Phú Yên: Tạo cơ hội mới để hải sản chủ lực mở rộng thị trường

Phú Yên: Tạo cơ hội mới để hải sản chủ lực mở rộng thị trường

(PLO)- Lãnh đạo tỉnh Phú Yên xác định kinh tế biển là một trong những mũi nhọn quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, từ đó nâng cao đời sống của người dân.

Trong số 28 tỉnh, thành ven biển trên khắp cả nước, Phú Yên được xem là “cái nôi” của nghề đánh bắt cá ngừ đại dương ở Việt Nam. Đây là nơi hình thành nghề câu cá ngừ sớm nhất, với sản lượng có năm lên đến 7.000 tấn/năm. Tuy nhiên, những năm gần đây sản lượng chỉ đạt ở mức 3.000-5.000 tấn/năm. Trong khi đó, giá cá lại xuống thấp vì nhiều nguyên nhân. Nguồn lợi mà ngư dân được hưởng từ cá ngừ đại dương đang giảm dần.

Ngư dân Phú Yên đang đưa cá ngừ đại dương thu hoạch được về cảng sau chuyến vươn khơi. Ảnh: HUỲNH HẢI

Ngư dân Phú Yên đang đưa cá ngừ đại dương thu hoạch được về cảng sau chuyến vươn khơi. Ảnh: HUỲNH HẢI

Kết nối doanh nghiệp, tìm đầu ra cho cá ngừ

Ngư dân Đặng Nhu (phường 6, TP Tuy Hòa) tâm sự dù sản lượng cao nhưng cá bán ra ít được giá. Trong khi giá dầu tăng, giá ngư cụ cũng tăng khiến thu nhập của bà con không có. “Nếu như trước đó 1 tấn cá lãi được 30-40 triệu đồng thì giờ rất khó” - ông Nhu nói.

Một khó khăn khác được ngư dân chia sẻ là nguồn nhân lực lao động biển đang rất thiếu. “Ra biển phải có bạn thuyền đi cùng nhưng giờ kêu họ đi khó lắm. Họ không mặn mà một phần, phần cũng do thu nhập không cao” - ông Nhu nói và cho biết chủ thuyền phải chấp nhận bỏ ra chi phí cao hơn, chia lợi nhuận nhiều hơn để giữ chân các bạn thuyền.

Về chất lượng sản phẩm, lâu nay ngư dân vẫn bảo quản cá ngừ theo đúng các tiêu chuẩn. Thị trường khó tính ở các nước tiên tiến luôn đòi hỏi sản phẩm phải đạt chất lượng theo chuẩn cao hơn nhưng chi phí ngày càng cao, giá cá lại xuống thấp, ngư dân phải chắt bóp từng đồng cho các khoản cố định, không mạnh dạn để đầu tư, nâng chất lượng cá ngừ đại dương để xuất khẩu sang các thị trường khác.

Ngư dân Đặng Nhu nói ngư dân sẵn sàng nâng cấp hệ thống bảo quản cá ngừ theo chuẩn của Nhật Bản với điều kiện giá cá phải phù hợp, đáng để họ chấp nhận đầu tư.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, năm 2022 sản lượng thủy sản khai thác ước tính đạt 63.641 tấn, trong đó sản lượng khai thác biển 63.840 tấn, sản lượng cá ngừ đại dương đạt 3.300 tấn.

Sau khi đánh bắt, ngư dân ở đây tốn ba cây đá để ngâm một con cá ngừ khi vừa câu lên. Vì phải ngâm trong 5 tiếng đồng hồ rồi sau đó đem ra muối lại nên rất hao đá. Với những con cá dạt, doanh nghiệp không thu mua hoặc nếu có cũng chỉ ở mức 50.000 đồng/kg, có trường hợp rớt xuống 20.000 đồng/kg.

Chia sẻ thêm, ngư dân Huỳnh Nuôr (60 tuổi) cho biết nếu giá cá ổn, có đầu ra thì ngư dân sẽ sẵn sàng đầu tư. Bởi hiện nay mọi chi phí đều tăng, ngư dân thiếu vốn thì khó có thể yêu cầu họ đáp ứng được chuẩn đầu ra cho thị trường nước ngoài. Ngoài ra, ông cũng mong các cấp chính quyền sẽ có sự kết nối, làm việc với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho cá ngừ, giúp ngư dân mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ngư dân mong các cấp chính quyền sẽ có sự kết nối, làm việc với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho cá ngừ, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: HUỲNH HẢI

Ngư dân mong các cấp chính quyền sẽ có sự kết nối, làm việc với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho cá ngừ, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: HUỲNH HẢI

Tiến sâu vào các thị trường nước ngoài

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên, Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU), cho biết Phú Yên luôn nhận thức phát triển kinh tế thủy hải sản là vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa giúp giải quyết việc làm vừa giúp ổn định an sinh xã hội.

Chính vì vậy, trong xây dựng quy hoạch phát triển chung của tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ vị trí, vai trò của ngành thủy hải sản đối với phát triển kinh tế. “Thủy sản tại Phú Yên rất phong phú, đa dạng nhưng chúng tôi tập trung vào hai mũi nhọn chính là tôm hùm và cá ngừ đại dương” - ông Lê Tấn Hổ nói.

Phó chủ tịch UBND thường trực cho hay tỉnh đã có tính toán, xác định lại quy hoạch vùng nuôi tôm hùm để hài hòa với phát triển du lịch. Bởi theo ông, nếu nuôi với mật độ, vị trí hợp lý thì sẽ hỗ trợ phát triển du lịch. Ngược lại, nếu quy hoạch quá dày ở những vị trí không hợp lý, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao. Điều này sẽ gây mâu thuẫn, kìm hãm sự phát triển của ngành du lịch tỉnh nhà.

Ngoài ra, Phú Yên cũng xác định phải áp dụng công nghệ mới trong nuôi tôm hùm. Hiện đã nuôi thử nghiệm thành công tôm hùm trên cạn, nếu điều kiện cho phép thì thời gian tới sẽ đẩy mạnh theo hướng này. “Chúng tôi đã chuẩn bị 80 ha trong quy hoạch để phát triển nuôi tôm hùm trên cạn, đồng thời đang tính toán đến việc nuôi ở những vùng xa hơn khi có điều kiện” - Phó Chủ tịch thường trực Lê Tấn Hổ cho hay.

Còn đối với cá ngừ đại dương, ông Lê Tấn Hổ cho rằng cần giải được bài toán là làm sao tăng sản lượng đánh bắt. Theo ông, dù Phú Yên được xem là “cái nôi” của cá ngừ đại dương nhưng nhiều năm qua sản lượng đánh bắt còn thấp do năng lực tàu thuyền chưa đạt. Vì vậy, việc trước mắt là phải nâng năng lực đánh bắt của tàu thuyền.

Kế đó, cần xây dựng được chuỗi từ đánh bắt đến chế biến. Đặc biệt với những đòi hỏi gắt gao hiện nay của thị trường thì cần có phương án đảm bảo về giống nuôi trồng, dịch vụ hậu cần, các thiết bị đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, chế biến thức ăn.

Phú Yên đang tìm mọi cách để nâng chuẩn chất lượng của các mặt hàng xuất khẩu, đẩy mạnh tiến sâu vào các thị trường khó tính, chẳng hạn như Nhật Bản. Ảnh: QUỐC VŨ

Phú Yên đang tìm mọi cách để nâng chuẩn chất lượng của các mặt hàng xuất khẩu, đẩy mạnh tiến sâu vào các thị trường khó tính, chẳng hạn như Nhật Bản. Ảnh: QUỐC VŨ

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho hay tỉnh đang tìm mọi cách để nâng chuẩn chất lượng của các mặt hàng xuất khẩu, đẩy mạnh tiến sâu vào thị trường Nhật Bản. Đây là thị trường khó tính nhưng nếu phát triển được thì sẽ mở ra những cơ hội mới.

Khi sản phẩm đã đúng chuẩn chất lượng, việc tiếp theo là phải giải được bài toán về thị trường tiêu thụ. “Thị trường ở đâu? Đâu là thị trường chính, đâu là thị trường phụ? Làm thế nào để tiến sâu vào các thị trường này một cách lâu dài, bền vững?… Đây là những câu hỏi mà tỉnh phải trả lời được, để từ đó tạo chuỗi phát triển bền vững cho ngành thủy hải sản của địa phương” - ông Lê Tấn Hổ khẳng định và thông tin tỉnh đã cử đoàn công tác đi tiếp xúc, làm việc với Nhật Bản để tìm hiểu, học hỏi thêm về kỹ thuật của nước bạn. Qua đó giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt chuyên môn, kỹ thuật để tỉnh có thể ứng dụng, giới thiệu cách làm đến với ngư dân.

Cạnh đó, Phú Yên cũng có kế hoạch nâng cấp các cảng cá, ngư trường đánh bắt với mục tiêu là nhằm giúp địa phương phát triển kinh tế biển bền vững.

Đưa cá ngừ đại dương đến với các thị trường “khó tính”

So với thế giới, giá nguyên liệu cá ngừ trong nước hiện vẫn đang cao hơn. Nguyên nhân là do họ có nguồn tài nguyên dồi dào, ngư trường lớn và chi phí khai thác thấp.

Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty CP Bá Hải. Ảnh: QUỐC VŨ

Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty CP Bá Hải. Ảnh: QUỐC VŨ

Tình hình kinh tế toàn cầu suy thoái như hiện nay cũng phần nào ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nhu cầu giảm trong khi nguồn cung vẫn ổn định thì giá cá sẽ hạ. Ở các nước, thiên nhiên ưu đãi với nguồn cá dồi dào nên chi phí thấp, với mức giá 70.000-80.000 đồng/kg họ cũng bán được. Còn tại Việt Nam, với mức giá bán 100.000 đồng/kg thì ngư dân không có lời.

Để có thêm đầu ra, tôi cho rằng ngư dân cần học hỏi để mở rộng nghề nghiệp. Họ cũng cần có thêm vốn để đầu tư ngư lưới cụ, khai thác các nguồn thủy hải sản khác như dùng lưới vây, lưới rê…

Vấn đề quan trọng nhất là làm sao giúp ngư dân nâng cao được giá trị sản phẩm của họ trong quá trình khai thác, bảo quản. Như cá ngừ đại dương hiện nay giá thấp là do chúng ta chỉ đông lạnh. Nếu có thể đảm bảo chất lượng để cung ứng cho các thị trường khó tính hơn như Nhật Bản… thì sẽ khác. Do vậy, cũng cần tìm cách để giúp bà con có kỹ thuật đánh bắt sao cho cá ngừ đạt được chất lượng cao theo tiêu chuẩn thế giới.

Kế đó, tôi cho rằng Nhà nước cần có giải pháp giúp ngư dân mở rộng ngư trường đánh bắt. Nếu làm được thì không chỉ ngành cá ngừ đại dương mà các ngành khai thác khác cũng bền vững.

Ông LÊ VĂN HỒNG, Giám đốc Công ty CP Bá Hải

-------

Nâng cao giá trị gia tăng cho cá ngừ đại dương

Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên cho biết ngư dân Phú Yên khai thác cá ngừ bằng ba nghề chính là nghề câu cá ngừ đại dương, nghề lưới vây và lưới rê.

UBND tỉnh Phú Yên, các ngành, các cấp có liên quan, UBND các xã, phường ven biển trong tỉnh liên tục có những chỉ đạo, thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân trong tỉnh mạnh dạn vươn khơi bám biển.

Dù vậy, ngư dân tại tỉnh nhà hiện đối mặt với nhiều khó khăn như thời gian chuyến biển kéo dài, chi phí chuyến biển tăng. Nguồn nhân lực khai thác thủy sản vẫn còn thiếu dù đã được chính quyền quan tâm đào tạo; nhiều lao động chưa qua đào tạo nghề, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm.

Công nhân Công ty CP Bá Hải đang đóng thành phẩm cho các sản phẩm cá ngừ đại dương để cung ứng ra thị trường. Ảnh: QUỐC VŨ

Công nhân Công ty CP Bá Hải đang đóng thành phẩm cho các sản phẩm cá ngừ đại dương để cung ứng ra thị trường. Ảnh: QUỐC VŨ

Ngoài ra, trình độ khoa học kỹ thuật của ngư dân thấp, khó tiếp cận với công nghệ tiên tiến nên không mạnh dạn đầu tư cải tiến tàu, ngư cụ. Trong khi đó, sản phẩm khai thác của các tàu có ứng dụng công nghệ tiên tiến vào bảo quản vẫn được mua bằng với giá của các tàu truyền thống nên ngư dân không muốn ứng dụng.

Sở NN&PTNT nhìn nhận việc cắt giảm nhân lực làm công tác quản lý và tăng cường giao nhiệm vụ nhằm chống khai thác IUU, khắc phục thẻ vàng của EC dẫn đến tổ chức thực hiện nhiệm vụ có ít nhiều thay đổi. Mặt khác, việc thu mẫu giao Chi cục Thủy sản không còn phù hợp mà phù hợp với người làm việc tại cảng cá nhưng họ lại chưa được hướng dẫn, tập huấn để thực hiện. Cạnh đó, kinh phí để thực hiện cũng gặp khó khăn.

Từ đó, sở kiến nghị tổ chức lại công tác thu mẫu phù hợp với tình hình mới như có quy định về nhân lực, kinh phí phù hợp với từng địa điểm thu mẫu… để hình thành hệ thống thu mẫu thuộc quản lý của ban quản lý cảng cá.

Cùng đó là tăng nguồn vốn khuyến ngư và vốn khoa học công nghệ để xây dựng mô hình về ứng dụng khoa học công nghệ vào khai thác, chế biến, bảo quản sản phẩm trên tàu cá để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng đối với sản phẩm từ khai thác.

Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên cũng đề nghị đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành thủy sản, trong đó có lực lượng thu mẫu, xử lý mẫu. Điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường, đối tượng khai thác có giá trị kinh tế cao còn khả năng cho phép khai thác như cá ngừ, mực, bạch tuộc và một số loài cá, giáp xác, nhuyễn thể khác; hướng dẫn công nghệ khai thác vùng nước sâu giúp ngư dân tổ chức khai thác có hiệu quả.

Hôm nay, Pháp Luật TP.HCM cùng chính quyền tỉnh Phú Yên “đáp lời ngư dân”

Nằm trong khuôn khổ chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”, báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức diễn đàn “Đáp lời ngư dân” diễn ra vào sáng nay (29-8) tại TP Tuy Hòa, Phú Yên. Chương trình có sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên cùng 50 gia đình bà con ngư dân.

Đây là diễn đàn để “ngư dân hỏi - chính quyền đáp” liên quan đến đời sống, sinh kế, hoạt động kinh tế, đánh bắt thủy hải sản tại các tỉnh, thành có biển. Quý bà con ngư dân có thể bày tỏ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng; bày tỏ sự ủng hộ với các chính sách, chủ trương, hoạt động hiệu quả từ chính quyền; phản ánh những khó khăn, bất cập liên quan đến đời sống bám biển. Chính quyền có thể ghi nhận, trả lời, đưa ra những định hướng xử lý và qua đó xem xét phát huy các cơ chế, chính sách hiệu quả; điều chỉnh các cơ chế, chính sách còn hạn chế, nhằm mang lại lợi ích cho ngư dân tốt hơn.

Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên (bên phải) và ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập thường trực báo Pháp Luật TP.HCM, đồng chủ trì cuộc họp bàn về việc tổ chức chương trình tại Phú Yên. Ảnh: H.HẢI

Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên (bên phải) và ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập thường trực báo Pháp Luật TP.HCM, đồng chủ trì cuộc họp bàn về việc tổ chức chương trình tại Phú Yên. Ảnh: H.HẢI

Chương trình lần này dự kiến sẽ tập trung vào một số vấn đề quan trọng như tình hình quản lý đánh bắt thủy hải sản, ngăn ngừa và xử lý tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) để chung tay gỡ thẻ vàng EC với ngành hải sản Việt; các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi hiểu luật, bám biển bình an. Cùng đó là các vấn đề liên quan đến việc thúc đẩy ngành kinh tế cá ngừ đại dương phát triển bền vững, nâng cao giá trị cá ngừ đại dương để cải thiện sinh kế cho bà con ngư dân; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực bám biển hiện nay và thời gian tới.

Đây là lần đầu tiên báo Pháp Luật TP.HCM tạo diễn đàn để chính quyền và ngư dân có cơ hội trao đổi, thảo luận, hiến kế, tìm kiếm các giải pháp để ngành ngư nghiệp ở Phú Yên nói riêng và các tỉnh, thành có biển nói chung phát triển. Quý vị khán giả có thể theo dõi chương trình được trực tiếp trên báo điện tử Pháp Luật TP.HCM (plo.vn) và trên các nền tảng YouTube, Facebook của báo Pháp Luật TP.HCM lúc 8 giờ 45 sáng nay (29-8).

Chương trình cũng sẽ tổ chức thăm hỏi các gia đình ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tiêu biểu; tặng 200 phần quà, mỗi phần trị giá hơn 4 triệu đồng cho 200 hộ ngư dân trên địa bàn tỉnh Phú Yên, bao gồm một bình ắcquy + đèn LED, một cẩm nang Những điều cần biết về đánh bắt hải sản, một túi thuốc gia đình phục vụ cho ngư dân ra khơi và một hộp combo pin Con Ó, cùng thực phẩm cần thiết khác.

Chương trình còn tặng 25 suất học bổng cho con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi (mỗi suất học bổng gồm 2 triệu đồng tiền mặt, tập vở, dụng cụ, ba lô học sinh…).

Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức ra mắt vào tháng 4-2023. Đến nay, chương trình đã đến với bà con ngư dân bốn tỉnh, thành gồm: TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận và Quảng Trị. Chương trình do ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, làm chủ tịch danh dự.

Ban Tổ chức chương trình mong muốn bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, chương trình sẽ góp phần hiệu quả trong việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của bà con ngư dân khi tham gia đánh bắt trên biển; qua đó, cùng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và các địa phương cấp bách tháo gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt Nam theo kế hoạch hành động mà Thủ tướng đã ban hành. Đồng thời, chương trình cũng mong là cầu nối để cộng đồng xã hội cùng chung tay hỗ trợ bà con ngư dân an tâm bám biển, khẳng định, gìn giữ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

ĐỖ THIỆN

Đọc thêm