Hôm nay (18-1), chương trình Xuân quê hương năm 2025 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNƠNN), Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức sẽ chính thức diễn ra. Chương trình năm nay được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hưng Yên; đây cũng là lần thứ tư chương trình được diễn ra (sau ba lần vào các năm 2014, 2017 và 2024).
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN, cho biết cộng đồng NVNƠNN hiện có khoảng 6 triệu người đang sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ (trên 80% là ở các nước phát triển). Kiều bào hội nhập ngày càng sâu rộng, khẳng định vị thế, đóng góp cho sự phát triển của nước sở tại và thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa VN với các nước.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho kiều bào về làm ăn, sinh sống
. Phóng viên: Thưa bà, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách cụ thể nào để thu hút các nguồn lực kiều bào về đầu tư, phát triển đất nước?
+ Bà Lê Thị Thu Hằng: Những năm qua, các chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về công tác đối với NVNƠNN đã được triển khai một cách nhất quán, đồng bộ, được cụ thể hóa bằng các chính sách, quy định của pháp luật nhằm hỗ trợ cộng đồng ổn định, phát triển và tạo điều kiện để bà con đóng góp cho đất nước về cả trí lực, tài lực và tình cảm với quê hương.
Bộ Chính trị đã có nhiều văn kiện quan trọng như Nghị quyết 36/2004 về công tác NVNƠNN, Chỉ thị 45/2015 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36 về công tác về NVNƠNN trong tình hình mới, Kết luận 12/2021 về công tác NVNƠNN trong tình hình mới.
Ngoài ra, những năm gần đây, trong các chuyến công tác ra nước ngoài, các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các đoàn cấp bộ, lãnh đạo các địa phương đều dành thời gian gặp gỡ, tiếp xúc với kiều bào. Qua đó, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, góp ý hay những ý kiến tâm huyết của bà con đối với đất nước… trên cơ sở này sẽ sửa đổi, bổ sung các chính sách, quy định cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để bà con về nước sinh sống, làm ăn, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Về mặt pháp lý, Quốc hội và Chính phủ đã nỗ lực cải thiện hệ thống pháp luật để tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh của kiều bào, đáng chú ý là các quy định về đất đai, nhà ở, đầu tư…
Những đóng góp của kiều bào luôn quan trọng và có ý nghĩa hơn bao giờ hết, nhất là khi dân tộc ta với niềm tin mới, khí thế mới đang quyết tâm đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên phát triển.
Chẳng hạn, Luật Đất đai năm 2024 cho phép công dân VN định cư ở nước ngoài được hưởng các quyền như công dân trong nước; Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật Đầu tư năm 2020 tiếp tục khẳng định rõ nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư là NVNƠNN có quốc tịch VN và nhà đầu tư trong nước, góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch và bình đẳng.
Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và giáo dục, Chính phủ cũng ban hành nhiều nghị định về việc thu hút, trọng dụng cá nhân NVNƠNN hoạt động khoa học, công nghệ. Nhờ những chính sách đó mà ngày càng có nhiều kiều bào trở về VN đầu tư, hợp tác và cống hiến hoặc đóng góp từ xa thông qua các dự án trong nhiều lĩnh vực khác nhau…
. Bà có thể chia sẻ thêm về kết quả của những chính sách này?
+ Trong những năm qua, cộng đồng NVNƠNN ngày càng khẳng định vai trò là một nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước.
Tổng lượng kiều hối đạt hơn 230 tỉ USD trong 30 năm
VN trong nhiều năm qua luôn nằm trong top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Theo Ngân hàng Nhà nước, năm 2023, kiều hối chuyển về VN đạt 16 tỉ USD.
Tính từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến tháng 7-2024, tổng lượng kiều hối đạt hơn 230 tỉ USD, tương đương với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân trong cùng giai đoạn. Trong đó, TP.HCM dẫn đầu các địa phương về lượng kiều hối, đạt 9,5 tỉ USD vào năm 2023 (chiếm 60% tổng kiều hối cả nước), tiếp theo là Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội và Nghệ An. Lượng kiều hối gửi về nhiều nhất là từ Mỹ (chiếm khoảng 60%), tiếp theo là Canada (1,5 tỉ USD/năm) và Úc (1,2 tỉ USD/năm).
Trong lĩnh vực đầu tư, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ NVNƠNN không ngừng tăng về số lượng và chất lượng. Tính đến tháng 7-2024, kiều bào từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 421 dự án FDI tại 42/63 tỉnh, TP với tổng vốn đăng ký khoảng 1,722 tỉ USD. Đáng chú ý, Hà Nội thu hút 88 dự án với tổng vốn 477,22 triệu USD (25% tổng vốn). Long An và Bình Thuận cũng nằm trong số các địa phương nổi bật với mức vốn lần lượt là 213,11 triệu USD và 141,48 triệu USD…
Bên cạnh đó, NVNƠNN còn đóng góp mạnh mẽ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Hằng năm có khoảng 500 lượt trí thức kiều bào về nước tham gia hoạt động khoa học, công nghệ, đóng góp ý kiến trong các vấn đề phát triển của đất nước.
Nổi bật trong đó là Hội nghị NVNƠNN toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn Trí thức, chuyên gia VN ở nước ngoài năm 2024. Sự kiện này thu hút khoảng 400 kiều bào và hơn 200 đại biểu từ các tỉnh, TP trong nước, cùng hơn 100 bài tham luận, ý kiến phát biểu, đề xuất nhiều giải pháp phát triển kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, tái chế và nông nghiệp tự động hóa.
Mới đây, trí thức, nhà khoa học kiều bào cũng được mời tham dự Hội nghị toàn quốc về Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Hoàn thiện khung pháp lý, củng cố niềm tin của kiều bào
. Dù vậy, kiều bào cho rằng quá trình thực thi chính sách vẫn còn tạo ra những rào cản, vậy những rào cản đó được chúng ta khắc phục ra sao để tạo niềm tin với kiều bào, giúp họ yên tâm đầu tư?
+ Có thể nói khung luật pháp, khung chính sách đối với NVNƠNN trong những năm qua đã có những bước tiến quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con kiều bào về nước làm ăn, đầu tư.
Những đóng góp không thể nào đong đếm
Một điểm đặc biệt mà chúng ta luôn tự hào đó là tinh thần tương thân tương ái của đồng bào ta luôn được phát huy trong mọi hoàn cảnh với những đóng góp không thể nào đong đếm. Tinh thần này có thể thấy rõ trong dịch COVID-19, bão Yagi…
Tôi có thời gian dài công tác tại các cơ quan đại diện VN ở nước ngoài, đi công tác nhiều nơi, gặp gỡ, tiếp xúc với bà con kiều bào từ khắp nơi trên thế giới. Qua những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ ấy, tôi cảm nhận người Việt ta ở nơi đâu dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào luôn mang trong mình tinh thần tương thân tương ái.
Trong đại dịch COVID-19, cộng đồng NVNƠNN đã quyên góp ủng hộ trong nước hơn 80 tỉ đồng, cùng các vật phẩm, trang thiết bị y tế có giá trị hàng chục tỉ đồng... Điều này đã giúp giảm bớt gánh nặng cho đất nước, là nguồn động viên tinh thần quý giá với các lực lượng tuyến đầu.
Hay khi siêu bão Yagi quét qua và gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh miền núi phía Bắc, kiều bào ta đã quyên góp được hơn 57 tỉ đồng, cùng lượng lớn lương thực, thực phẩm, vật dụng thiết yếu và trang thiết bị cứu trợ.
Mỗi đóng góp, dù lớn hay nhỏ, đều minh chứng cho tình cảm sâu đậm của kiều bào với quê hương. Đó không chỉ là sự hỗ trợ vật chất mà còn là nguồn cổ vũ tinh thần to lớn, thắt chặt thêm mối liên kết bền chặt giữa đồng bào xa xứ và đất nước. Chúng tôi trân trọng cảm ơn sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Những nghĩa cử cao đẹp này chính là sức mạnh để chúng ta cùng vượt qua mọi khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng vững mạnh.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao LÊ THỊ THU HẰNG,
Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn một số hạn chế trong quá trình thực thi các chính sách. Điều này thường xuất phát từ sự bất cập trong tổ chức thực hiện, thiếu hướng dẫn cụ thể về một số quy định trong luật pháp, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng vào thực tế. Một số vấn đề do xung đột pháp luật VN và nước sở tại, nơi bà con ta định cư, làm việc.
Để khắc phục, công tác xây dựng pháp luật, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến NVNƠNN luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Hằng năm Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát một cách toàn diện, trong đó chú trọng vào việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực quốc tịch, xuất nhập cảnh, bảo hộ công dân, đất đai, nhà ở, đầu tư, kinh doanh, làm việc, trọng dụng trí thức, nhà khoa học để có sự đồng nhất giữa chính sách và việc thực thi chính sách.
Bộ Ngoại giao còn chỉ đạo sát sao các cơ quan trong nước và các cơ quan đại diện VN ở nước ngoài trong việc hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc cho kiều bào. Nhiều hình thức tiếp nhận ý kiến từ cộng đồng NVNƠNN đã được triển khai như tổ chức hội nghị chuyên đề, tọa đàm, khảo sát trực tuyến, các buổi tiếp xúc trực tiếp giữa lãnh đạo cấp cao với cộng đồng NVNƠNN.
Những nỗ lực này không chỉ nhằm xóa bỏ các rào cản mà còn giúp kiều bào cảm nhận sâu sắc hơn tình cảm, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với mình. Đúng như Nghị quyết 36 đã khẳng định: “Cộng đồng NVNƠNN là bộ phận không tách rời và là nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc VN”.
Với việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường các chính sách hỗ trợ, chúng tôi tin rằng niềm tin của kiều bào vào chính sách của Đảng và Nhà nước sẽ ngày càng được củng cố, giúp bà con yên tâm đóng góp vào sự phát triển bền vững của quê hương.
Chung tay đưa đất nước vươn mình với niềm tin mới
. Trước những dấu mốc quan trọng của đất nước như 100 năm ngày thành lập Đảng, 100 năm ngày thành lập nước, 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…, bà có thông điệp gì gửi đến kiều bào để cùng chung tay xây dựng đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới?
+ Năm 2025 là dịp để chúng ta ôn lại và tự hào về những thành tựu đã đạt được của dân tộc ta trong suốt chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và trong mỗi chặng đường lịch sử ấy đều ghi dấu những đóng góp vô cùng lớn lao của kiều bào.
Thông điệp được thể hiện rõ nét nhất là việc Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán, trước sau như một về các chính sách đối với kiều bào - đó là đồng bào ta ở nước ngoài luôn là một phần máu thịt của dân tộc, là nguồn lực quý báu đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Đảng, Nhà nước luôn chăm lo, hỗ trợ kiều bào ổn định cuộc sống ở nước sở tại và luôn trân trọng những đóng góp vô giá của kiều bào với đất nước.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng trong giai đoạn hiện nay, khi dân tộc ta đang chung sức, đồng lòng với niềm tin mới, khí thế mới quyết tâm đưa đất nước ta tiến vào kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ thì những đóng góp của kiều bào càng quan trọng và có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Trước đây chúng ta đã từng chứng kiến những trí thức lớn sẵn sàng gác lại sự nghiệp để về nước tham gia kháng chiến theo lời kêu gọi của Bác Hồ, hay những doanh nhân, trí thức kiều bào đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của đất nước ta sau Đổi mới. Với thế và lực phát triển ngày nay của đất nước cũng rất cần những con người có năng lực và tinh thần đổi mới sáng tạo, khát vọng cống hiến để góp phần tạo nên bước chuyển đổi về chất, đưa đất nước ta nhanh chóng hiện thực hóa các mục tiêu phát triển.
Và trên hết, dù sinh sống, làm việc ở bất kỳ nơi đâu, chúng ta đều là những người con chung một Tổ quốc, một dân tộc, cùng chung sức vì sự phát triển thịnh vượng của đất nước trong kỷ nguyên mới.
. Xin cảm ơn bà.•
Chương trình Xuân quê hương năm 2025: Việt Nam - Vươn lên trong kỷ nguyên mới
Chương trình Xuân quê hương năm 2025 có chủ đề “Việt Nam (VN) - Vươn lên trong kỷ nguyên mới” là sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng, mở đầu cho một năm mang tính bước ngoặt đối với đất nước.
Chương trình được diễn ra từ ngày 18 đến 20-1, truyền tải thông điệp về khát vọng phát triển mạnh mẽ của dân tộc, nhân dân trong nước và đồng bào ở nước ngoài một lòng phấn đấu, đoàn kết và quyết tâm để đưa đất nước bước vào giai đoạn mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc VN.
Đây cũng là dịp để vinh danh những đóng góp to lớn của kiều bào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khích lệ cộng đồng người VN ở nước ngoài tiếp tục gắn bó, đoàn kết và cống hiến cho quê hương.
Điểm đặc biệt của Xuân quê hương năm 2025 chính là sự đổi mới sáng tạo trong nội dung và hình thức tổ chức, mang đến nhiều hoạt động ý nghĩa. Trong khuôn khổ chương trình, kiều bào sẽ có cơ hội tham gia các hoạt động kết nối với các địa phương như UBND TP Hà Nội và tỉnh Hưng Yên.
Đây là dịp để các đại biểu kiều bào đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm và hiến kế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Sự kết nối này không chỉ tăng cường mối gắn kết giữa cộng đồng kiều bào với đất nước mà còn khẳng định vai trò của kiều bào trong sự phát triển chung của VN.
Chương trình giao lưu nghệ thuật Xuân quê hương năm 2025 với các tiết mục giao thoa giữa nét đẹp truyền thống và hiện đại, tôn vinh quê hương, đất nước và Thủ đô Hà Nội. Không khí ấm áp, rộn ràng của mùa xuân sẽ được tái hiện qua phần trình diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và kiều bào.
Đặc biệt, sự tham dự, phát biểu chúc Tết kiều bào và đánh trống khai xuân của Chủ tịch nước Lương Cường tại chương trình là điểm nhấn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng người VN ở nước ngoài.
Ngoài ra, chương trình còn bao gồm nhiều hoạt động ý nghĩa khác như lễ dâng hương tại điện Kính Thiên; nghi thức thả cá chép tại ao cá Bác Hồ, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; dự lễ công bố bảo vật quốc gia.
Xuân quê hương năm 2025 không chỉ là sự kiện văn hóa, chính trị mà còn là cầu nối gắn kết cộng đồng kiều bào trên toàn thế giới với quê hương. Đây là dịp để mọi người cùng hướng về một VN đầy khát vọng, vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới, sẵn sàng đón nhận những thách thức và cơ hội để phát triển bền vững. PV
...................
PGS-TS TRẦN LÊ HƯNG, ĐH Gustave Eiffel (Pháp):
Thu hút trí thức kiều bào bằng sự phát triển tự thân của đất nước
Tôi đi du học từ năm 2009, đến năm 2020 thì quyết định quay về Việt Nam (VN) và làm giảng viên tại ĐH Quốc gia Hà Nội với mong muốn được truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức đã học ở nước ngoài cho thế hệ sau.
Có thể nói ba năm ở VN, tôi như được sống tại tuổi trẻ, được hòa mình vào cuộc sống nhộn nhịp của quê hương.
Đến cuối năm 2023, tôi được Trường ĐH Gustave Eiffel (Pháp) bổ nhiệm phó giáo sư khi 32 tuổi. Đó là một cơ hội đến bất ngờ và tôi đứng giữa ngã rẽ hoặc là chọn ở lại VN hoặc sang Pháp phát triển chuyên môn.
Trong chặng đường làm việc tại VN, tôi thấy khoa học, công nghệ dù đã phát triển, có rất nhiều nguồn lực hỗ trợ nghiên cứu nhưng vẫn còn hạn chế. Các trường ĐH có đầu tư nhưng chưa nhiều, chỉ như “muối bỏ bể”. Sau đó, tôi quyết định quay lại Pháp để nghiên cứu, học tập với suy nghĩ trên cương vị nào, sống ở đâu, chúng ta đều có thể cống hiến cho quê hương.
VN hiện đã có những bước tiến đáng kể trong thu hút trí thức kiều bào quay về đóng góp cho quê hương. Khoảng 15 năm trước, đa số du học sinh sau khi tốt nghiệp sẽ chọn ở lại nước sở tại vì thu nhập tốt hơn, nhiều ưu đãi và cơ hội phát triển hơn… Nhưng những năm gần đây, trước sự phát triển nhanh chóng, vượt bậc của đất nước thì về VN không còn là câu hỏi nữa mà là sự lựa chọn.
Dù vậy, theo tôi, điều này là chưa đủ, bởi mỗi trí thức kiều bào khi đứng trước ngã rẽ lựa chọn quay về đều phân vân với suy nghĩ “về nước rồi sẽ làm việc gì và làm ở đâu?”.
Như ngành tôi học là cơ kỹ thuật, liên quan đến hoạt động đường sắt cao tốc nhưng VN chưa phát triển đồng bộ hoặc người khác học về điện hạt nhân mà chúng ta chưa có nhà máy điện hạt nhân thì cũng chưa thể quay về. Không phải họ không muốn mà là cơ sở hạ tầng của mình chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa thể phát huy tiềm năng của các trí thức kiều bào.
Thực ra sự phát triển tự thân của đất nước chính là điểm thu hút lớn nhất đối với mỗi trí thức kiều bào. Trong kỷ nguyên mới khi đất nước hoàn thành dự án cao tốc Bắc - Nam, xây dựng nhà máy điện hạt nhân và hàng loạt công trình, dự án trọng điểm quốc gia khác sẽ giúp mở ra cơ hội mới cho một bộ phận trí thức kiều bào quay về quê hương cống hiến.
Tôi cũng mong những chính sách, nghị định về thu hút nguồn nhân tài, phát triển khoa học, công nghệ… của chúng ta sẽ sớm được cụ thể hóa và triển khai vào thực tế để làm cơ sở thu hút trí thức kiều bào. Đây là một bước thay đổi lớn khi Nhà nước đã mở rộng hơn, tạo điều kiện hơn để thu hút nhân tài, trí thức kiều bào. Đó cũng điều mà nhiều người tài đang chờ để quay về và an tâm cống hiến. BẢO PHƯƠNG ghi