Chi cục Thủy sản tỉnh Thái Bình thường xuyên kiểm tra, phổ biến các nội dung phòng, chống khai thác IUU.

Tỉnh Thái Bình quyết tâm cùng cả nước gỡ thẻ vàng IUU

(PLO)- Vấn đề tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là tồn tại nhức nhối nhất trong chống khai thác IUU nhưng tỉnh Thái Bình đã khắc phục triệt để.

Dự kiến cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm nay, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đến Việt Nam (VN) thực hiện đợt kiểm tra lần thứ năm về công tác chống khai thác hải sản không hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của VN. Hiện các địa phương ven biển đang triển khai quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU để có thể gỡ cảnh báo thẻ vàng trong năm 2024.

P23_ASD_Chinh_h1.jpg
Chi cục Thủy sản tỉnh Thái Bình thường xuyên kiểm tra, phổ biến các nội dung phòng, chống
khai thác IUU. Ảnh: NS

Trong nỗ lực chung của cả nước, tỉnh Thái Bình xác định việc tổ chức, triển khai thực hiện công tác phòng, chống khai thác IUU là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách.

Lập ban chỉ đạo ở ba cấp

Thái Bình là địa phương ven biển với đường bờ biển dài khoảng 52 km, sở hữu đội tàu hơn 700 chiếc nên thời gian qua tỉnh xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, thường xuyên tổ chức kiểm tra tại các địa phương về thực hiện chống khai thác IUU. Đồng thời tổ chức nhiều cuộc họp đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc chỉ đạo, điều hành và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong lĩnh vực phát triển thủy sản của tỉnh.

P23_ASD_Chinh_h2.jpg
Một góc cảng cá Cửa Lân (xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, Thái Bình). Ảnh: NS

Đến nay, tỉnh Thái Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU ở cấp tỉnh, huyện, xã, thị trấn và ban hành quy chế hoạt động của ban chỉ đạo. Hằng năm UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, UBND hai huyện ven biển Thái Thụy, Tiền Hải tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Thủy sản, các văn bản liên quan và những khuyến nghị của EC về cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản VN để ngư dân biết, hiểu và chấp hành đúng quy định.

“Nhờ quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ đầu năm đến nay đã hạn chế được rất nhiều vi phạm, tình trạng ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình giảm đáng kể.”

Theo ghi nhận thực tế tại xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, nơi gần như 100% người dân sống bằng nghề cá, nhờ những hoạt động tuyên truyền về chống khai thác IUU của các cấp chính quyền địa phương, hiểu biết của người dân đã được nâng lên đáng kể.

Ngư dân Nguyễn Văn Lịch (gần 40 năm gắn bó với nghề khai thác hải sản tại thôn Quang Thịnh, xã Nam Thịnh) cho biết: “Mỗi chuyến ra khơi, chúng tôi phải thực hiện đầy đủ thủ tục. Trước khi xuất bến phải đăng ký, quá trình đánh bắt phải ghi nhật ký khai thác đánh bắt ở khu vực nào, tọa độ nào… Tôi cũng được các cơ quan chức năng của xã, cảng, biên phòng nhắc nhở không được sang vùng biển nước ngoài đánh bắt và đều chấp hành với mong muốn chung tay gỡ thẻ vàng”.

Ông Phạm Công Chất, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thịnh, chia sẻ thời gian đầu, địa phương rất vất vả vì bà con ngư dân có thói quen đánh bắt theo kiểu truyền thống, không để ý đến quy định của pháp luật. Sau đó, xã phải đẩy mạnh tuyên truyền, phát tờ rơi, đến tận nhà ngư dân để phổ biến pháp luật về chống khai thác IUU và phải dùng biện pháp mạnh như xử phạt vi phạm hành chính để có sức răn đe. Trong vài tháng gần đây, không có tàu cá nào tắt thiết bị giám sát hành trình.

Giải pháp trọng tâm chống khai thác IUU đến tháng 10

Bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tình trạng tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình vẫn còn, một số tàu cá vẫn vi phạm các quy định về đăng ký, đăng kiểm. Công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản còn chưa nghiêm, chưa đủ tính răn đe…

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thái Bình Hoàng Minh Giang, trong thời gian tới, để góp phần cùng cả nước gỡ thẻ vàng, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của cán bộ, ngư dân hiểu và chấp hành các quy định của Nhà nước về chống khai thác IUU. Ngư dân phải cùng có trách nhiệm trong việc giữ uy tín và vị thế của VN trên trường quốc tế, đảm bảo phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững, khai thác đi đôi với bảo tồn nguồn lợi, tạo sinh kế lâu dài cho người dân.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho sở và UBND tỉnh các kế hoạch thực hiện từ nay đến tháng 10 và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, ngành, địa phương, đồng thời tổ chức tham mưu công tác tuyên truyền trên thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, giám sát tàu cá qua hệ thống, quản lý chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển, tàu cá có nguy cơ cao vi phạm các khuyến nghị của EC” - ông Giang nhấn mạnh.

Không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Theo UBND tỉnh Thái Bình, tính đến hết tháng 5, tỉnh có 707 tàu cá đủ điều kiện đăng ký và nhập vào phần mềm dữ liệu tàu cá quốc gia VNFishbase.

Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thái Bình, cho biết: “Chúng tôi đã phân công bảy cán bộ trực liên tục 24/24 giờ tại chi cục, 17 người trực tại các cảng cá nên khi phát hiện có tình trạng mất kết nối thiết bị giám sát hành trình thì gọi điện thoại, nhắn tin thông báo luôn cho chủ tàu để kiểm tra”.

Về số tàu cá bị mất kết nối thiết bị giám sát hành trình, tính đến cuối tháng 5, qua rà soát trên phần mềm giám sát, có sáu tàu cá bị mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trên sáu tháng. Nguyên nhân mất kết nối thiết bị giám sát hành trình do tàu nằm bờ, không đi khai thác. Tỉnh đã giao cụ thể cho cán bộ theo dõi, giám sát vị trí neo đậu, không để tàu đi khai thác trên biển.

Điểm sáng từ mô hình “Tổ tự quản tàu thuyền”

Nhiều năm qua, lực lượng biên phòng Cửa Lân và bà con ngư dân huyện Tiền Hải (Thái Bình) đã quen với hình ảnh các thành viên của Tổ tự quản tàu thuyền xã Nam Thịnh luôn túc trực tại khu vực cảng Cửa Lân lúc mưa bão để giúp đỡ ngư dân neo đậu tàu thuyền an toàn, phát tờ rơi tuyên truyền chống khai thác IUU…

P23_Chan-trang.jpg

Ngư dân Bùi Xuân Cử (ảnh), Tổ trưởng Tổ tự quản tàu thuyền xã Nam Thịnh, cho hay tổ được thành lập vào năm 2016, nhằm tập hợp những ngư dân để khi cần thiết có thể hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Khi mới thành lập, tổ chỉ có khoảng 30 chủ tàu tham gia nhưng đến nay, số thành viên của tổ đã lên 100 chủ tàu.

“Các tổ viên ngoài hỗ trợ nhau trên biển, mọi người còn hỗ trợ về cứu hộ, cứu nạn. Bà con cũng phát hiện nhiều trường hợp dùng thuốc nổ, xung điện để khai thác liền báo tin cho lực lượng biên phòng, kiểm ngư xử lý” - ông Cử chia sẻ.

Khi chúng tôi hỏi liệu các thành viên của Tổ tự quản tàu thuyền có sợ bị trả thù không, ông Cử khảng khái trả lời: “Không! Mọi người đều làm không lương nhưng chi bộ đã tin tưởng giao trách nhiệm thì cố hết sức hoàn thành thôi”.

Thiếu tá Bùi Duy Thanh, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn biên phòng Cửa Lân, cho biết: “Tổ tự quản tàu thuyền xã Nam Thịnh thường báo tin cho chúng tôi về các trường hợp khả nghi, các tàu lạ, tàu không có biển số… khi đánh bắt hải sản trên biển. Mấy năm trước họ cũng phát hiện tàu buôn lậu, sau đó thông báo cho lực lượng chức năng…”. NHÓM PV

Tại Đồn biên phòng Cửa Lân, Trung tá Lê Xuân Hòa, Chính trị viên Đồn biên phòng Cửa Lân, Bộ đội biên phòng tỉnh Thái Bình, cho hay để chống khai thác IUU, cùng ngư dân vươn khơi, bám biển, lực lượng biên phòng đã xây dựng các kế hoạch tuyên truyền để bà con nắm rõ, hiểu được các quy định chống khai thác IUU; đồng thời tăng cường kiểm soát, kiên quyết ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong chống khai thác IUU.

Sáu tháng đầu năm 2024, lực lượng tại Đồn biên phòng Cửa Lân đã tổ chức hai chốt kiểm tra trên hai cửa sông Cửa Lân và Ba Lạt và một tổ tuần tra, kiểm soát lưu động trên sông, biển.

Ông Hoàng Minh Giang thông tin: “Trong nhiều năm nay, tỉnh Thái Bình không có tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài”.•

Chính quyền sát cánh cùng ngư dân chống khai thác IUU

Ngư dân tỉnh Thái Bình cùng chính quyền địa phương đang nỗ lực chống khai thác IUU, quyết tâm cùng cả nước sớm gỡ thẻ vàng của EC. Theo Trung tá Lê Xuân Hòa, Chính trị viên Đồn biên phòng Cửa Lân, Bộ đội biên phòng tỉnh Thái Bình, để chống khai thác IUU, cùng ngư dân vươn khơi bám biển, lực lượng biên phòng đã xây dựng các kế hoạch tuyên truyền để bà con nắm rõ, hiểu được các quy định chống khai thác IUU; đồng thời tăng cường kiểm soát, kiên quyết ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong chống khai thác IUU. Dưới đây là những hoạt động của chính quyền cùng ngư dân tỉnh Thái Bình nỗ lực chống khai thác IUU trong thời gian qua.

NHÓM PV

P23_Cot-phai_h1.jpg
Các lực lượng chức năng tuyên truyền cho ngư dân về chống khai thác IUU.
P23_Cot-phai_h2.jpg
Bộ đội biên phòng tỉnh Thái Bình thường xuyên phối hợp tuyên truyền phòng, chống
khai thác IUU cho ngư dân; tặng những món quà ý nghĩa để ngư dân yên tâm bám biển.
P23_Cot-phai_h3.jpg
Lực lượng biên phòng thăm hỏi kết hợp với tuyên truyền phòng, chống IUU cho ngư dân.
P23_Cot-phai_h4.jpg
Lực lượng biên phòng treo các nội dung về những điều chủ tàu cá cần ghi nhớ thực hiện tại các cảng cá để ngư dân thường xuyên đọc.
P23_Cot-phai_h5.jpg
Ngư dân tỉnh Thái Bình chuẩn bị đưa hải sản lên bờ sau chuyến đánh bắt trên biển.
P23_Cot-phai_h6.jpg
Ngư dân tỉnh Thái Bình yên tâm bám biển với sự sát cánh từ các cấp chính quyền.

...................................

Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến Thái Bình

Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến với bà con ngư dân tỉnh Thái Bình với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực.

Tiếp tục hành trình, Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức đến tỉnh Thái Bình, cùng với chính quyền góp phần hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Thái Bình là địa phương có biển thứ 15 mà báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức chương trình này.

Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Thái Bình cùng các sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị và đông đảo bà con ngư dân địa phương.

Tại Hội trường UBND xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, Ban Tổ chức chương trình sẽ trao tặng 200 phần quà cho các hộ ngư dân (mỗi phần quà trị giá hơn 5 triệu đồng), gồm: Bình ắc quy, bóng đèn LED, túi thuốc, cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản”, hộp combo pin Con Ó, cuộn dây thừng chuyên dụng và phiếu mua hàng trị giá 1 triệu đồng. Đồng thời, Ban Tổ chức cũng dành tặng 25 suất học bổng cho các em học sinh hiếu học là con em của bà con ngư dân.

Trước đó, sau lễ ra mắt vào tháng 4-2023, Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đã được tổ chức tại 14 tỉnh, thành, gồm: TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Trị, Quảng Bình, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Thuận, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Kiên Giang với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.

Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức từ đầu năm 2023, dự kiến sẽ diễn ra tại 28 tỉnh, TP giáp biển trên cả nước, với tổng kinh phí thực hiện hơn 30 tỉ đồng nhằm hỗ trợ, động viên, đồng hành cùng bà con ngư dân; sát cánh cùng Chính phủ và chính quyền địa phương tìm giải pháp tháo gỡ thẻ vàng cho ngành hải sản của Việt Nam.

BAN TỔ CHỨC

************************************

Lời cảm ơn

Ban Tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” trân trọng cảm ơn các nhà tài trợ đã đồng hành cùng chương trình:

- Công ty CP Pin ắc quy Miền Nam (PINACO).

- Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

- Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

- Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank).

- Công ty CP Siam Brothers Việt Nam.

- Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

- Tập đoàn Vingroup.

- Công ty CP Dược phẩm TV.Pharm.

- Công ty CP Acecook Việt Nam.

- Tập đoàn Sungroup.

- Công ty CP Địa ốc Phú Long.

- Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn - TNHH MTV…

và một số đơn vị tài trợ khác.

Đọc thêm