Hợp nhất bộ ngành, tinh gọn bộ máy Chính phủ tác động đến 113 luật

(PLO)- Việc hợp nhất bộ ngành, tinh gọn bộ máy Chính phủ giúp khắc phục chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ vừa được Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện nghị quyết 18 (Ban Chỉ đạo) ký ban hành ngày 5-12 đã nêu ra các tác động sơ bộ từ việc này.

Cụ thể, theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, tổ chức bộ máy Chính phủ khóa XV và khóa XVI (nhiệm kỳ 2026-2031) được tinh gọn sẽ gồm 13 bộ, bốn cơ quan ngang bộ (giảm năm bộ) và bốn cơ quan thuộc Chính phủ (giảm bốn cơ quan).

Các tổ chức bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ cũng thực hiện sắp xếp, tinh gọn đầu mối, giảm mạnh các tổng cục, cục, vụ, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cục, vụ, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổng cục.

Theo kế hoạch chi tiết vừa được ban hành, việc định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ giúp hoàn thiện mô hình tổ chức Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đối với một số lĩnh vực. Cùng đó, điều chỉnh hợp lý về phân công quản lý nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực, khắc phục chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Cùng với việc sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy Chính phủ thì sẽ thực hiện sắp xếp lại tổ chức bên trong của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Thực hiện cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng đội ngũ và tinh giản biên chế một cách triệt để gắn với thực hiện chính sách thu hút người có tài năng vào khu vực công theo đúng chủ trương chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng.

Tuy nhiên, do số lượng cơ quan các thuộc diện sắp xếp lớn, phạm vi tác động rộng, không tránh khỏi sự tác động đến tư tưởng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người đang giữ chức vụ lãnh đạo.

Hơn nữa khi thực hiện phương án sắp xếp này thì quy mô, phạm vi của một số Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực sẽ lớn, đặt ra yêu cầu cao đối với người đứng đầu Bộ và đội ngũ lãnh đạo Bộ.

“Vì vậy, cần có sự chuẩn bị kỹ trong công tác nhân sự để bảo đảm triển khai phương án đồng bộ, hiệu quả” – kế hoạch của Ban Chỉ đạo nêu.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ cũng liên quan đến điều chỉnh tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của một số Bộ, cơ quan ngang Bộ đang được quy định tại các luật chuyên ngành.

Qua rà soát 247 luật thì có 113 luật đang quy định về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thuộc đối tượng sắp xếp nêu trên.

Để hạn chế tác động của việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đối với cán bộ, công chức, viên chức, cần có chính sách đủ mạnh, nổi trội đối với các đối tượng chịu tác động của quá trình sắp xếp. Điều này nhằm giảm áp lực về tư tưởng, tâm lý của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và bảo đảm quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương, các bộ, ngành có trách nhiệm xây dựng Báo cáo tổng kết và gửi về Ban Chỉ đạo Trung ương trước ngày 31-12-2024 (bao gồm cả Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ).

Để bảo đảm tiến độ xây dựng Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ, Bộ Nội vụ đề xuất với Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành hoàn thành Báo cáo, gửi về Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ trước ngày 15-12-2024.

Bộ Nội vụ sẽ chủ động xây dựng Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ trên cơ sở Báo cáo sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết 18 và cập nhật kết quả của bảy năm thực hiện Nghị quyết 18 (tính đến ngày 30-9-2024).

Sau khi nhận được báo cáo của các Bộ, ngành, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp, rà soát và hoàn thiện Báo cáo, trình Ban Cán sự đảng Chính phủ vào ngày 25-12-2024 để kịp gửi Ban Chỉ đạo Trung ương vào ngày 31-12-2024.

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Báo cáo, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tiến hành tổ chức các hội nghị, hội thảo và khảo sát, làm việc với một số cơ quan, tổ chức để thống nhất định hướng tổng kết Nghị quyết 18.

Ban Chỉ đạo giao Bộ, ngành, cơ quan liên quan lập Ban Chỉ đạo do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan đứng đầu để chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18. Đối với các Bộ thực hiện phương án hợp nhất, đề nghị thành lập Ban Chỉ đạo chung do đại diện lãnh đạo của hai Bộ đồng chủ trì để chỉ đạo trong việc xây dựng Đề án hợp nhất hai Bộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm