường cạnh tranh công bằng cho các hoạt động của các công ty Trung Quốc tại Úc” - phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết. Trước đó, Huawei cũng từng nhiều lần phủ nhận mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc.
Động thái của Úc cũng không có gì khó hiểu bởi luật pháp Trung Quốc yêu cầu các tổ chức và công dân hỗ trợ, hợp tác với chính phủ khi được yêu cầu. Do đó, các nhà phân tích cho rằng thiết bị của Huawei có thể trở thành công cụ phục vụ cho việc gián điệp. Không chỉ riêng ở Úc, Huawei cũng đang gặp nhiều trở ngại tại Mỹ khi các nhà chức trách của nước này liên tục ban hành lệnh cấm các tổ chức chính phủ sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE.
FBI, CIA và NSA cũng khuyến cáo người dùng tại Mỹ không nên mua bất kỳ sản phẩm và dịch vụ nào của Huawei vì những rủi ro riêng tư khi các công ty, tổ chức nước ngoài nắm giữ các phần quan trọng bên trong mạng viễn thông của đất nước.
Warner và Rubio cũng cho rằng sẽ xảy ra vấn đề về kinh tế nếu Canada hợp tác với Huawei. Cụ thể, các nhà cung cấp dịch vụ không dây của Mỹ và Canada thường chia sẻ thiết bị tương tự, việc sử dụng thiết bị của Huawei có thể “làm tổn hại nghiêm trọng” sự hài hòa này, đồng thời khiến việc xây dựng và triển khai mạng 5G sẽ trở nên khó khăn hơn.
Chính phủ Canada đã không chính thức trả lời lá thư, tuy nhiên người đứng đầu Trung tâm An ninh mạng của đất nước, Scott Jones, nói với một ủy ban quốc hội rằng không cần phải cấm Huawei vì công ty đã cam kết chống lại các vấn đề an ninh. Chúng tôi muốn nói thêm rằng đơn giản ở Canada không có sự kỳ thị Huawei như ở Mỹ, bạn có thể đi bộ vào cửa hàng và mua Huawei P20 Pro từ một nhà mạng bất kỳ mà không hề gặp rắc rối. Các chính trị gia Mỹ nên làm nhiều hơn thay vì lo lắng thái quá.
Hồi năm 2012, chính phủ Canada đã loại trừ công ty Huawei, Trung Quốc tham gia xây dựng các dự án mạng lưới thông tin liên lạc do cân nhắc nguy cơ an ninh mạng, theo hãng tin Reuters.
Trước đó không lâu, Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược Úc (ASPI) cũng vừa ghi nhận Huawei có liên quan đến hành vi bí mật gửi dữ liệu từ trụ sở Liên minh châu Phi ở Ethiopia đến Thượng Hải (Trung Quốc) suốt năm năm qua. Ông John Watters, Phó Chủ tịch điều hành và Giám đốc chiến lược doanh nghiệp của công ty bảo mật mạng FireEye Inc, chia sẻ: “(Úc) về cơ bản đã quyết định chi nhiều tiền hơn để có quyền kiểm soát nhiều hơn đối với hệ thống thông tin quốc gia của họ”.
Huawei đã cung cấp một số thiết bị gồm máy tính, hệ thống lưu trữ, WiFi và các dịch vụ khác cho trụ sở Liên minh châu Phi. Khi phát hiện vụ việc, Liên minh châu Phi đã thay thế một số cơ sở hạ tầng công nghệ. Huawei cho biết báo cáo của ASPI đang cố tình bôi nhọ công ty bởi nó vốn không phải là sự thật.
Chưa dừng lại ở đó, Huawei cũng từng dính "phốt" về việc gian lận điểm hiệu suất trên các dòng smartphone của hãng. Cụ thể, trang AnandTech đã phát hiện ra việc gian lận điểm hiệu suất của Huawei trên con chip Kirin 970, bằng cách đẩy sức mạnh của bộ vi xử lý lên quá giới hạn khi phát hiện phần mềm benchmark đang chạy trên thiết bị.
Công ty đã thừa nhận vấn đề trên, tuy nhiên thay vì đồng ý loại bỏ việc can thiệp phần mềm, Huawei nói sẽ cho phép người dùng tùy chỉnh xung nhịp khi cần thiết.
Kết quả của nhóm nghiên cứu tại TECH2 lại một lần nữa lột trần sự gian lận của Huawei, bất ngờ hơn là sự xuất hiện của Oppo, một thương hiệu khá quen thuộc với giới trẻ tại Việt Nam. Cả hai đều sử dụng cùng một kỹ thuật để gian lận điểm hiệu suất, đánh lừa người dùng.
Những mẫu smartphone được kiểm tra gồm có Honor 10 (thương hiệu con của Huawei), Huawei P20 Pro, Nokia 7 Plus, OnePlus 6, Oppo Find X, Pocophone Poco F1, Realme 1, Realme 2, Redmi Note 5 Pro và Samsung Galaxy Note 9.
Thay vì sử dụng phần mềm 3DMark có sẵn trên Google Play, TECH2 đã sử dụng phiên bản riêng tư của ứng dụng chưa từng được công bố, vì vậy thiết bị của Huawei và Oppo đã không phát hiện được và bị lộ tẩy. Dưới đây là bảng kết quả sau khi đã kiểm tra hiệu suất, thanh màu đen là điểm chuẩn được quảng cáo, trong khi đó thanh màu vàng là điểm thực tế đo được bằng ứng dụng riêng của TECH2.
Đơn cử như Honor 10, điểm thực tế chỉ có 1.540 điểm nhưng hãng lại quảng cáo đến 2.960 điểm. Tương tự, Huawei P20 Pro được quảng cáo đạt 2.960 điểm nhưng thực tế chỉ có 1.681 điểm. Sự chênh lệch về điểm hiệu suất thực tế (3.344 điểm) và quảng cáo (4.576 điểm) trên Oppo Find X cũng khá đáng kể.
Trong khi đó, các mẫu smartphone khác như Nokia 7 Plus, Redmi Note 5 Pro, Poco F1, Note 9 và OnePlus 6 có điểm số quảng cáo và điểm thực tế gần như tương đồng nhau. Điều này có nghĩa là Huawei và Oppo đã can thiệp bằng phần mềm để ép xung bộ vi xử lý nhằm tạo ra điểm số sai lệch.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên Kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết.