Cách đây 30 năm, làng chài Thiện Chánh (phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) chỉ là một làng chài nghèo, xung quanh bao bọc bởi cát trắng và xương rồng thì giờ đây đã xuất hiện nhiều nhà lầu, xe hơi sang trọng. Tất cả cũng nhờ phần lớn từ nghề câu cá bò gù, hay còn gọi cá ngừ đại dương.
Cuộc sống nhờ biển mà khởi sắc
Ngư dân Nguyễn Thanh Hồng (62 tuổi, khu phố Thiện Chánh) cho biết làng chài Thiện Chánh trước đây vài chục năm rất nghèo, xung quanh chỉ là cát trắng và mồ mả. Tuy nhiên, hiện nay nhiều ngư dân trong làng đã giàu có, sắm được nhà đẹp, xe sang.
Ngư dân khát khao được giàu lên từ biển. Ảnh: HUY TRƯỜNG |
Khoảng năm 2000, ông là một trong những ngư dân tại làng chài vươn khơi để đánh bắt cá chuồn. Ông Hồng kể thời đó chủ yếu đánh bắt thô sơ, chủ yếu lưới vây, đi lại bằng cách rà theo âm thanh của đài radio và la bàn. Thời điểm đó, ông cùng một số ngư dân hùn vốn sắm chiếc tàu ra khơi để đánh bắt cá chuồn.
“Khi ra khơi chỉ có cái la bàn với cái radio. Khi đó chỉ nghe đài và rà radio để đi. Cứ nghe được tiếng đài nói là nhắm đường mà đi, mất sóng radio là coi như lệch đường. Hồi đó làm khổ lắm, vô được bờ là mừng muốn chết” - ông Hồng nói.
Sau đó tình cờ vài lần, một số ngư dân ở Phú Yên sang tìm ông mua cá chuồn làm mồi câu cá bò gù (cá ngừ đại dương). Các ngư dân Phú Yên cũng chỉ cho ông cách câu cá bò gù và nói sẽ có thu nhập cao hơn. “Anh em sau đó chỉ cho tôi cách câu cá ngừ đại dương. Trong chuyến đầu tiên tôi đã trúng đậm, tầm năm ngày là được khoảng 50 con cá ngừ đại dương, tôi vào bờ bán được số tiền kha khá” - ông Hồng nhớ lại.
Cũng theo lão ngư này, vào thời điểm đó, liên tiếp nhiều chuyến biển ông trúng đậm, gia đình khá giả hơn, mua được đất và cất nhà. “Thời đó đánh đâu trúng đó. Mình đánh chỗ nào nhiều cá, mình ghi vào sổ, lần sau lại đến câu tiếp. Thời thịnh nhất, đi khoảng ba tháng mỗi người được vài chục triệu đồng. Còn mình là chủ tàu nên được nhiều hơn. Cuộc sống từ đó mà khởi sắc” - ông Hồng nhớ lại.
Cần hỗ trợ ngư dân nhiều hơn
Chỉ sang một số ngôi nhà bên cạnh, ông Hồng cho biết nhờ nghề vươn khơi bám biển mà hiện nay nhiều người cất được nhà to như biệt thự, làng chài nghèo ngày xưa cũng thay da đổi thịt hơn rất nhiều. Ông Hồng dẫn chứng ông Sáu Ninh là một trường hợp cụ thể. Nhờ nghề biển, ông Sáu Ninh (tức ngư dân Bùi Thanh Ninh, 66 tuổi, ngụ khu phố Thiện Chánh 1) đã sắm được biệt thự, xe hơi.
Ngư dân hiện nay cần hỗ trợ về trang thiết bị hiện đại, chính sách tài chính tốt hơn để vươn khơi bám biển. Ảnh: NGÔ QUANG |
Trò chuyện với chúng tôi, “vua tàu cá” Sáu Ninh cho biết mặc dù bây giờ ông không còn trực tiếp “cưỡi gió, đạp sóng” như mấy chục năm trước nhưng ông vẫn là nhà “chỉ huy” đội tàu bảy chiếc của gia đình qua thiết bị giám sát trên tàu.
Ông Sáu Ninh là một trong những ngư dân phất lên đầu tiên ở làng chài Thiện Chánh. “Giờ đây, nhiều ngư dân trong làng cũng phất lên từ nghề đi biển và những nghề liên quan đến biển. Nhiều người còn có cả những công ty riêng liên quan đến biển” - ông Sáu Ninh nói.
Tuy nhiên, ông Sáu Ninh cũng cho rằng trong thời điểm cuối năm ngoái đến nay, một số chủ tàu cũng gặp khó khăn trong vấn đề tìm lao động đi biển, khó khăn về xăng dầu và cả lo ngại về thời tiết trên biển. “Một số chủ tàu hiện nay cũng gặp khó khăn, có một số ngư dân đã chọn việc làm khác thay vì đi biển. Nhà nước cần có nhiều hơn những chính sách hỗ trợ ngư dân trong quá trình vươn khơi bám biển” - ông Sáu Ninh nói.