Trước đây Ghost Squad từng tấn công CNN, ISIS, chính phủ Afghanistan và Israel… và gần đây nhất là vụ đánh sập YouTube vào sáng 17-10-2018, khiến nhiều người không thể truy cập kể cả khi dùng WiFi và 3/4G.
Cụ thể, khi truy cập vào YouTube bằng trình duyệt và cả ứng dụng trên điện thoại, màn hình chỉ hiển thị thông báo Đã xảy ra sự cố với mạng [503] dù kết nối WiFi và 3/4G hoàn toàn bình thường. Mặc dù vậy, người dùng vẫn có thể tìm kiếm video nhưng khi nhấn xem lại xuất hiện thêm lỗi khác. Tương tự, cả Facebook cũng gặp sự cố không thể truy cập và không gửi được hình ảnh qua Messenger.
Khi thử kiểm tra tình trạng của YouTube và Facebook bằng dịch vụ https://downdetector.com/, kết quả cho thấy có hơn 2.000 người báo cáo sự cố liên quan đến YouTube, trong đó có 45% không thể xem video, 37% không thể truy cập và 17% gặp vấn đề liên quan đến việc đăng nhập. Đến thời điểm hiện tại, người dùng vẫn không thể truy cập YouTube.
Theo các báo cáo, vấn đề này ảnh hưởng đến người dùng YouTube ở nhiều nơi trên thế giới như New York (Mỹ), Anh, Úc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia…
Cụ thể, nhóm tin tặc Ghost Squad đã đăng tải một dòng trạng thái “Youtube downed by Ghost Squad Hackers” trên Twitter và nhận trách nhiệm về vụ tấn công YouTube, tuy nhiên họ không cung cấp bất kì bằng chứng hoặc chi tiết nào khác.
Tuy nhiên, Ghost Squad không phải là một nhóm “tay mơ” bởi trước đó họ từng tấn công vào các tổ chức lớn, cơ quan chính phủ và nhà nước Hồi giáo. Vào năm 2016, họ đã phát động một chiến dịch tấn công DDoS phối hợp với nhóm tin tặc Anonymous để chống lại CNN và các phương tiện truyền thông khác của Mỹ. DDoS (tấn công từ chối dịch vụ) là cách sử dụng hàng trăm ngàn địa chỉ IP và truy cập cùng lúc vào một trang web (chẳng hạn YouTube), khi lưu lượng tăng đột biến, trang web sẽ bị đánh sập bởi nó không thể xử lý được tất cả yêu cầu.
Cũng trong năm đó, Ghost Squad đã xóa sổ 12 trang web của chính phủ Afghanistan và đánh sập các trang web thuộc Ngân hàng Israel và Thủ tướng Israel.
Hiện tại không rõ đâu là lí do khiến Ghost Squad nhắm đến YouTube. Trước đó, các cuộc tấn công của nhóm liên quan đến động cơ chính trị, chẳng hạn như sự phẫn nộ trong việc sản xuất thuốc phiện tại Afghanistan, hay sự đối xử của Israel đối với người Palestine.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên Kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết.