Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) vừa ban hành Công văn 24/2024 về việc định hướng, gợi ý một số nội dung về sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Mục đích nhằm sắp xếp, tinh gọn tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện tương đồng với sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, liên thông trong quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến cấp huyện.
Đồng thời, thực hiện sắp xếp giảm đầu mối bên trong gắn với giảm biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, có số lượng cơ cấu hợp lý, có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thời kỳ mới.
Duy trì ba sở, có sắp xếp bộ máy bên trong
Theo nội dung công văn, đối với cấp tỉnh, sẽ duy trì ba sở (có sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong), gồm Sở Tư pháp, Sở VH-TT&DL (hoặc Sở Văn hóa, Thể thao đối với các địa phương duy trì Sở Du lịch), Thanh tra tỉnh và Văn phòng UBND cấp tỉnh.
Hợp nhất Sở KH&ĐT và Sở Tài chính thành Sở Kinh tế - Tài chính. Hợp nhất Sở GTVT và Sở Xây dựng thành Sở Xây dựng và Giao thông. Hợp nhất Sở TN&MT và Sở NN&PTNN thành Sở Nông nghiệp và Môi trường. Hợp nhất Sở LĐ-TB&XH và Sở Nội vụ thành Sở Nội vụ và Lao động.
Công văn của Ban Chỉ đạo cũng nêu rõ định hướng, gợi ý cơ cấu, sắp xếp, chuyển nhiệm vụ đối với ba sở tương ứng với sắp xếp các bộ ở Trung ương.
Cụ thể, Sở Y tế tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội; trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội; quản lý sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em từ Sở LĐ-TB&XH chuyển sang và tiếp nhận nhiệm vụ theo dõi, quản lý sức khỏe cán bộ của tỉnh (sau khi kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe tỉnh).
Sở GD&ĐT sẽ tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở LĐ-TB&XH chuyển sang.
Sở Công Thương tiếp nhận nguyên trạng Cục quản lý thị trường địa phương từ Bộ Công Thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương.
Sắp xếp với các đơn vị đặc thù
Ban Chỉ đạo cũng có định hướng cơ cấu sắp xếp đối với các sở đặc thù, gồm Ngoại vụ, Du lịch, QH-KT, An toàn thực phẩm và Ban Dân tộc.
Theo đó, Sở Ngoại vụ sẽ sáp nhập vào Văn phòng UBND tỉnh hoặc duy trì thì củng cố, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bên trong của Sở này, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Một số địa phương có Sở QH-KT sẽ thực hiện sáp nhập Sở này vào Sở Xây dựng và Giao thông. Trường hợp có yêu cầu đặc thù về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực GTVT trên địa bàn như TP Hà Nội và TP.HCM có thể xem xét, quyết định việc duy trì Sở GTVT và thực hiện phương án sáp nhập Sở QH-KT vào Sở Xây dựng, bảo đảm phù hợp với tình hình, đặc điểm tại TP Hà Nội và TP.HCM.
Đối với các địa phương đang có Ban Dân tộc sẽ thực hiện sắp xếp tương đồng với Ủy ban Dân tộc – Tôn giáo (ở Trung ương) theo hướng đổi tên thành Ban Dân tộc – Tôn giáo; tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về tôn giáo từ Sở Nội vụ; nhiệm vụ giảm nghèo từ Sở LĐ-TB&XH.
Đối với các địa phương không thành lập Ban Dân tộc (kể cả trường hợp đáp ứng đủ tiêu chí) thì chủ động quyết định chuyển chức năng tham mưu về công tác dân tộc từ Văn phòng UBND cấp tỉnh về Sở Nội vụ - Lao động (sau hợp nhất) để thống nhất đầu mối tham mưu quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo và thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo.
Đối với các địa phương đang có Sở Du lịch thì căn cứ tình hình, đặc điểm của địa phương chủ động quyết định phương án hợp nhất với Sở Văn hóa, Thể thao thành Sở VH-TT&DL hoặc duy trì thì cũng cố, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bên trong của Sở này, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Riêng với Sở An toàn thực phẩm, trường hợp không duy trì thì chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm về Sở Y tế; các nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm chuyên ngành về các Sở gồm Y tế; Công Thương; Nông nghiệp và Môi trường.
Cũng theo Ban Chỉ đạo, việc sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn nêu trên theo định hướng, gợi ý tại Văn bản này bảo đảm tổng số sở thuộc UBND cấp tỉnh không quá 14 sở. Riêng TP Hà Nội và TP.HCM có không quá 15 sở.
Tại cấp huyện thì theo hình thức cấp tỉnh, các cơ quan chuyên môn cấp huyện sẽ hợp nhất và thống nhất tên gọi với sắp xếp các Bộ ở Trung ương, Sở, ngành ở cấp tỉnh.
Các địa phương hoàn thành việc sắp xếp trước 20-2-2025
Các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị của địa phương xây dựng Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương và định hướng, gợi ý của Ban Chỉ đạo của Chính phủ.
Cùng với đó, chuẩn bị kỹ lưỡng phương án nhân sự, chế độ chính sách, trụ sở, tài chính, tài sản, trang thiết bị, con dấu và các điều kiện bảo đảm khác để thực hiện được ngay sau khi Trung ương, Quốc hội thông qua (dự kiến Trung ương, Quốc hội sẽ họp trong tháng 2-2025).
UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành xây dựng Đề án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; tham mưu, trình UBND cấp tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn UBND cấp huyện về sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên.
Các địa phương hoàn thành việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, đảm bảo sự đồng bộ, tinh gọn bộ máy, hoàn thành trước 20-2-2025 và báo cáo về Bộ Nội vụ trước ngày 28-2-2025.