Chiều 12-11, Quốc hội đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với đa số đại biểu biểu quyết tán thành.
Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua đặt mục tiêu xác định 2025 là năm “tăng tốc, bứt phá, về đích”. Theo đó, Quốc hội xác định sẽ tập trung cao độ hơn nữa cho bổ sung, hoàn thiện tháo gỡ vướng mắc trong hệ thống pháp luật, hoàn thành về cơ bản việc xử lý những bất cập, tồn đọng, vướng mắc liên quan đến thể chế và tổ chức thực hiện kéo dài. Điều này, nhằm đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu đổi mới sáng tạo, tạo đột phá phát triển đất nước trong tình hình mới.
Quốc hội cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường phân cấp, phân quyền thực chất, hiệu quả.
Đặc biệt, tiếp tục hoàn thiện, sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
“Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nhưng không làm ảnh hưởng, cản trở mà là để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, không hình sự hoá các quan hệ kinh tế và dân sự; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”- Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ.
Về các chỉ tiêu chủ yếu, Quốc hội thống nhất tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5 - 7,0% và phấn đấu khoảng 7,0 - 7,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD.
Tại nghị quyết vừa được các đại biểu bấm bút thông qua, Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để tháo gỡ thể chế, khắc phục điểm nghẽn…
Quốc hội cũng yêu cầu đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực.
“Từ bỏ tư duy ‘không quản được thì cấm’; các quy định của luật phải ổn định, phổ quát, lâu dài, chỉ quy định những vấn đề khung, mang tính nguyên tắc; không để đùn đẩy trách nhiệm, kiên quyết xóa bỏ cơ chế ‘xin – cho’”- Nghị quyết nêu.
Ngoài ra, Quốc hội yêu cầu khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho những vấn đề mới, dự án công nghệ cao, dự án lớn, xu hướng mới, tạo khung khổ pháp lý cho chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.
Nghị quyết cũng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội giữ vai trò kiến tạo, hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng cường kiểm tra, giám sát và trách nhiệm giải trình…
Đặc biệt, Quốc hội lưu ý tập trung các nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, ưu tiên công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, các dự án có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng chuyển đổi số, kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai hệ thống đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị…