Thứ trưởng: Nhiều tàu chỉ có 'hồi ký' chứ không phải 'nhật ký'

(PLO)- Từ đầu 2023 đến nay tiếp tục xảy ra 14/84 tàu ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, tập trung tại các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu và Kiên Giang.
0:00 / 0:00
0:00

Ngày 3-7, Bộ NN&PTNT tổ chức họp báo thường kỳ. Vấn đề về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU) được báo chí quan tâm đặt câu hỏi.

Ông Dương Văn Cường, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT), cho biết sau cuộc họp lần 7 của Ban chỉ đạo Quốc gia về IUU, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra ở hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cùng đại diện Cục Thuỷ sản, Cục Kiểm ngư cũng tham gia đoàn công tác.

Ông Cường cho hay, qua kiểm tra, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo là Bộ NN&PTNT ghi nhận hai tỉnh đã có nhiều kết quả tích cực trong công tác chống khai thác IUU. Đơn cử như hai tỉnh đã có những tiến bộ rõ rệt về giám sát đội tàu, chứng nhận về truy xuất nguồn gốc, lắp đặt giám sát hành trình đạt 100%.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như còn tình trạng tàu cá của ngư dân địa phương bị nước ngoài bắt giữ, vi phạm IUU trên biển còn nhiều nhưng kết quả kiểm tra xử phạt vi phạm còn ít. Việc lắp đặt giám sát hành trình đạt 100% nhưng tình trạng mất kết nối để cố tình trốn tránh giám sát của cơ quan thẩm quyền vẫn xảy ra phổ biến, chưa có giải pháp xử lý tàu cập bến cảng cá không được chỉ định để bốc dỡ thuỷ sản…

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin về công tác chống khai thác IUU tại họp báo. Ảnh: AH

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin về công tác chống khai thác IUU tại họp báo. Ảnh: AH

Theo ông Cường, trước tồn tại hạn chế như vậy, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo các địa phương ven biển từ nay đến tháng 10 tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU yêu cầu tại Quyết định 81/QĐ-TTg ngày 13-2-2023, Công điện 265 ngày 17-4-2023… mà trọng tâm là không để xảy ra tình trạng tàu cá của ngư dân vi phạm biển nước ngoài.

Thông tin thêm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, từ khi bị thẻ vàng IUU - năm 2017, đến nay là gần sáu năm chưa gỡ được thẻ vàng. Việc chưa gỡ được thẻ vàng đã ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu thuỷ sản khi châu Âu kiểm soát 100% lô hàng, thời gian thông quan kéo dài hơn, gia tăng các chi phí. Không chỉ châu Âu, Mỹ và Nhật Bản cũng đang nêu vấn đề này. Nay mai, các quốc gia khác cũng sẽ làm như vậy, đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị.

Tiếp tục đánh giá về công tác chống khai thác IUU ở các địa phương, Thứ trưởng Tiến cho hay về quản lý và giám sát đội tàu, hiện chúng ta có hơn 86.820 tàu, trong đó trên 3.000 tàu có chiều dài trên 15 m.

Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được 97%, nhưng số nguy cơ cao lại nằm ở số còn lại chưa lắp thiết bị. Hai là lắp đặt thiết bị rồi nhưng lại có tình trạng ngắt kết nối, gửi thiết bị sang tàu khác, cho thấy việc quản lý và giám sát đội tàu còn vấn đề. Từ đầu năm đến nay xảy ra 14 vụ/84 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.

“Vì sao EC vừa qua chưa đến? Vì ta vẫn còn tàu vi phạm nước ngoài, nghĩa là ta chưa thể gỡ thẻ vàng, nên họ rời sang tháng 10. Tàu đi đánh bắt về phải có nhật ký, nhưng nhật ký của nhiều tàu là “hồi ký” chứ không phải nhật ký, thậm chí 10 tàu chữ giống nhau, chứng tỏ không phải nhật ký” - ông Tiến nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm